(HNM) - Bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nhật Bản Murakami Haruki do đạo diễn Trần Anh Hùng thực hiện để lại cho khán giả những dấu lặng và sự nặng nề, bối rối sau khi xem xong.
Lấy bối cảnh nước
Nhật những năm 1960, "Rừng Nauy" là một câu chuyện mạnh mẽ và đầy bi kịch xoay quanh những thanh niên trẻ trong thời kỳ đổi mới, bắt đầu cuộc cách mạng tình dục chống lại lề lối phong kiến cổ hủ trong xã hội Nhật Bản. Nhân vật trung tâm của phim là Watanabe Toru - chàng sinh viên 20 tuổi trải qua nhiều cuộc tình chớp nhoáng với những cô gái phóng khoáng, cởi mở.
Cảnh trong phim Rừng Nauy. |
Sau cái chết của người bạn thân Mizuki, Watanabe suy sụp và chuyển tới Tokyo. Tại đây, anh gặp gỡ và đem lòng yêu Naoko - bạn gái của Mizuki đang phải đối mặt với cơn chấn động tâm lý. Sau một đêm mặn nồng, Naoko đột ngột bỏ đi. Đúng lúc này, Watanabe lại gặp Midori - một thiếu nữ căng tràn nhựa sống và luôn khát khao được yêu thương. Chàng sinh viên trẻ lao vào cuộc tình với hai cô gái, một người nhạy cảm, yếu đuối, người còn lại hoạt bát, sống động…
"Rừng Nauy" là một bộ phim "đẹp" như những tác phẩm trước đây của đạo diễn Trần Anh Hùng. Những khuôn hình lãng mạn, thơ mộng với bối cảnh được quay trải đều từ mùa đông, mùa hè, mùa thu tạo nên những thước phim đẹp long lanh, trau chuốt. Trần Anh Hùng cũng sử dụng sự biến đổi của thiên nhiên để dẫn dắt cảm xúc của nhân vật. Cảnh quay Naoko và Watanabe Toru nhỏ bé trên ngọn đồi ngập tràn tuyết trắng để lại nhiều ấn tượng mạnh mẽ.
Về mặt hình ảnh thì có thể nói "Rừng Nauy" là một bộ phim đẹp. Tuy nhiên, cảm xúc đọng lại trong lòng khán giả sau khi xem xong chỉ là sự nghẹn ngào, hoang mang. Câu chuyện về cuộc cách mạng tình dục của thanh niên không còn mới mẻ và cách kể của Trần Anh Hùng cũng vậy. Những cảnh "nóng" của phim mặc dù được tiết chế nhưng gây cảm giác không thật và chưa "tới". Nỗi đau của các nhân vật cũng chưa được khai thác triệt để.
Mặt khác, phim còn lạm dụng âm nhạc để dẫn dắt cảm xúc của khán giả. Những giai điệu guitar hay violin trong phim khi mới nghe có thể rất ấn tượng. Nhưng càng về sau, sự xuất hiện của chúng càng gây phản cảm. Trong mỗi bộ phim, âm nhạc thường bổ trợ cho hình ảnh trong việc tạo nên cảm xúc cho người xem nhưng ở "Rừng Nauy" là ngược lại. Những giai điệu réo rắt của tiếng đàn violin ở một số trường đoạn phim dường như muốn cố gắng tạo cho người xem cảm giác day dứt, trong khi hình ảnh chưa làm được điều đó. Chính vì thế, âm nhạc trong "Rừng Nauy" tạo một cảm giác sắp đặt và đẩy khán giả vào trạng thái tâm lý nhân vật, chứ không còn là sự tự nguyện nữa.
"Rừng Nauy" là một cuốn tiểu thuyết đã quá nổi tiếng trong nền văn học Nhật Bản. Chính vì vậy việc đưa những dòng chữ lên màn ảnh rộng quả thực là điều thử thách cho đạo diễn. Không phủ nhận những nỗ lực và bàn tay nghề nghiệp tài ba của đạo diễn Trần Anh Hùng, nhưng "Rừng Nauy" chỉ là một bộ phim "đẹp" chứ chưa thể hiện được cái "hồn" mà nhà văn Murakami Haruki gửi gắm trong câu chuyện của mình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.