Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hoài Đức vượt thách thức, tạo sức bật mới

Ánh Dương| 09/07/2020 06:30

(HNM) - Với phương châm “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Phát triển”, Đảng bộ huyện Hoài Đức nhiệm kỳ 2015-2020 đã vượt qua nhiều thách thức, hoàn thành mọi mục tiêu đề ra, tạo bước chuyển mạnh mẽ: Kinh tế - xã hội phát triển bền vững; thu hút được nhiều nguồn lực để xây dựng, phát triển hạ tầng theo hướng đô thị… Đây là nền tảng vững chắc để Hoài Đức tiến tới đạt các tiêu chí trở thành quận trong thời gian tới.

Huyện Hoài Đức đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2022 đạt các tiêu chí trở thành quận. Ảnh: Nguyễn Vượng

Định hướng phát triển đô thị

Là huyện nằm trong quy hoạch phát triển đô thị trung tâm thành phố Hà Nội, với vị trí địa lý và giao thông thuận lợi nên Hoài Đức có lợi thế thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội... Trong nhiệm kỳ 2015-2020, Huyện Hoài Đức đã thực hiện thắng lợi những mục tiêu Đại hội Đảng bộ huyện đã đề ra, nổi bật là tập trung triển khai các quy hoạch phát triển đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại.    

Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Hoàng Trường cho biết: Thực hiện chủ trương của Thành ủy, Đề án của UBND thành phố Hà Nội, Nghị quyết số 202-NQ/HU ngày 28-9-2018 của Huyện ủy về việc xây dựng huyện Hoài Đức thành quận vào năm 2020, đến nay toàn huyện đã đạt 22/27 tiêu chí; 5 tiêu chí còn lại đang tập trung hoàn thành. Cùng với đó, cả hệ thống chính trị và cán bộ, nhân dân trên địa bàn tích cực tham gia xây dựng huyện theo định hướng phát triển đô thị. Từ năm 2015 đến nay, huyện tập trung đầu tư xây dựng hệ thống giao thông theo quy hoạch phân khu; xây mới, mở rộng các trường học, nhà văn hóa theo tiêu chí đạt chuẩn; đầu tư hệ thống chiếu sáng, giao thông, khớp nối hạ tầng các khu đô thị với khu dân cư... Đến nay, tổng chiều dài đường giao thông trên địa bàn huyện là 825,5km, đạt tỷ lệ 9,72km/km2, cơ bản đáp ứng nhu cầu giao thương, phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của nhân dân.

Công tác quản lý đô thị, trật tự xây dựng, văn minh đô thị trên địa bàn huyện từng bước đi vào nền nếp; hạ tầng kỹ thuật được cải tạo, chỉnh trang; nhiều khu đô thị được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng với tổng diện tích khoảng 120ha. Điển hình như xã An Khánh, là một trong những địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh. Phó Chủ tịch UBND xã An Khánh Nguyễn Đăng Lợi cho biết: Địa bàn xã có nhiều khu đô thị như: Khu biệt thự Thiên đường Bảo Sơn, Geleximco, Nam An Khánh, Bắc An Khánh, Vinhomes Thăng Long... giúp hạ tầng xã hội, giao thông, đô thị của xã phát triển đồng bộ, là điều kiện thuận lợi để xã nhanh chóng hoàn thiện các tiêu chí trở thành phường.

Tương tự, xã Kim Chung đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2014 và tiếp tục được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, góp phần nâng cao các tiêu chí nông thôn mới. Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Kim Chung Nguyễn Hữu Cương cho biết: Xã được đầu tư các công trình giao thông, trường học, nhà văn hóa thôn... trị giá hơn 150 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 16,15 tỷ đồng, giúp giao thương phát triển kinh tế thuận lợi, đời sống tinh thần của người dân được nâng cao.

Giai đoạn 2015-2020, Hoài Đức thực hiện 1.075 dự án với tổng kinh phí hơn 8.700 tỷ đồng, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 743 công trình; thu hút các nguồn lực xã hội để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới với tổng vốn đầu tư 25.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các chỉ tiêu phát triển kinh tế đều vượt so với Nghị quyết đề ra: Toàn huyện có khoảng 3.400 doanh nghiệp, tăng 161,7% so với năm 2015; tổng thu ngân sách 5 năm (2016-2020) đạt 8.390,5 tỷ đồng; thu nhập bình quân ước đạt 62 triệu đồng/người/năm (vượt chỉ tiêu 7 triệu đồng)...

