(HNMCT) - Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới duy nhất của ngành Thể dục - Thể thao (TDTT) Hoàng Vĩnh Giang, nguyên Giám đốc Sở TDTT Hà Nội đã lặng lẽ đi vào giấc ngủ thiên thu vào ngày 11-9-2021. Suốt một đời đam mê và cống hiến, “cây đại thụ” của Thể thao Việt Nam (TTVN) đã để lại những dấu son đậm nét trong hành trình hội nhập và khẳng định vị thế của TTVN trên đấu trường quốc tế.
1. Dấu son đậm nét của Hoàng Vĩnh Giang là vai trò chiến lược gia hoạch định con đường tìm vàng mười của Thể thao Thủ đô nói riêng và TTVN nói chung.
Người trong nghề thường nhắc đến chiến lược “đi tắt đón đầu” ông đưa ra từ cuối những năm 1980, góp phần đưa TTVN nhanh chóng được vinh danh trên đấu trường quốc tế. Hàng loạt môn thể thao mới được chiến lược gia này du nhập về nước, gây dựng và phát triển lực lượng, bao gồm kiếm quốc tế, cầu mây, các môn võ pencak silat, taekwondo, karatedo, judo, wushu...
Nằm trong lứa vận động viên (VĐV) wushu thành danh nhờ sự đầu tư, chăm bẵm ấy, nhà vô địch thế giới Nguyễn Phương Lan chia sẻ: “Tôi đến với môn wushu khi 21 tuổi, đã lập gia đình, có con nhỏ, đang làm công nhân Xí nghiệp Bánh kẹo Hải Châu, hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Ông Giang đã nhìn thấy sự quyết tâm, niềm đam mê võ thuật, cũng như tố chất, năng lực của tôi, tạo điều kiện tối đa cho tôi tập luyện, thi đấu đỉnh cao. Hồi đó khó khăn muôn bề: VĐV tập không có thảm, ông Giang mang đệm của nhà đến cho VĐV tập. Đi công tác nước ngoài, ông tranh thủ mua đao, kiếm, trang thiết bị tập luyện cho đội. VĐV đi thi đấu quốc tế, ông tìm nguồn, thậm chí bỏ tiền túi để sắm cho VĐV những bộ đồ thể thao đẹp nhất, tốt nhất. Ông luôn dạy bảo VĐV cách ăn nói, ứng xử, tác phong chuyên nghiệp, để bạn bè quốc tế nhìn VĐV Việt Nam với thái độ trân trọng. Thi đấu có ông đi cùng thì vô cùng yên tâm, vì ông nắm rõ luật lệ và thành thạo tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Trung, thừa khả năng tranh biện để bảo vệ VĐV không bị xử ép. Ông nghiêm khắc nhưng luôn yêu thương, bao dung, khích lệ, chăm lo cụ thể cho VĐV”.
Chiến lược “đi tắt đón đầu” do Hoàng Vĩnh Giang khởi xướng đã phát huy hiệu quả trong mấy chục năm qua, góp phần đưa TTVN luôn vững vàng trong tốp đầu khu vực, từng bước chinh phục đấu trường châu Á và Olympic. Từ năm 1993, với sự tham vấn của vị “tổng công trình sư” này, nhiều thế hệ “gà nòi” đã được đầu tư dài hạn theo định hướng chuyên nghiệp, bố trí tập huấn và thi đấu ở nước ngoài, được tập luyện dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia giỏi, đào tạo bài bản. 10 năm sau đó, TTVN đăng cai thành công SEA Games 22 - 2003, xuất sắc giành vị trí Nhất toàn đoàn. Nhiều lứa VĐV được gây dựng từ giai đoạn đó đã tiếp đà rèn luyện, trưởng thành, sau này lần lượt chinh phục những đỉnh cao mới tại ASIAD và Olympic.
2. Khẳng định “mỗi chiến lược đều có giá trị trong một giai đoạn cụ thể”, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn nhấn mạnh: “Giai đoạn chuẩn bị xây dựng Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tôi đã nhiều lần tham vấn ý kiến của ông Hoàng Vĩnh Giang. Vai trò định hướng chuyên môn, hoạch định chiến lược phát triển của một người tài năng, sắc sảo, thông minh như ông là không phải bàn cãi. Chúng tôi đều thống nhất đã đến lúc TTVN phải tập trung “tấn công” đấu trường ASIAD, Olympic với mức độ sâu hơn, quyết liệt hơn. Để làm được điều đó, phải đặc biệt nhấn mạnh quan điểm đầu tư lâu dài, khắc phục hạn chế về cơ sở vật chất, kêu gọi sự đầu tư mạnh mẽ từ mọi nguồn lực của xã hội. Ngành TDTT tự hào có một nhà lãnh đạo như ông: Vừa có tầm nhìn chiến lược, vừa luôn cụ thể, quyết liệt khi vào việc; “điều binh khiển tướng” tài tình, linh hoạt; nghiêm khắc nhưng luôn gần gũi, yêu thương VĐV”.
