(HNMO) - Dường như mùa thu cho người ta thêm cái cảm giác được yêu nơi ta sống, được yêu mảnh đất nơi ta sinh ra. Chợt thấy lòng trào dâng một cảm xúc khó tả khi nghe Cảm xúc tháng Mười.
Tôi thấy mình như sống lại với niềm vui chiến thắng và sống giữa mùa thu của mấy chục năm về trước. “Hà Nội mùa thu, mùa thu Hà Nội”… mùa thu Hà Nội có lẽ là mùa lãng mạn nhất, tinh tế nhất trên mảnh đất hình chữ S, và cũng là khoảng thời gian gắn với nhiều sự kiện đáng nhớ nhất của dân tộc. Không ai không bồi hồi với tháng 8 mùa thu gắn liền với cuộc Cách mạng lịch sử của dân tộc. Rồi cảm xúc phơi phới khi đi giữa mùa thu chào mừng Quốc Khánh 2-9.
Trái tim lại như vỡ òa với Giải phóng Thủ đô 10-10. Tháng 10 này, bao cảm xúc, bao nỗi nhớ như trào dâng, lòng người như thênh thang đi giữa phố phường. Một cảm giác rất lạ, cảm giác chỉ về khi mỗi độ tháng Mười đến. Đi dưới trời thu Hà Nội, những ngày tháng Mười năm ấy, bất kỳ ai cũng cảm thấy trong lòng thật rộn ràng. 36 phố phường Hà Nội như ngập tràn trong cờ hoa và niềm vui chiến thắng. Cảm xúc vỡ òa sau bao nhiêu tháng ngày đợi mong.
Cố nhà thơ - Nhà báo - Đại tá Tạ Hữu Yên (người có hơn một trăm bài thơ được phổ nhạc) với hồn thơ Cảm xúc tháng Mười làm rạo rực tâm can đồng bào chiến sĩ cả nước và tuyệt vời hơn nhạc sĩ Nguyễn Thành thật tài tình khi phác họa sinh động không khí rợp cờ hoa ngày ấy bằng nốt nhạc: “Không thể nói trời không trong hơn/ Và mắt em xanh khác ngày thường/ Khi đoàn quân kéo về mùa thu ấy/ Nhịp trống rung ba mươi sáu phố phường”. Cái thời khắc chuyển mùa xao động mà ấm áp, đi dọc những con phố xào xạc lá rơi, đường Nguyễn Du thơm nồng hương hoa sữa, ánh nắng xuyên qua tán cây làm tôi nhớ đến mùa thu Hà Nội ngày ấy, chắc chắn nó đẹp lắm, cảm động lắm, phải hơn cả những gì tôi đang cảm nhận được như bây giờ.
Hình ảnh người mẹ rưng rưng nước mắt đón chờ đứa con thân yêu sau bao ngày xa cách, nay chiến thắng trở về ấm áp bên mẹ. Vượt lên hàng đầu là các mẹ mong tìm thấy con mình trong đoàn quân chiến thắng. Nét nhạc ở đây càng sâu lắng chân tình, lắng đọng và xao xuyến. “Mẹ đứng hàng đầu rưng rưng nước mắt/ Xốn xang mẹ thầm gọi các con/ Anh chiến sĩ mến thương nhìn mẹ/ Nghe niềm vui ấm cả tâm hồn”. Bao nhiêu kỷ niệm, ký ức ngày nào lại hiện về. Đó là cái đêm rút lui khỏi vòng vây quân giặc để bảo toàn lực lượng.
Cuộc rút lui với bao người ra đi, trong đó có cả bà mẹ bế đứa con mới sinh ra trong lửa khói vượt qua gầm cầu Long Biên lặng lẽ, trong lúc trên mặt cầu đèn vẫn rực sáng và từng tốp quân giặc vẫn đi lại tuần tra mà không hề hay biết. Cái đêm rút lui thần kỳ ấy đã để lại niềm tin hát khúc khải hoàn. “Đêm cái đêm rút qua gầm cầu/ Anh đã hẹn ngày mai trở lại/ Sóng sông Hồng vỗ bờ hát mãi/ Đỏ niềm tin là khúc khải hoàn ca...”. Mùa Thu trong xanh, năm cửa ô Hà Nội rộng mở đón đàn con trở về. Nhịp điệu âm nhạc đã nhanh hơn, rộn ràng hơn.
Nó chuyển động như nhịp thở của thơ, khi còn vương vấn những xúc ảm của ký ức, và cảm xúc như được nhân đôi trong lâng lâng và say đắm:“Một sớm thu trong đất thắm sao vàng/ Năm cửa ô xòe năm cánh rộng/ Đoàn quân về nhấp nhô như sóng/ Những ngôi nhà dường muốn cao thêm/ Tháng Mười ấy là khúc ca say/ Khúc ca mở những chiến công đầy”... Năm cửa ô Hà Nội như năm cánh hoa rực rỡ đón chào những người con trở về. Những người con của Hà Nội như chúng tôi, tuy không được sống trong khoảnh khắc ấy vẫn nhớ mãi những cảm xúc này, để tôi thấy mình được yêu mến Thủ đô hơn, được yêu mến mùa thu Hà Nội, để lòng mình được xao xuyến rung động với những phút giây như thế!
Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội - mảnh đất ngàn năm văn hiến, mảnh đất của những cảm xúc thăng hoa, mảnh đất với bao chiến công rạng rỡ, sẽ mãi mãi in dấu trong trái tim của những người con đất Việt. “Tháng Mười ấy là khúc ca xanh/ Khúc ca mở những chiến công đầy/ Ôi Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội! Nghìn năm vẫn một trái tim này”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.