Phát huy thành tựu, xây dựng huyện thành quận 

Nỗ lực xây dựng huyện thành quận trong tương lai gần, Hoài Đức đang tập trung thực hiện những mục tiêu quan trọng: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 11% trở lên; thu nhập bình quân 95 triệu đồng/người/năm trở lên; tổng vốn đầu tư xã hội giai đoạn 2020-2025 đạt khoảng 60.000 tỷ đồng; năm 2022 cân đối được thu - chi ngân sách huyện...

Cùng với đó, huyện tích cực giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, tiến tới nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, chú trọng cải cách hành chính, tạo chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm của cán bộ khi phục vụ nhân dân, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.

Bí thư Huyện ủy Hoài Đức Nguyễn Quang Đức nhấn mạnh: Nhiệm kỳ tới, Huyện ủy tập trung lãnh đạo chỉ đạo quyết liệt, phát huy hiệu quả của cả hệ thống chính trị và cán bộ, nhân dân toàn huyện vào cuộc để thực hiện tốt 2 khâu đột phá: Xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất năng lực đạt chuẩn, từng bước chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, tiến tới xây dựng người Hoài Đức thanh lịch, văn minh; huy động, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đạt chuẩn, trọng tâm là phát triển hạ tầng giao thông khung, đô thị, hệ thống tiêu, thoát nước và các công trình y tế, văn hóa, giáo dục, thể thao theo hướng đồng bộ, hiện đại, xây dựng huyện Hoài Đức thành quận giàu đẹp, văn minh, phấn đấu năm 2022 Hoài Đức đạt các tiêu chí trở thành quận.

Những thành tựu nổi bật của huyện Hoài Đức trong nhiệm kỳ 2015-2020

- Giá trị sản xuất các ngành kinh tế tăng bình quân 10,8%/năm, vượt 0,8% so với Nghị quyết Đại hội lần thứ XXIII đề ra.

- Toàn huyện có khoảng 3.400 doanh nghiệp, tăng 161,7% so với năm 2015.

- Tổng thu ngân sách 5 năm (2016-2020) đạt 8.390,5 tỷ đồng, tăng 6.331,5 tỷ đồng so với nhiệm kỳ trước.

- Thu nhập bình quân năm 2020 ước đạt 62 triệu đồng/ người/năm, vượt 7 triệu đồng/người/năm so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XXIII đề ra.

- Hằng năm giải quyết việc làm cho hơn 5.000 lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 77,8% (vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XXIII đề ra: Tỷ lệ lao động được đào tạo 60-70%, tạo việc làm mới hằng năm 4.000 lao động).

- Công tác cán bộ được chú trọng, 100% lãnh đạo phòng, ban, ngành, đoàn thể đạt trình độ chuyên môn từ đại học trở lên; 33,7% trình độ thạc sĩ (tăng 19,1% so với năm 2015); 100% đạt trình độ trung cấp lý luận chính trị, 62,9% đạt trình độ cao cấp lý luận chính trị (tăng 22% so với năm 2015).

- Có 3.417 tập thể, 20.856 lượt cá nhân tiêu biểu được khen thưởng thành tích xuất sắc ở các lĩnh vực, góp phần hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của huyện.

Một số chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 11% trở lên, trong đó: Thương mại dịch vụ 15%, công nghiệp xây dựng 9%, nông nghiệp 0,8%.

- Thu nhập bình quân 95 triệu đồng/người/năm trở lên.

- Tổng vốn đầu tư xã hội giai đoạn 2020-2025 khoảng 60.000 tỷ đồng.

- Cuối năm 2021, cơ bản hoàn thành các tiêu chí quận, phường.

- Hoàn thành thu ngân sách thành phố giao hằng năm, phấn đấu đến năm 2022 cân đối được thu - chi ngân sách huyện.

- Tỷ lệ thôn, tổ dân phố văn hóa đạt hơn 90%, gia đình văn hóa đạt 92% trở lên; cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa chiếm 95%; 100% thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa.

- Không để phát sinh hộ nghèo theo chuẩn mới; tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo chiếm 80% trở lên; hằng năm có 5.500 số lao động được tạo việc làm mới.

- 100% hộ dân được sử dụng nước sạch tập trung.

- Tỷ lệ rác thải được thu gom vận chuyển trong ngày đạt 100%.

- 100% thủ tục hành chính được giải quyết đúng hạn, đúng pháp luật.

- Kết nạp 1.000 đảng viên mới trong nhiệm kỳ; tỷ lệ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên hằng năm đạt hơn 80%; tỷ lệ tổ chức Đảng đạt tiêu chuẩn hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên hằng năm đạt hơn 80%; không có tổ chức Đảng không hoàn thành nhiệm vụ; Đảng bộ huyện được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hoài Đức vượt thách thức, tạo sức bật mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.