Với góc nhìn của nhà quản lý thể thao tầm quốc gia, ông Trần Đức Phấn đặc biệt đánh giá cao sự đóng góp của “cây đại thụ” này cả về đối nội và đối ngoại. Những năm làm Giám đốc Sở TDTT Hà Nội, ông Hoàng Vĩnh Giang đã góp sức giúp Thể thao Thủ đô phát triển toàn diện, với dàn VĐV hùng hậu ở hơn 40 bộ môn và phân môn, thường xuyên giành ngôi vị Nhất toàn đoàn ở các kỳ Đại hội TDTT toàn quốc và đóng góp 30% tổng số Huy chương vàng của Đoàn TTVN ở các kỳ đại hội quốc tế lớn. Đặc biệt, mô hình Trung tâm Đào tạo VĐV cấp cao mà ông Giang đưa ra sau này được lãnh đạo Thành phố duyệt đầu tư làm công trình chào mừng dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, có ý nghĩa rất lớn trong việc đào tạo VĐV theo quy trình khép kín (ăn, ở, sinh hoạt, tập luyện, thi đấu) một cách đồng bộ, hiện đại và khoa học.
Trong quan hệ quốc tế, chiến lược gia Hoàng Vĩnh Giang thực sự là nhân vật xuất chúng. Ông Trần Đức Phấn bày tỏ: “10 năm qua, tôi có nhiều chuyến đi công tác cùng Phó Chủ tịch Hội đồng thể thao châu Á Hoàng Vĩnh Giang. Đi đâu tôi cũng thấy rõ sự kính trọng, yêu mến mà bạn bè quốc tế dành cho “Doctor Hoàng”, “Professor Hoàng”! Ông thực sự là một người tài hoa, uy tín, một nhà ngoại giao bẩm sinh trong các hoạt động đối ngoại quốc tế”.
3. Hoàng Vĩnh Giang sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống, là Chủ tịch Hội đồng gia tộc Chi Ba ngành trưởng họ Hoàng “làng khoa bảng” Đông Ngạc xưa, vốn những tên tuổi như Hoàng Tướng Hiệp - Thượng thư Bộ Lễ thời vua Duy Tân, Hoàng Tăng Bí (ông nội) - một trong những người khởi xướng và lãnh đạo phong trào yêu nước Đông Kinh Nghĩa Thục, Hoàng Minh Giám (bố đẻ) - từng là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội khóa VI... Tiếp nối truyền thống gia đình, ông Hoàng Vĩnh Giang không chỉ là Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Công dân Ưu tú Thủ đô, mà còn là một nhà lãnh đạo đủ tâm - tầm - tài của ngành TDTT, người thầy đáng kính trọng và được yêu mến của bao thế hệ VĐV, HLV Thủ đô và cả nước.
Gần 20 năm quen biết ông, tôi may mắn được nhiều lần trò chuyện, phỏng vấn ông về chiến lược phát triển TDTT; về quan điểm đề cao đầu tư giáo dục thể chất, tạo nền tảng xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện cả về văn - trí - thể - mỹ. Nhớ người lãnh đạo đầu ngành tối khuya còn gọi điện báo tin kết quả các cuộc họp, thi đấu quan trọng ở nước ngoài cho phóng viên làm tin sự kiện, tự tay viết trả lời phỏng vấn, nửa đêm chụp ảnh gửi mail để bảo đảm tính thời sự. Nhớ hình ảnh ông đón nhận từng bài viết trong loạt bài có chủ đề “Thể thao Hà Nội: Hội tụ - Kết tinh - Lan tỏa” do nhóm phóng viên Báo Hànộimới thực hiện dịp kỷ niệm 50 năm Giải phóng Thủ đô (1954 - 2004), mở rộng tờ báo, đọc to từng câu với thái độ trân trọng, khiến cô phóng viên trẻ là tôi khi ấy thực sự cảm thấy được khích lệ... Hoàng Vĩnh Giang là thế, tài năng, uy lực nhưng cũng rất gần gũi, ứng xử văn hóa và lúc nào cũng đau đáu với nghề.
Ông đã sống một cuộc đời trọn vẹn, tài hoa, đam mê và cống hiến!
Gắn bó cùng Giải chạy Báo Hànộimới
Trong sự nghiệp, ông Hoàng Vĩnh Giang (1946 - 2021) có quá trình dài gắn bó sâu sắc với Thể thao Thủ đô, làm Phó Giám đốc Sở TDTT Hà Nội (nay là Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) từ năm 1983 đến 1987, rồi Giám đốc Sở từ năm 1988 đến khi nghỉ hưu (2006).
Sinh thời, ông luôn dành tình cảm đặc biệt với Báo Hànộimới, đặc biệt là trong công tác phối hợp tổ chức Giải chạy Báo Hànộimới - một sự kiện thể thao giàu truyền thống mang ý nghĩa chính trị - xã hội lớn của Thành phố. Ông đã cùng lãnh đạo Báo Hànộimới nhiều lần thống nhất đổi mới phương thức tổ chức giải, từ một giải chạy việt dã mang tính chất biểu dương lực lượng thể thao quần chúng đông - đều - đủ - đẹp, nâng tầm thành cái nôi tuyển chọn các VĐV điền kinh cự ly trung bình và dài hàng đầu của Thủ đô và đất nước, có sự tham gia của VĐV đội tuyển quốc gia cũng như VĐV người nước ngoài trong cuộc thi chung kết, mở rộng ý nghĩa của giải thành giải chạy Vì hòa bình, gửi thông điệp hòa bình đến bạn bè trên toàn thế giới...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.