Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hoàng Kế Viêm với chiến thắng Ô Cầu Giấy

TUANDIEP| 30/11/2008 06:58

(HNM) - Ngày 21-12-2008 tròn 135 năm chiến thắng Ô Cầu Giấy lần thứ nhất (1873-2008) và 125 năm chiến thắng lần thứ hai (1883-2008). Đây là 2 trận thắng nổi tiếng, ghi dấu ấn đầu tiên cuộc kháng chiến chống Pháp lần thứ nhất của dân tộc Việt Nam...

Hậu duệ của Hoàng Kế Viêm bên lăng mộ ông được xây dựng từ năm 1909 tại Văn La (Quảng Bình).

(HNM) - Ngày 21-12-2008 tròn 135 năm chiến thắng Ô Cầu Giấy lần thứ nhất (1873-2008) và 125 năm chiến thắng lần thứ hai (1883-2008). Đây là 2 trận thắng nổi tiếng, ghi dấu ấn đầu tiên cuộc kháng chiến chống Pháp lần thứ nhất của dân tộc Việt Nam...

Hoàng Kế Viêm (1820-1909) sinh tại xã Văn La, huyện Khang Lộc (nay là làng Văn La, xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), là con trai út Thượng thư Hoàng Kim Xán, dưới triều Gia Long. Là con quan đại thần, Hoàng Kế Viêm được tập ấm, sơ bổ chức Tư vụ Quốc tử giám, rồi thăng lên Chủ sự và được vua Minh Mạng gả con gái là công chúa Hương La. Minh Mạng đã thay tên lót cho ông từ Kế ra Tá (Hoàng Tá Viêm). Năm 1853, Hoàng Tá Viêm được bổ làm Án sát Nam Định, đến năm 1858 giữ chức Bố chánh Thanh Hóa, năm 1859 đổi ra làm Bố chánh Hộ lý Tổng đốc Hưng Yên. Năm Nhâm Tuất (1862), Hoàng Tá Viêm được thụ phong Tuần phủ Hưng Yên, năm 1865 giữ chức Thự Tổng đốc An-Tĩnh, rồi đến năm Canh Ngọ (1870) Tổng đốc An-Tĩnh. Làm quan ở nhiều địa phương, ở đâu Hoàng Tá Viêm cũng là một vị quan thanh liêm, quan tâm đến đời sống nhân dân, do vậy dân được an cư lạc nghiệp, cuộc sống ổn định.

Lúc bấy giờ tình hình biên cương phía Bắc rất phức tạp. Quân phỉ từ bên kia biên giới tràn sang nước ta. Lý Tam Đường chiếm cứ vùng Thái Nguyên, Lý Dương Tài đánh phá miền Lạng Sơn. Bọn Cờ vàng, Cờ đen, Cờ trắng đóng chiếm cả một giải thượng du Bắc Kỳ. Bọn Hoàng Tề, Tô Tứ quấy nhiễu ở ven biển Bắc Kỳ… Triều đình muốn chọn một vị tướng tài ba và tin cậy để đảm đương công việc dẹp giặc nơi biên cương. Vua hỏi ý kiến Nguyễn Tri Phương. Nguyễn Tri Phương tâu xin vua cho Hoàng Kế Viêm được toàn quyền. Tự Đức ban cho Hoàng Kế Viêm một thanh gươm vàng và 5 lá cờ lệnh, coi đó là ân điển của triều đình. Mùa thu năm 1870, Hoàng Kế Viêm nhận trọng trách về quân sự, làm Thống đốc quân vụ đại thần Lạng - Bằng - Ninh - Thái. Năm sau ông được gia hàm Hiệp biên Đại học sỹ. Hoàng Kế Viêm đã dẹp được giặc ở biên cương tổ quốc, thu phục được quân Cờ đen, góp phần làm nên chiến thắng Ô Cầu Giấy sau này. Năm 1872, ông được phong Bắc Kỳ Đại nguyên soái, năm 1873 Tiết chế quân vụ Bắc Kỳ... Ngày 20-11-1873, viên đại úy Francis Garnier với 200 quân tấn công thành Hà Nội, Nguyễn Tri Phương trấn giữ thành bị thương nặng, tuyệt thực và hy sinh, Hà Nội thất thủ. Thành Hà Nội mất, song 2 cánh quân của triều đình do Hoàng Kế Viêm và Trương Quang Đản chỉ huy vẫn còn nguyên vẹn. Triều đình Huế không muốn dựa vào lực lượng này để giành lại đất đai bị mất, mà muốn qua thương lượng để chuộc lại. Được đà, quân Pháp đánh chiếm Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình… Trong lúc phái đoàn Trần Đình Túc (làm Tổng đốc sau khi Nguyễn Tri Phương mất) đang đàm phán vớiF. Gernier, Hoàng Kế Viêm lệnh cho cánh quân Lưu Vĩnh Phúc phối hợp với quân triều đình do ông tổng chỉ huy bố trí mai phục ở Ô Cầu Giấy, mặt khác cho quân vào thành Hà Nội khiêu chiến buộc F. Gernier tạm dừng thương lượng, tự dẫn quân đi ứng chiến và sa vào ổ phục kích. Trận chiến xảy ra ác liệt. Quân của Hoàng Kế Viêm chém đầu F. Gernier vào giữa trưa ngày 21-12-1873...

