Hoàn lưu bão số 3 tiếp tục gây mưa to diện rộng khắp miền Bắc; nguy cơ gây lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng cục bộ ở các địa phương vùng trũng và đô thị ở đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có Hà Nội.
Thông tin mới nhất Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TƯ cho biết, đêm qua (16/9) sau khi tiến sâu vào đất liền miền Bắc, bão số 3 đã suy yếu nhanh thành áp thấp nhiệt đới và tiếp tục suy yếu thành vùng áp thấp trong 12 giờ tới.
Hồi 4h sáng nay (17/9), vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 22,0 độ Vĩ Bắc; 105,5 độ Kinh Đông, trên đất liền khu vực Trung du Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới cấp 7 (tức là từ 50 đến 61km một giờ), giật cấp 8, cấp 9.
Do tác động của áp thấp nhiệt đới từ đêm qua ở các tỉnh Bắc Giang, Thái Bình, Nam Định, Hải Dương có gió giật mạnh cấp 6 – 8. Ở các tỉnh phía Đông Bắc Bộ đã có mưa vừa, mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 60 – 110mm, có nơi cao hơn như Lạng Sơn 114mm, Mẫu Sơn 254mm, đảo Cô Tô 175mm, Sơn Động 120mm, Nam Định 134mm, Thái Bình 127mm.
Hoàn lưu bão số 3 còn gây mưa diện rộng tại miền Bắc. (Ảnh: NCHMF) |
Đến sáng nay (17/9), ở Bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả các huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô, Vân Đồn, Cát Hải) còn có gió giật mạnh cấp 8 – 9. Biển động rất mạnh. Ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Lạng Sơn và Bắc Giang còn có gió giật mạnh cấp 7 - 8. Các nơi khác ở phía Đông Bắc Bộ có gió giật mạnh cấp 5 - 6. Ở Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, riêng khu vực phía Đông Bắc Bộ tiếp tục có mưa to đến rất to.
Cơ quan khí tượng cảnh báo, lũ quét và sạt lở đất có nguy cơ cao xảy ra ở các tỉnh vùng núi phía Bắc và Tây Bắc như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Bắc Kạn, Thái Nguyên. Cần có biện pháp phòng chống ngập lụt ở các vùng trũng, các đô thị ở đồng bằng Bắc Bộ như Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình.
Ngày 16/9, đoàn công tác do Bộ trưởng NN&PTNT - Trưởng ban Phòng chống lụt bão TƯ Cao Đức Phát dẫn đầu đã đi kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo công tác triển khai ứng phó với cơn bão số 3 tại các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Quảng Ninh. Đoàn công tác đã trực tiếp kiểm tra tuyến đê biển Hà Nam, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh.
Hiện chưa có báo cáo cụ thể về thiệt hại người và tài sản từ các địa phương.
Cảnh báo lũ trên các sông suối ở Kon Tum
Báo cáo của Trung tâm phòng chống lụt bão khu vực miền Trung - Tây Nguyên sáng 17/9, theo thông tin từ Trung tâm Dự báo KTTV khu vực Tây Nguyên, do ảnh hưởng của rìa xa phía Tây Nam hoàn lưu bão số 3 kết hợp gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, trên các sông ở Kin Tum đã xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ tại một số nơi có thể đạt mức báo động 2 (BĐ2), có nơi trên báo động 2.
Mực nước lúc 1h ngày 17/9 trên sông EaKrông tại Cầu 14 là 302,41m (dưới BĐ3: 0,09m); trên sông Đăk Nông tại Đăk Nông là 588,70 (trên BĐ1 0,2m).
Dự báo ngày 17/9, mực nước trên sông EaKrông tại trạm Cầu 14 dao động ở mức BĐ2-BĐ3, các sông khác ở khu vực Tây Nguyên có dao động nhỏ, các sông ở Trung Bộ biến đổi chậm.
Từ 19h ngày 16/9 đến 1h ngày 17/9, các tỉnh trong khu vực có mưa nhỏ vài nơi, lượng phổ biến dưới 5mm. Một số trạm có lượng mưa lớn hơn: Tuyên Hóa (Quảng Bình): 22mm; Đăk Mốt (Kon Tum): 20mm.
Trong một diễn biển khác, theo thông tin từ Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (BCH PCLB&TKCN) tỉnh Bình Định, sáng ngày 16/9, tàu BĐ 94602 (do ông Nguyễn Văn Xù làm chủ, trên tàu có 13 lao động) khi đang hoạt động đánh bắt tại vị trí có tọa độ 11,6 độ vĩ Bắc - 113,9 độ kinh Đông, trong khu vực đảo Trường Sa thì tàu bị hỏng máy thả trôi. Ngay sau khi nhận được tin báo, BCH PCLB&TKCN tỉnh đã liên hệ BCH Bộ đội biên phòng tỉnh xác minh và hỗ trợ phương tiện bị nạn. Đến 10h30 cùng ngày, tàu bị nạn đã khắc phục được sự cố và chạy vào đảo trú tránh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.