(HNM) - Hội ngộ người yêu tranh thủy mặc Thủ đô đúng cái hẹn sau 10 năm, triển lãm mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội của họa sĩ người Việt gốc Hoa Trương Hán Minh (sinh sống ở TP Hồ Chí Minh) đang trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (từ ngày 3 đến 13-7) đã đem đến cho người xem cảm nhận riêng về Hà Nội.
20 năm trước, nhiều người mê hội họa Thủ đô gặp Trương Hán Minh lần đầu tại phòng tranh mang đặc trưng của thủ pháp truyền thống. Có bức phỏng theo tranh cổ nổi tiếng, có bức vẽ sơn thủy, trúc, điểu, hoa... với 2 màu "kinh điển" là đen và trắng. Người xem đã trầm trồ về cái hay ở một người theo dòng tranh khó. Năm 2000, trở lại Hà Nội bằng triển lãm cá nhân lần 2, ngoài thỏa mãn nhu cầu thưởng thức tranh thủy mặc truyền thống, Trương Hán Minh trình làng vài bức mới từ những lần chu du khắp đất nước. Đã thấy gần, thấy thích bởi chúng diễn tả phong cảnh thiên nhiên Việt Nam. Và lần triển lãm này, ông mang đến những bức tranh vừa truyền thống, vừa hiện đại, khiến người xem hình dung rõ hơn về chủ nhân của dòng tranh thủy mặc khác biệt.
Để có được sự chuyển biến, hướng đến cái mới mà vẫn tạo được sự hài hòa - với cái cũ - trong tranh thủy mặc là cả một sự dày công khổ luyện. Trương Hán Minh đã dành trọn đời để học tập và sáng tạo. Ông vẫn bảo, như thế chưa đủ. Xem tranh ông tại triển lãm này, vẫn thấy ông đạt cả 5 thứ cơ bản trong vẽ tranh thủy mặc: bút, mực, hình, thần và màu. Nhưng thật mới, thật gần gũi. Trương Hán Minh chia sẻ: Vẽ tranh cần phải đi nhiều, tìm kiếm phong cảnh đẹp rồi phác họa. Sau đó, phải suy nghĩ rất lâu, chọn cái "tinh" - tức đặc điểm tinh túy nhất của phong cảnh, sự vật đó - để đưa vào tranh sao cho đơn giản. Rồi thể hiện cái "thần" - cái chủ yếu làm cho tranh sống động.
Linh khí nghìn năm
Trương Hán Minh nhắc đi nhắc lại rằng quả là duyên may, bởi đúng lần thứ 3 ông trở lại Hà Nội thì Thủ đô bước vào tuổi thứ 1000. Cầu kỳ hơn 18 triển lãm cá nhân trước đây, ông chọn lọc, sáng tác thêm để đem đến 71 bức thủy mặc, phần lớn có chủ đề về vẻ đẹp Hà Nội.
Mỗi năm, họa sĩ ra Hà Nội vài lần. Vào mùa nào cũng vậy, ông lang thang, nhìn ngắm những địa điểm đặc sắc của Thủ đô như Tháp Rùa, Hồ Tây, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Cột Cờ, chùa Trấn Quốc... Ông bảo rất mê linh khí của Hà Nội. Đó là sự hưng thịnh, may mắn và phát triển. Ông có thể cảm nhận được ngay điều đó khi bước chân đến đây, nên điều ông muốn khơi gợi nhất là là linh khí nghìn năm. Để vẽ tranh về Hà Nội, ông đã đọc sách, tìm ảnh Thủ đô xưa rồi quan sát cảnh sắc hiện thời, cố chọn ra cái "tinh", thể hiện cái "thần". Linh khí nghìn năm được ông thể hiện qua ánh sáng, như trong bức "Hồ Hoàn Kiếm", "Cầu Thê Húc", họa thêm vầng hào quang như ở "Chùa Trấn Quốc", "Chùa Một Cột"... để người xem nhìn vào vừa thấy thực, vừa thấy ảo, gặp cảnh xưa và nay hòa hợp, mang nhiều hồi tưởng. Nhưng thể hiện ý tưởng không dễ. Như bức thư pháp bằng tiếng Hán trích trong "Chiếu dời đô" của vua Lý Thái Tổ, ông đã mất bao đêm gối đầu lên văn bản, làm sao truyền tải được ý tứ trong từng chữ để chỉ cần ngắm tranh cũng thấy được mưu kế dài lâu mà vị vua này truyền dạy cho con cháu mai sau. Vẽ hàng chục bức mới ưng.
Cũng như nhiều lần khác, với triển lãm này ông cũng dành toàn bộ số tiền bán tranh và ủng hộ của mọi người cho Quỹ Vì người nghèo. Nhiều người yêu quý Trương Hán Minh bởi ông đã đóng góp không mệt mỏi cho công tác từ thiện trong nhiều năm qua. Ông cho rằng, sống là phải vươn tới cái đẹp, đẹp cho mình và cho mọi người.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.