Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hoàn thiện chính sách, đẩy mạnh truyền thông

Lâm Vũ| 30/11/2014 06:24

(HNM) - Ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu trong năm 2015 sẽ đón 8,5 đến 9 triệu lượt khách quốc tế, 41,5 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt 290 nghìn tỷ đồng.

Du khách tham quan Hà Nội bằng xích lô. Ảnh: Linh Ngọc


"Nóng" chuyện thuế đất, tăng giá vé tham quan

Hội nghị đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp thiết thực của doanh nghiệp đối với ngành du lịch. Vấn đề thuế đất dành cho doanh nghiệp du lịch đã được nêu lên tại hội nghị năm 2013, nay tiếp tục được đặt ra. Nhiều doanh nghiệp đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ về thuế đất để giảm gánh nặng về tài chính cho họ. "Trong hai năm 2013, 2014, Nhà nước có chính sách hỗ trợ - giảm tiền thuế đất cho doanh nghiệp, nay đã sắp sang năm 2015 nhưng vẫn chưa có thông tin giảm thuế. Doanh nghiệp chúng tôi luôn canh cánh nỗi lo về thuế đất vì với một khách sạn 180 phòng ở TP Huế, chỉ tính riêng một năm, khoản thuế đất phải nộp lên đến gần 8 tỷ đồng. Ở một nơi như Huế, đó là số tiền rất lớn. Thậm chí, số tiền mà chúng tôi làm ra có khi chỉ đủ nộp tiền thuế đất" - ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên - Huế nói.

Môi trường du lịch cũng được nhiều doanh nghiệp đề cập. Ngoài môi trường tự nhiên, nạn ô nhiễm thì với ngành du lịch, việc bảo đảm an toàn cho du khách, tránh cho họ sự phiền hà không đáng có là một vấn đề quan trọng… Công tác này đang có sự bất cập nhất định. Theo nhiều doanh nghiệp, trách nhiệm giữ gìn an ninh trật tự thuộc về chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý pháp luật chứ không phải của ngành du lịch. Tuy nhiên, ở nhiều nơi, hễ xảy ra vụ việc trộm cắp là khách du lịch tìm đến Hiệp hội Du lịch để hỏi. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp đề nghị thành lập lực lượng cảnh sát du lịch để công tác bảo đảm an toàn cho du khách được thực hiện một cách tốt hơn. Liên quan đến vấn đề này, ông Lưu Đức Kế, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist cho rằng chúng ta nên thay đổi cách cảnh báo an ninh cho du khách. "Phát tờ rơi để cảnh báo du khách về tệ nạn cướp giật là ý tưởng không tồi, tuy nhiên, cách làm này có thể khiến du khách bị sốc. Nếu ngành du lịch cùng tham gia phối hợp với ngành công an, ngoại giao và các địa phương để có cách thức cảnh báo du khách một cách tế nhị, nhẹ nhàng, ví dụ như tuyên truyền trên web thì sẽ hiệu quả hơn".

Trong thời gian qua, tại Việt Nam, phía quản lý một số điểm đến quan trọng đã đồng loạt tăng giá vé tham quan. Theo bà Đặng Bích Thọ, đại diện Công ty Lữ hành Phoenix, ở nước ngoài, việc tăng giá vé tham quan không "gây sốc" cho doanh nghiệp lữ hành. Thường thì tại các điểm đến, việc tăng giá vé tham quan, giá dịch vụ được thực hiện theo lộ trình thích hợp, các doanh nghiệp có thể được thông báo trước 6 tháng. Cách tăng giá ở Việt Nam khá đột ngột, gây khó cho các đơn vị du lịch. "Chúng tôi đã có kế hoạch, chương trình cho năm 2016 và đã có nhiều khách đăng ký đặt tour. Bây giờ, dù các điểm đến tăng giá vé tham quan nhưng chúng tôi không thể tăng giá tour, tức là doanh nghiệp chấp nhận chịu thiệt dù lỗi không phải của mình", bà Đặng Bích Thọ cho biết.