Tuy vậy, triều đình Huế bạc nhược đã lệnh cho Hoàng Kế Viêm (cũng như cánh quân của Trương Quang Đản) lùi khỏi phạm vi Hà Nội, buộc phải rút về Sơn Tây, tiếp tục xây dựng quân đội, tổ chức dân binh. Lúc này thực dân Pháp đánh giá Hoàng Kế Viêm "là đối thủ chính" và có thái độ "rất thù địch" (điện mật của Pháp). Theo hòa ước Giáp Tuất 1874 Pháp trả thành Hà Nội, Tổng đốc Hoàng Diệu trấn giữ. Năm 1878, Hoàng Kế Viêm được phong Thự Đông các Đại học sỹ và ngay sau đó ông được lệnh điều quân đi dẹp bọn giặc Lý Dương Tài đang quấy phá ở Lạng Sơn. Năm 1879, bọn Lý Dương Tài bị đánh tan...

Biết được âm mưu của giặc Pháp là không từ bỏ đánh chiếm Bắc Kỳ, năm 1882 Hoàng Kế Viêm cùng một số quân thần khác dâng sớ xin triều đình cho đánh Pháp. Hoàng Kế Viêm cùng Hoàng Diệu tâu vua Tự Đức xin đưa quân thứ Tam Tuyên do Viêm chỉ huy về ứng cứu Hà Nội. 8 giờ ngày 25-4-1882 viên Đại tá Henri Riviere (tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Bắc Kỳ) gửi tối hậu thư buộc Hoàng Diệu đầu hàng. Tổng đốc Hoàng Diệu không thèm trả lời. 15 phút sau, giặc từ chiến hạm nổ súng và tấn công thành Hà Nội. Quan triều đình chống giữ không nổi, Hà Nội thất thủ, Hoàng Diệu treo cổ tuẫn tiết.

Hà Nội thất thủ và cái chết của Hoàng Diệu làm cho nhân dân Bắc Kỳ sôi sục căm thù. Lúc này cánh quân Hoàng Kế Viêm vẫn án binh bất động. Triều đình không dựa vào lực lượng này để đẩy mạnh cuộc kháng chiến, trái lại, phái người ra Hà Nội thương thuyết và lệnh cho Hoàng Kế Viêm và Nguyễn Chính lui quân về Hà Đông. Hai ông phản ứng, dâng sớ vạch tội Pháp. Hoàng Kế Viêm kháng sắc dụ bãi binh. Tự Đức giao cho triều đình luận tội ông đã trái lệnh vua, mặt khác lấy tình gia tộc khẩn cầu ông bãi binh... Ông khẳng khái "Vua ta sợ giao chiến mãi với Pháp, mãi không thấy thắng sẽ mất cả giang san, lo sợ không còn đất đai cho hoàng gia sinh sống. Chúng ta có quyền tự hỏi: Tại sao nhà vua không hỏi rằng toàn dân sẽ ở vào đâu?"...

Sau khi Hà Nội thất thủ, nhân dân Hà Nội nổi dậy chống Pháp. Ngày24-3-1883, H. Riviere đưa quân đánh chiếm Nam Định. Thừa cơ, 2 đạo quân do Hoàng Kế Viêm và Trương Quang Đản chỉ huy đã hội quân vây Hà Nội. Quân Trương Quang Đản áp sát tuyến ven sông Hồng, quân Hoàng Kế Viêm án ngữ dọc bờ sông Tô. Rạng sáng 26-3-1883, Hoàng Kế Viêm cho 4.000 quân từ phủ Hoài Đức tiến về Hà Nội, tấn công một số căn cứ giặc ở trong thành, quân Trương Quang Đản chặn đánh dọc sông Hồng, pháo kích căn cứ Đồn Thủy. Quân của Hoàng Kế Viêm đem cả voi đi tuần trong lòng Hà Nội, tấn công cứ điểm Hàm Long…, buộc H. Riviere phải xin lệnh Thống đốc ở Sài Gòn dẫn quân ra Phủ Hoài Đức. 4 giờ ngày19-5-1883, H. Riviere chỉ huy 500 quân theo đường Trường Thi kéo quân về Phủ Hoài Đức. Quân Pháp lọt vào ổ phục kích ở Hạ Yên Quyết, Trung Thôn và bị đánh bất ngờ đã tháo chạy ngang qua vị trí cánh quân ta mai phục ở Tiền Thôn. Quân mai phục xung phong đồng loạt và H. Riviere bị chém đầu. Thế là trong 2 chiến thắng Ô Cầu Giấy cách nhau 10 năm (1873-1883), hai viên tổng chỉ huy quân Pháp ở Bắc Kỳ bị chặt đầu trên đất Ô Cầu Giấy. Người chỉ huy lập nên 2 chiến thắng đó là Thống đốc Trấn Bắc Đại tướng quân Hoàng Kế Viêm.

Thực dân Pháp đã đánh giá "dân chúng Bắc Hà tin vào Viêm hơn Tự Đức". Ngày 17-7-1883, vua Tự Đức băng hà. Trong di chiếu để lại, nhà vua viết: "Thống đốc Hoàng Tá Viêm thân tuy ngoài Bắc, thực quan hệ đến biên phòng, lâu nay dẹp yên biên giới Bắc Kỳ, trung thành công nghiệp rực rỡ. Giao cho người làm Trấn Bắc Đại tướng quân, các việc bình Tây, định Bắc đều giao cả cho người…".

Đỗ Duy Văn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoàng Kế Viêm với chiến thắng Ô Cầu Giấy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.