(HNMO) - Sáng 28-11, TP Hà Nội long trọng tổ chức Lễ công bố và trao Bằng đạt chuẩn nông thôn mới cho huyện Hoài Đức.
Cùng dự, có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02 Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020” Ngô Thị Thanh Hằng; nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, nguyên Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02 của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2011-2015” Nguyễn Công Soái; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Trưởng ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Huy và Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới trung ương Nguyễn Minh Tiến...
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại buổi lễ. |
Theo Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Quang Đức, thời gian qua, việc triển khai xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, được sự hỗ trợ của thành phố, sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và sự chung sức đồng lòng của nhân dân trong huyện, những khó khăn trên dần được tháo gỡ.
Sau gần 7 năm tích cực triển khai thực hiện, Chương trình xây dựng nông thôn mới của Hoài Đức đã đạt được những kết quả nổi bật. Đến hết năm 2016, toàn huyện Hoài Đức đã có 19/19 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 100% số xã), diện mạo nông thôn có nhiều chuyển biến, hệ thống điện, đường, trường, trạm được đầu tư, đáp ứng nhu cầu sản xuất và dân sinh... Cuối năm 2017, huyện Hoài Đức vinh dự được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới, trở thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới thứ 4 của TP Hà Nội và huyện thứ 39 của cả nước.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng chúc mừng, biểu dương kết quả huyện Hoài Đức đã đạt được và khẳng định: Đây là ngày hội lớn, niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hoài Đức; đồng thời cũng là niềm vui chung của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Ngô Thị Thanh Hằng ghi nhận: Năm 2017, kinh tế của huyện Hoài Đức tiếp tục phát triển toàn diện; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng: Thương mại - dịch vụ: 47,94%; công nghiệp - xây dựng 45,28%; nông nghiệp: 6,78%. Các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch thành phố giao; tổng giá trị sản xuất tăng 10,38% so với năm 2016. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm, còn 1,52%; cảnh quan nông thôn có nhiều khởi sắc; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện và nâng cao; các lĩnh vực: Văn hóa, y tế, giáo dục được quan tâm đầu tư và phát triển theo chuẩn quốc gia; công tác vệ sinh môi trường được chú trọng và tổ chức thường xuyên; an ninh, quốc phòng được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm...
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cũng lưu ý: Hoài Đức được đón Bằng công nhận "Huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017" là vinh dự và niềm vui, đồng thời cũng là trách nhiệm to lớn mà Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội của huyện cần tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, động viên các tầng lớp nhân dân tiếp tục chung tay góp sức xây dựng nông thôn mới, xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.
Về hướng phát triển trong thời gian tới, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị: Hoài Đức cần tiếp tục xác định chương trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và lâu dài. Huyện cần chủ động giải pháp khắc phục hạn chế, tồn tại, nhằm giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí đạt chuẩn trong giai đoạn tiếp theo. Bên cạnh đó, cần huy động các nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền; chú trọng thực hiện các giải pháp có hiệu quả; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo đúng định hướng; ưu tiên phát triển các ngành thương mại - dịch vụ, ngành nghề; thu hút đầu tư phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho đổi mới công nghệ; tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp địa phương, góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện theo hướng nhanh và bền vững.
Mặt khác, Hoài Đức cần huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển giai đoạn 2030-2050 sẽ trở thành đô thị nội đô và là vành đai xanh theo quy hoạch tổng thể của thành phố; đồng thời, cần làm tốt công tác quản lý nhà nước về: Đất đai, trật tự xây dựng đô thị, giao thông, giữ gìn vệ sinh môi trường… Ngoài ra, cần quan tâm, giữ gìn, bảo tồn, tôn tạo và nâng cao giá trị văn hóa truyền thống; chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân; thực hiện tốt các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững... Huyện cũng cần chú trọng công tác xây dựng Đảng, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở trong sạch, vững mạnh, bộ máy tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, quản lý; phát huy dân chủ và vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.