(HNM) - Ngày 28-1, tại Hà Nội, Ban Bí thư TƯ tổ chức Hội nghị toàn quốc để đánh giá kết quả thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2009 và triển khai công tác năm 2010.
Chủ trì hội nghị, đồng chí Trương Tấn Sang, UV BCT, Thường trực Ban Bí thư và đồng chí Trương Vĩnh Trọng, UV BCT, Phó Thủ tướng Chính phủ đặt ra yêu cầu là đánh giá đúng thực trạng tham nhũng và công tác PCTN bằng cách "nhìn thẳng".
Đánh giá đúng, không bôi đen, không tô hồng
Về tình hình tham nhũng, qua từng giai đoạn cụ thể, Đảng ta đã nhiều lần nhận định: Tham nhũng gây hậu quả xấu về nhiều mặt, làm giảm sút lòng tin của nhân dân, là một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta. Chính vì vậy, công tác PCTN luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành. Và năm 2009 là năm thứ ba thực hiện Nghị quyết Trung ương 3, thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Nhìn lại quá trình triển khai thực hiện công tác PCTN thời gian qua, các đại biểu dự hội nghị đều thống nhất nhận định, với quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp và toàn xã hội, bằng các giải pháp đồng bộ, toàn diện, công tác PCTN, lãng phí đã có những bước chuyển biến, đạt được kết quả tích cực trên cả hai mặt phòng và chống. Tuy nhiên, với tinh thần đánh giá thẳng thắn, đồng chí Trương Tấn Sang cho rằng, công tác PCTN vẫn còn những hạn chế, yếu kém; tình hình tham nhũng còn nghiêm trọng và diễn biến phức tạp, là vấn đề toàn xã hội quan tâm, lo ngại, bức xúc...
Nhận định này được các đại biểu thống nhất cao. Đại biểu Nguyễn Thế Thảo, UVTƯ Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Trưởng BCĐ PCTN của Hà Nội và người đồng nhiệm tại TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân thể hiện sự đồng tình cao và cho rằng, nhận định đó là sát thực với tình hình ở địa phương, không bôi đen cũng không tô hồng thực tiễn.
Khắc phục những hạn chế chủ quan
Vậy những hạn chế, yếu kém còn tồn tại là do đâu? Chánh Văn phòng BCĐ Trung ương về PCTN Vũ Tiến Chiến cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do năng lực và sức chiến đấu của nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hạn chế, đấu tranh tự phê bình và phê bình yếu. Trong khi đó thì tính tiên phong, gương mẫu của không ít cán bộ, đảng viên hạn chế; một số người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa thực sự quyết tâm đi đầu trong công tác PCTN. Trên một số lĩnh vực, cơ chế, chính sách còn thiếu và sơ hở nhưng chưa được khắc phục... Đồng chí Phạm Thị Hải Chuyền, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ủy viên BCĐ TƯ về PCTN cũng nhấn mạnh đến vai trò của cán bộ cơ sở, tính tiền phong, gương mẫu trong công tác PCTN, trước hết là hoạt động tự phê bình và phê bình trong mỗi cơ sở Đảng. Rõ ràng, yếu tố này thời gian qua chưa được triển khai đúng như mong muốn; hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN của một số bộ, ngành, địa phương chưa thường xuyên và kiên quyết, công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát về PCTN còn hạn chế... Đó là những yếu tố mang tính chất chủ quan và như Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng nhấn mạnh, là những vấn đề cần tập trung khắc phục trước hết.
Nhìn từ góc độ khác, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân nêu lên thực trạng TP Hồ Chí Minh trên đà phát triển kinh tế, với số dự án năm 2010 lên đến hàng nghìn và số tiền đầu tư khoảng 160 nghìn tỷ đồng, việc giám sát PCTN gặp rất nhiều khó khăn, khi mà đội ngũ cán bộ chuyên trách PCTN chỉ có hơn 10 người. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều địa phương, nhất là Hà Nội và các tỉnh, thành có tốc độ phát triển cao. Từ thực trạng trên, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đề xuất cần có quy định mở rộng biên chế đối với đội ngũ cán bộ làm công tác PCTN. Bên cạnh đó, cần có chế độ, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ làm công tác chuyên trách, giúp việc trong công tác PCTN, tương tự như cán bộ trong khối nội chính, để nâng cao năng lực đấu tranh PCTN. Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch UBND, Trưởng BCĐ PCTN TP Cần Thơ cũng chia sẻ quan điểm cần có quy định rõ ràng về chế độ đối với những cán bộ, cá nhân tham gia công tác PCTN. Cụ thể, cần có quy định về công tác bảo vệ người tố cáo tham nhũng; có quy chế khai thác, sử dụng thông tin tố cáo tham nhũng...
Kết thúc hội nghị, đồng chí Trương Tấn Sang nhấn mạnh, mục tiêu của công tác PCTN năm 2010 là phải ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X), tạo niềm tin của nhân dân, thiết thực phục vụ đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. Để làm được việc đó, khắc phục những nguyên nhân khách quan gây hạn chế trong công tác PCTN, Ban Bí thư Trung ương Đảng, BCĐ PCTN Trung ương và các địa phương thống nhất là phải khẩn trương hoàn thiện cả về tổ chức và cơ chế, đồng thời nâng cao trách nhiệm giám sát công tác PCTN để thúc đẩy công tác này. Đây là những việc làm không dễ dàng và không thể giải quyết trong một sớm một chiếu, đòi hỏi quyết tâm và sự đồng thuận của nhiều cấp, ngành.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.