Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hoài Đức nâng cao nhận thức bảo đảm an toàn thực phẩm

Ánh Dương| 17/06/2023 07:17

(NSHN) - Xác định vấn đề an toàn thực phẩm là hệ trọng, cấp bách, có tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân, nên huyện Hoài Đức đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, tăng cường số lượng và đa dạng hóa các hình thức truyền thông về an toàn thực phẩm. Từ đó góp phần nâng cao nhận thức, hành động của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện về bảo đảm an toàn thực phẩm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Đoàn liên ngành huyện Hoài Đức kiểm tra an toàn thực phẩm tại một cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn thị trấn Trạm Trôi.

Đa dạng hình thức tuyên truyền

Huyện Hoài Đức hiện có hơn 3.500 hàng, quán, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố. Để bảo đảm an toàn thực phẩm, huyện đã tập trung tuyên truyền, giáo dục đến các nhóm đối tượng ưu tiên như tuyên truyền, phổ biến các sản phẩm, chuỗi thực phẩm an toàn, các sản phẩm truyền thống của địa phương nhằm quảng bá, khích lệ sản xuất sản phẩm thực phẩm an toàn, mang đậm nét truyền thống, đặc sản địa phương...; tăng cường hoạt động hỗ trợ truyền thông kết nối nhằm đẩy mạnh tiêu thụ thực phẩm an toàn tại thị trường trong nước.

Các văn bản chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn thực phẩm được các ngành tham mưu UBND huyện ban hành kịp thời, sát với điều kiện thực tế. Từ đầu năm đến nay, UBND huyện và các xã, thị trấn ban hành 47 văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện về an toàn thực phẩm, tổ chức 42 buổi phát động, hội nghị tuyên truyền về an toàn thực phẩm; tập huấn kiến thức cho 253 người… Từ đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực, ý thức về an toàn thực phẩm của chủ cơ sở và người tiêu dùng được nâng lên rõ rệt.

Trưởng phòng Y tế huyện Hoài Đức Nguyễn Thị Thanh cho biết, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh đã góp phần nâng cao nhận thức và ý thức bảo đảm an toàn thực phẩm cho cán bộ quản lý, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng. Nhờ đó, người tiêu dùng hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ trong bảo đảm an toàn thực phẩm; nâng cao trách nhiệm khai báo, tố giác các hành vi vi phạm và kiên quyết tẩy chay sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, huyện Hoài Đức đẩy mạnh tuyên truyền Chương trình phối hợp giữa Chính phủ - Hội Nông dân Việt Nam - Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam “Tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn vì sức khỏe cộng đồng, phát triển bền vững giai đoạn 2021-2025”; Đề án "Xây dựng và phát triển mô hình cung cấp thực phẩm, nông, lâm, thủy sản an toàn trên phạm vi toàn quốc”; Chương trình về sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, kiểm soát an toàn thực phẩm ngay từ các yếu tố đầu vào và liên kết sản xuất với tiêu thụ, phát triển chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn trên toàn quốc.

Các xã, thị trấn cũng tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, các bếp ăn tập thể bảo đảm an toàn điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ sơ chế, chế biến thực phẩm; vệ sinh cá nhân trong việc phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; phổ biến, vận động người tiêu dùng lựa chọn và sử dụng thực phẩm bảo đảm an toàn, nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng.

Xử lý nghiêm vi phạm an toàn thực phẩm

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm do cấp xã, thị trấn quản lý chủ yếu là nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình, sản xuất có tính thời vụ. Các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm và điểm kinh doanh nhỏ lẻ nằm xen kẽ trong khu dân cư nên lực lượng chức năng của huyện và chính quyền địa phương gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý, theo dõi, kiểm tra. Đơn cử như mặt hàng rượu bán lẻ, chủ yếu được bày bán kèm thêm ở các cửa hàng tạp hóa, kết hợp với nhiều loại hàng hóa khác để phục vụ người dân, số lượng hàng bán ra không đáng kể, nên rất khó yêu cầu làm đầy đủ các thủ tục về kinh doanh bán lẻ rượu. Hay như tại các chợ trên địa bàn huyện, chủ yếu là chợ nông thôn, chợ dân sinh họp theo phiên, các tiểu thương kinh doanh ở nhiều chợ khác nhau, do đó việc cấp giấy phép đăng ký kinh doanh cũng khó thực hiện…

Nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn, cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, UBND huyện Hoài Đức cũng chỉ đạo cơ quan chức năng đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin của huyện và các xã, thị trấn về hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm; công khai các cơ sở, cá nhân bị phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm nhằm cảnh cáo, răn đe, ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm trái pháp luật.

Đồng thời, lực lượng chức năng huyện và các xã, thị trấn cũng tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trên địa bàn; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, an toàn thực phẩm. Chỉ tính riêng trong Tháng hành động về an toàn thực phẩm năm 2023, các đoàn kiểm tra huyện Hoài Đức và các xã, thị trấn đã kiểm tra 791 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể; trong đó tuyến huyện kiểm tra 352 cơ sở, tuyến xã, thị trấn kiểm tra 439 cơ sở. Qua kiểm tra cho thấy, có 723 cơ sở đạt tiêu chuẩn và 68 cơ sở chưa đạt tiêu chuẩn, xử phạt vi phạm hành chính 106 triệu đồng…

“Thời gian tới, huyện tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, tổ chức thêm nhiều các lớp tập huấn về an toàn thực phẩm cho các thành viên Ban Chỉ đạo huyện, các xã, thị trấn, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; đẩy mạnh công tác kiểm tra việc bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh; đồng thời kịp thời kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm”, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoài Đức nâng cao nhận thức bảo đảm an toàn thực phẩm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.