Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hoàn thiện hạ tầng giao thông, tạo sức bật phát triển

Hà Phạm| 09/01/2023 07:41

(HNM) - Thành phố Hồ Chí Minh vừa khởi công hàng loạt dự án hạ tầng giao thông quan trọng những ngày cuối năm 2022. Năm 2023, thành phố tiếp tục đẩy mạnh xây dựng các công trình, góp phần hoàn chỉnh diện mạo hạ tầng giao thông, tạo sức bật phát triển kinh tế - xã hội…

Thành phố Hồ Chí Minh khởi công dự án xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất.

Những ngày cuối năm 2022, một loạt công trình hạ tầng giao thông trọng điểm được chính quyền thành phố Hồ Chí Minh khởi công xây dựng.

Nổi bật nhất là dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư, được khởi công xây dựng ngày 24-12-2022. Công trình dự kiến thi công trong 24 tháng, hoàn thành và chạy thử cuối năm 2024. Khi đó, nhà ga T3 sẽ có công suất 20 triệu hành khách/năm, đáp ứng 7.000 hành khách/giờ cao điểm. Dự án có tổng mức đầu tư 10.990 tỷ đồng, huy động từ nguồn vốn chủ sở hữu của ACV (70%) và vốn vay thương mại (chiếm 30%). Khi hoàn thành, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ khai thác 90% chuyến bay nội địa, 10% chuyến bay quốc tế, còn sân bay quốc tế Long Thành sẽ khai thác 10% chuyến bay nội địa, 90% chuyến bay quốc tế.

Cuối tháng 12 vừa qua, thành phố Hồ Chí Minh cũng khởi công dự án xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, dài khoảng 4km, mặt cắt ngang 6 làn xe, vận tốc thiết kế 50km/giờ. Dự án có tổng mức đầu tư 4.848 tỷ đồng. Ngoài mục tiêu kết nối trực tiếp với nhà ga T3, dự án còn tạo ra một tuyến đường mới song hành và giảm tải cho các tuyến đường Cộng Hòa, Trường Chinh hiện hữu, góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông và kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.

Bên cạnh đó, thành phố khởi công dự án xây dựng, mở rộng quốc lộ 50, với tổng mức đầu tư 1.498 tỷ đồng. Dự án tiếp giáp tỉnh Long An, chiều dài gần 7km, mặt cắt ngang 34m (tương đương 6 làn xe), dự kiến hoàn thành cuối năm 2024. Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố Hồ Chí Minh (Ban Giao thông) Nguyễn Vĩnh Ninh cho biết, khi hoàn thành sẽ tăng năng lực khai thác tuyến này, giúp kết nối thành phố Hồ Chí Minh với tỉnh Long An và các tỉnh miền Tây. Đồng thời, tăng cường kết nối khu vực cửa ngõ phía Nam thành phố với tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành, Vành đai 3 thời gian tới.

Một trong những dự án giao thông tiêu biểu của thành phố Thủ Đức cũng được khởi công xây dựng những ngày cận Tết Dương lịch 2023 là nút giao thông An Phú. Cụ thể, ngày 29-12, Ban Giao thông khởi công dự án xây dựng nút giao thông An Phú, tổng mức đầu tư 3.408 tỷ đồng. Công trình thiết kế 3 tầng, là nút giao khác mức với hầm chui hai chiều nối với cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây với đường Mai Chí Thọ (phía hầm Thủ Thiêm), kéo dài qua nút giao Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống. Quy mô phần đường 10-12 làn xe, phần hầm 4 làn xe chạy hai chiều, các cầu vượt mỗi nhánh 2 làn xe. Công trình dự kiến hoàn thành năm 2025.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường đánh giá, dự án hoàn thành sẽ tăng cường kết nối cho cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây với đường Mai Chí Thọ và các tuyến trục chính của thành phố. Đồng thời, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực, bảo đảm giao thông thông suốt tại khu vực cửa ngõ phía Đông thành phố và khu vực Cảng Cát Lái.

Để đem lại diện mạo mới cho hạ tầng giao thông thành phố Hồ Chí Minh, năm 2023, ngành Giao thông thành phố Hồ Chí Minh đưa ra mục tiêu hoàn thành tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên); hoàn thiện 4 tuyến đường chính Khu đô thị mới Thủ Thiêm; đường Lương Định Của; tỉnh lộ 8; nút giao Nguyễn Văn Linh và Nguyễn Hữu Thọ. Đồng thời, khởi công dự án đường Vành đai 3; hoàn thiện hồ sơ để triển khai Vành đai 2, Vành đai 4, cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài, cầu Thủ Thiêm 3, cầu Thủ Thiêm 4, cầu Cần Giờ...

Song song đó, UBND thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thành phố sẽ đầu tư cho giao thông đường thủy như nâng tĩnh không cầu Bình Triệu, cầu Bình Phước, để vận tải đường thủy thông suốt, giúp “chia lửa” cho đường bộ. Một loạt dự án hạ tầng giao thông trên hứa hẹn sẽ sớm gỡ “nút thắt” về hạ tầng, giải phóng các nguồn lực, tạo điều kiện cho “đầu tàu” kinh tế tăng tốc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hoàn thiện hạ tầng giao thông, tạo sức bật phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.