Tất nhiên, những gì mà các doanh nghiệp, đặc biệt là các đơn vị lữ hành đề cập trong khuôn khổ một hội nghị diễn ra trong vòng nửa ngày, như đã nói ở trên, chưa thể bao quát đầy đủ sự khó mà chúng ta phải đối mặt trong thực tế. Sẽ còn phải nói đến chất lượng cơ sở hạ tầng - dịch vụ tại điểm đến, cách ứng xử với khách của phía cung cấp dịch vụ thiết yếu, sản phẩm du lịch đặc trưng, mối quan hệ giữa di sản và du lịch…

Du khách nước ngoài tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Thái Hiền


Mở rộng quy mô quảng bá hình ảnh

Ý kiến từ phía doanh nghiệp bao giờ cũng cụ thể, thiết thực, gợi mở vấn đề cho nhà quản lý. Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn, trong 13 nhóm vấn đề mà các doanh nghiệp đã nêu trong hội nghị tương tự được tổ chức vào năm 2013, một số đã được xem xét, giải quyết. Chẳng hạn, ngành đã ban hành Thông tư hướng dẫn quản lý tiền ký quỹ của doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế; Thông tư về quản lý khu, điểm du lịch và Quy hoạch các vùng du lịch trọng điểm dự kiến sẽ được ban hành vào Quý I-2015… Những kiến nghị về môi trường du lịch, nhà vệ sinh đạt chuẩn, vấn nạn lữ hành "chui"… đã được Chính phủ và các cơ quan chức năng vào cuộc, phần nào tạo hiệu quả tích cực. Một số vấn đề chưa được giải quyết, vì nhiều lý do khách quan, sẽ tiếp tục được xem xét trong thời gian tới. Ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết, tất cả kiến nghị, góp ý của doanh nghiệp tại hội nghị năm 2014 sẽ được Tổng cục Du lịch tổng hợp, xem xét giải quyết theo thẩm quyền. Với những vấn đề ngoài thẩm quyền, Tổng cục Du lịch sẽ báo cáo Chính phủ, Ban Chỉ đạo nhà nước về du lịch, các bộ, ngành liên quan để tìm cách giải quyết thỏa đáng. Dự kiến trong tháng 12-2014, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh phát triển du lịch trong tình hình mới. Nghị quyết mang tính chất đột phá này sẽ giúp ngành du lịch khắc phục hạn chế, tạo động lực phát triển mới.

Ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu trong năm 2015 sẽ đón 8,5 đến 9 triệu lượt khách quốc tế, 41,5 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt 290 nghìn tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu này, có 14 nhóm giải pháp được đưa ra, trong đó, quan trọng là tổ chức các đoàn khảo sát dành cho doanh nghiệp lữ hành, báo chí nước ngoài từ các thị trường trọng điểm và tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Ấn Độ, Singapore... Mục tiêu là nâng cấp chất lượng quảng bá về sự an toàn, thân thiện, hấp dẫn của du lịch Việt Nam. Bên cạnh đó, ngành sẽ thực hiện nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh truyền thông du lịch nội địa, tổ chức Roadshow đặc biệt tại một số thị trường quan trọng như Nhật Bản, Hàn Quốc; gia tăng quy mô tham gia các hoạt động du lịch quốc tế như Hội chợ du lịch Jata (Nhật Bản), Hội chợ Intourmarket - Moscow (Nga), Hội chợ ITB Asia (Singapore)...

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu:

Trong 11 tháng qua, tổng số khách quốc tế đến Việt Nam đạt 7.217.008 lượt người (tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2013), đa số thị trường khách đều tăng so với năm trước; lượng khách du lịch nội địa đạt 36,4 triệu lượt người (tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2013). Tổng thu từ khách du lịch đạt 212.340 tỷ đồng (tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước).
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hoàn thiện chính sách, đẩy mạnh truyền thông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.