(HNMO) - Vào lúc 9h12 ngày 30-12, Dự án đường dây 500kV Vân Phong - Vĩnh Tân và đường dây 500kV đấu nối trạm biến áp 500kV Thuận Nam vào đường dây 500kV Vân Phong - Vĩnh Tân (gọi tắt đường dây 500kV Vân Phong - Vĩnh Tân - Thuận Nam) đã đóng điện thông tuyến.
Trước đó, ngày 26-12, dự án nghiệm thu hoàn thành toàn bộ hạng mục thi công, vượt trước tiến độ 5 ngày so với kế hoạch. Đây là nỗ lực lớn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) và Ban quản lý dự án các công trình điện miền Trung nhằm đưa dự án về đích, theo đúng cam kết với chủ đầu tư Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1, hoàn thành trong tháng 12-2022, sẵn sàng vận hành thử nghiệm Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1.
Dự án này được cơ quan chức năng phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 7-2019. Tuy nhiên, trong quá trình thi công, dự án gặp nhiều thách thức khi dịch Covid-19 bùng phát rộng khắp cả nước, cùng với đó, 2 mùa mưa kéo dài khoảng 3 tháng, ảnh hưởng đến thi công. Đặc biệt, giá nguyên vật liệu sắt thép, xăng dầu, nhân công tăng mạnh gây nhiều áp lực cho chủ đầu tư và nhà thầu. Cùng với đó là mặt bằng dự án còn nhiều vướng mắc.
Tuy nhiên, theo ông Trương Hữu Thành, Phó Tổng Giám đốc EVNNPT, để hoàn thành vượt tiến độ dự án, EVNNPT thường xuyên nhận được sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành, Ban chỉ đạo Quốc gia về phát triển điện lực, EVN trong việc chỉ đạo, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Cùng với đó là sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương từ cấp tỉnh, huyện, xã có đường dây đi qua đã tạo mặt bằng để đơn vị thi công triển khai và hoàn thành dự án.
“Cùng với đó là sự nỗ lực của Ban quản lý dự án khi thường xuyên có mặt trên công trường để tập trung điều hành công tác thi công, tháo gỡ và xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thi công”, ông Trương Hữu Thành nói thêm.
Theo EVNNPT, cùng với việc giải tỏa công suất của Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1, việc hoàn thành các dự án còn có ý nghĩa rất quan trọng trong việc vận hành lưới điện truyền tải, bảo đảm cung cấp điện và góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng cho các tỉnh khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ; giải tỏa công suất của các nhà máy điện năng lượng tái tạo khu vực tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và các tỉnh lân cận; góp phần bảo đảm cung ứng điện cho miền Nam, tạo mối liên kết mạnh giữa hệ thống điện miền Trung và miền Nam, cũng như có ý nghĩa quan trọng trong việc vận hành kinh tế hệ thống điện quốc gia.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.