Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hoàn thành bức tượng chân đăng: Họ đã được vinh danh

Quỳnh Chi| 21/07/2013 06:07

(HNM) - Sau nhiều ngày chờ đợi, cuối cùng bức tượng chân đăng cũng đã hoàn thành để tưởng nhớ, tri ân những người Việt Nam đã góp phần xây dựng Nouvelle-Calédonie và Vanuatu - lãnh thổ thuộc Pháp tại Châu Đại Dương.


Cái nóng oi ả của những ngày giữa tháng 7 không làm mất đi vẻ hồ hởi trên khuôn mặt con cháu các chân đăng từ khắp nơi đổ về dự lễ chuyển giao được tổ chức ngay tại xưởng đúc đồng Mạnh Chiến - nơi thực hiện bức tượng đồng mang nhiều ý nghĩa nhân văn này. Đón chờ ngày này từ nhiều năm nay nên ai cũng muốn tiến sát đến bức tượng, ngắm nghía và chụp vài kiểu ảnh lưu niệm trước khi chuyển ra cảng Hải Phòng để đưa tới điểm đặt chính thức tại thủ phủ Nouméa của Nouvelle-Calédonie.

Đến thời điểm này, vẫn không ai biết chính xác từ chân đăng có xuất xứ như thế nào. Tuy nhiên, nói một cách vắn tắt, thì chân đăng là những người Việt Nam đăng ký tình nguyện sang Nouvelle-Calédonie (hay còn gọi là Tân thế giới) và Vanuatu (Tân Đảo) để làm mộ phu theo hợp đồng 5 năm vào thời kỳ đầu thế kỷ XX. Khi đó, Nouvelle-Calédonie và Vanuatu còn là những hoang đảo chưa được khai phá. Phu người Việt (còn bị gọi là "nô lệ da vàng") được phân làm hai nhóm, những người sức khỏe kém và phụ nữ làm phu đồn điền trồng dừa, chế biến, bện xơ dừa thành dây thừng, cùi dừa làm xà phòng. Những người khỏe mạnh làm phu mỏ, khai thác quặng. Theo hợp đồng lao động, chân đăng sẽ lao động tối đa 9 giờ một ngày, với 2 giờ nghỉ trưa, chủ nhật và ngày lễ được nghỉ, chế độ ăn uống phải đủ chất dinh dưỡng. Nhưng thực tế, các phu mỏ phải làm việc trung bình 10 - 12 giờ mỗi ngày trong điều kiện vô cùng thiếu thốn, khắc nghiệt không khác gì địa ngục giữa trần gian. Chính vì thế, đại đa số chân đăng đều muốn hồi hương sau khi hết hợp đồng. Tuy nhiên sang những năm 1940, lấy lý do Chiến tranh thế giới thứ II nổ ra, các chủ mỏ và đồn điền không đưa chân đăng về nước. Suốt 20 năm sau đó, người Việt tại Nouvelle-Calédonie và Vanuatu đã phải đấu tranh, bị tù đày, thậm chí hy sinh cả mạng sống để đòi quyền hồi hương. Mãi đến ngày 12-1-1961, 551 phu mộ đầu tiên mới được về nước trên chuyến tàu mang tên Nữ hoàng Phương Đông, mở đường cho các chuyến hồi hương sau đó từ mảnh đất thuộc địa từng thấm bao mồ hôi, nước mắt của người dân Việt.

Theo ông Phạm Văn Đức, thành viên Ban tổ chức xây dựng tượng đài chân đăng, đề xuất làm bức tượng chân đăng được Hội Ái hữu là những Việt kiều ở Nouvelle-Calédonie và Vanuatu khởi xướng để tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn những người đã có công xây dựng và phát triển hai hòn đảo này được như ngày nay. Thật đáng mừng vì chính quyền Nouvelle-Calédonie và Vanuatu đã công nhận và tài trợ chi phí để làm bức tượng này. Bức tượng sẽ được đặt ở một vị trí trang trọng ở Nouméa, là biểu tượng cho hơn 2 vạn người Việt Nam đã sang lao động ở Nouvelle-Calédonie và Vanuatu. Ông Trần Bích, Chi hội trưởng chi hội Việt kiều Tân thế giới, Tân Đảo tỉnh Hải Dương cho biết thêm: "Để làm bức tượng chân đăng, chúng tôi đã phải chuẩn bị rất nhiều và cuối cùng đã chọn thiết kế của nhà điêu khắc Đỗ Mạnh Bình mang hình tượng một gia đình chân đăng".

Nếu không có gì thay đổi, lễ khai trương bức tượng sẽ diễn ra vào ngày 27-9 tại Nouméa. Theo ông Trịnh Văn Tài, Chi hội trưởng chi hội Việt kiều Tân thế giới, Tân Đảo thành phố Hải Phòng, hầu hết các chân đăng đều đã đi sang thế giới bên kia, những người còn sống chỉ đếm trên đầu ngón tay. "Khi nhìn bức tượng này, tôi rất xúc động, liên tưởng lại cảnh bố mẹ chúng tôi khi còn ở bên đó, phải lao động rất khổ sở để giành miếng cơm, manh áo cho chúng tôi. Nếu không có sự hy sinh của các cụ, chúng tôi sẽ không có ngày hôm nay", ông nói. Ngoài ý nghĩa tri ân những người đã chịu nhiều nhọc nhằn vì Nouvelle-Calédonie và Vanuatu, bức tượng còn là biểu tượng của tình đoàn kết của cộng đồng người Việt vẫn đang sinh sống và làm việc trên hai hòn đảo này và con cháu của các chân đăng xưa. Bên cạnh đó, bức tượng sẽ gợi cho thế hệ người Việt sau này tại Nouvelle-Calédonie và Vanuatu nhớ về Tổ quốc, nhớ về nguồn gốc con rồng, cháu tiên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoàn thành bức tượng chân đăng: Họ đã được vinh danh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.