Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hoảng hồn vì kính cường lực tự nổ

Dạ Khánh| 19/07/2018 07:10

(HNM) - Thời gian qua, việc sử dụng kính cường lực trong thi công các công trình xây dựng khá phổ biến. Tuy nhiên, một số vụ nổ kính cường lực, gây thương tích cho người sử dụng xảy ra gần đây khiến không ít người hoảng hồn về tính an toàn của sản phẩm này.

Người dân nên chọn những đơn vị sản xuất, thi công chuyên nghiệp để tránh rủi ro có thể xảy ra.


Sứt đầu, mẻ trán vì kính tự phát nổ

Chiều 14-7, đang lúi húi dưới bếp, anh Hoàng Cường (phường Hạ Đình, Thanh Xuân) bỗng nghe tiếng nổ khá lớn, ngay sau đó là tiếng cậu con trai khóc thét. Vội chạy lên, anh thấy cửa ra vào phòng khách lắp bằng kính cường lực đã vỡ vụn, còn cậu con trai máu từ đầu chảy xuống, thấm đỏ vạt áo. Những tưởng kính vỡ do con nghịch, nhưng sau khi xem lại camera, anh Cường hoảng hồn khi thấy cánh cửa kính tự phát nổ, mảnh vỡ văng khiến cậu con trai bị lẹm một mảng da đầu, tay trầy, chân xước.

Chia sẻ sự việc với bạn bè, anh Cường mới biết, kính cường lực ở nhà ba người bạn anh cũng từng xảy ra hiện tượng tự nổ vỡ. Người nhẹ thì bị trầy đầu gối, xước chân tay. Trường hợp của chị Nguyễn Thu Tâm (phường Phú Diễn, Bắc Từ Liêm) nặng hơn cả khi phải nhập viện để khâu mấy mũi. Chị Tâm chia sẻ: “Tôi vừa mở cửa vách phòng tắm đứng làm bằng kính cường lực thì cánh cửa đột nhiên vỡ vụn. Lúc ấy cả người tôi chảy máu vì bị rất nhiều mảnh kính vỡ văng vào. Nặng nhất là hai cổ tay và đầu gối”.

Theo các chuyên gia vật liệu xây dựng, kính cường lực là kính thông thường được “tôi nhiệt” lên tới ngưỡng 700 độ C và cho làm nguội nhanh bằng khí mát. Đây được xem là loại kính an toàn nhờ có khả năng chịu lực, chịu va đập mạnh, chống rung hiệu quả, khả năng cách âm, cách nhiệt tốt, cùng ưu điểm hạn chế tối đa thương tích cho người sử dụng so với kính thông thường khi vỡ.

Do chất lượng kính và kỹ thuật lắp đặt

Nổ kính cường lực khiến nhiều người không yên tâm về tính an toàn của sản phẩm này. Ảnh: Thế Linh


Tiến sĩ Kiều Lê Hải - Chánh Văn phòng Hiệp hội Kính và Thủy tinh Việt Nam cho biết: Kính cường lực hoàn toàn an toàn nếu được sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn, cũng như tuân thủ đúng quy định lắp đặt. Trước sự việc nổ kính cường lực phóng viên vừa kể trên, ông Hải cho rằng có nhiều nguyên nhân, song cơ bản nhất vẫn là lắp đặt kính không tuân thủ đúng quy định.

Để lắp đặt kính cường lực, người ta phải đo vẽ trực tiếp tại thực địa, sau đó gia công cắt kính đúng theo kích cỡ, rồi mới đem “tôi nhiệt”. Quá trình lắp đặt bảo đảm có độ co giãn cần thiết. Bởi lắp kính sát vào tường, trường hợp nhà bị nghiêng, lún, rung do sự di chuyển của xe cộ bên ngoài dễ dẫn đến nổ. Trường hợp kính không được cắt đúng kích cỡ, phải mài cho vừa khuôn thì quá trình mài làm kính vỡ ngầm từ bên trong, một lúc nào đó sẽ tự vỡ… Tác động va chạm trong quá trình sử dụng, nhất là va vào “điểm huyệt” của tấm kính (4 góc), gây sứt mẻ cũng là nguyên nhân khiến tấm kính mất dần liên kết, dẫn đến hiện tượng kính tự vỡ nổ.

Thạc sĩ Nguyễn Huy Khanh - Tổng công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam cho rằng, nguyên nhân còn đến từ vấn đề chất lượng. Ông Khanh lý giải, trong thành phần của kính cường lực nếu lẫn tạp chất Nicken Sulfua (tạp chất không mong muốn xảy ra trong quá trình nung chảy thủy tinh ở các nhà máy sản xuất), theo thời gian sẽ gây nguy cơ tự phát nổ. Do vậy, để kiểm tra độ an toàn của kính cường lực, các nhà sản xuất phải đầu tư các loại máy móc như lò sốc nhiệt. Những tấm kính không vỡ sau khi kiểm tra đạt tiêu chuẩn, sẽ được chứng nhận an toàn.

Hiệp hội Kính và Thủy tinh Việt Nam cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp sản xuất và gia công kính lớn trong nước đã mạnh dạn đầu tư, nâng cao tiêu chuẩn để cung ứng các sản phẩm kính có chất lượng. Tuy nhiên, hiện vẫn còn tình trạng kính trôi nổi, kém chất lượng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Liên quan đến công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa kính xây dựng, năm 2009, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 11/2009/TT-BXD, yêu cầu các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, thiết kế và thi công lắp đặt sản phẩm, hàng hóa kính xây dựng phải tuân thủ các quy định về quản lý chất lượng. Việc ra đời Thông tư này tại thời điểm đó được đánh giá là nhằm nâng cao công tác quản lý chất lượng đối với kính xây dựng - vốn trước đây gần như chưa đặt ra.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao công tác quản lý, ngày 29-9-2017, Bộ Xây dựng đã bãi bỏ Thông tư 11/2009/TT-BXD, ban hành Thông tư 10/2017/TT-BXD về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng và hướng dẫn chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy, kèm theo QCVN 16:2017/BXD, trong đó có nội dung về kính xây dựng. Thông tư có hiệu lực từ ngày 1-1-2018, là hành lang pháp lý để công tác quản lý chất lượng kính cường lực sẽ được nâng cao.

Tuy vậy, theo Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ vật liệu xây dựng (Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam), hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn về mặt hàng kính nói chung và kính cường lực vẫn chưa hoàn thiện. Các quy định mang tính bắt buộc liên quan đến an toàn sử dụng kính mới chỉ được đề cập rất ít trong Quy chuẩn xây dựng Việt Nam 05:2008/BXD của Bộ Xây dựng và dừng ở một số quy định liên quan đến an toàn đối với tác động va đập, đóng mở, tiếp cận làm vệ sinh.

Bảo đảm an toàn khi sử dụng kính cường lực, bên cạnh việc lựa chọn sử dụng sản phẩm chất lượng, các chuyên gia vật liệu xây dựng cũng khuyên người dân nên chọn những đơn vị thi công sản xuất, lắp kính chuyên nghiệp. Để phòng bị, có thể dán phim an toàn lên bề mặt kính để nếu bị nổ vỡ, kính sẽ không tạo ra các hạt nhỏ bắn vào người.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hoảng hồn vì kính cường lực tự nổ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.