(HNMO) - Đến với dòng tranh dân gian như một mối duyên nợ, họa sĩ Nam Chi đã kiên trì, tự mày mò nghiên cứu, học hỏi để theo đuổi đam mê. Bước đầu, anh đã đạt được một số thành công nhất định.
Khát khao theo đuổi dòng tranh dân gian
Nam Chi là họa sĩ thế hệ 9X, sinh ra trong một gia đình không có truyền thống nghệ thuật ở Hải Dương. Ngay từ những năm tiểu học, Nam Chi tình cờ tiếp cận với mỹ thuật truyền thống thông qua bức vẽ “Quan Âm” được giới thiệu trong sách giáo khoa. Từ lúc ấy, dòng tranh dân gian đã chiếm trọn trái tim của anh bằng màu sắc rực rỡ và các họa tiết đặc trưng của Việt Nam. Qua năm tháng, những tình cảm dành cho dòng tranh truyền thống cứ lớn dần lên, thôi thúc Nam Chi phải tìm kiếm nhiều hơn, học hỏi nhiều hơn để có thể chinh phục bằng được các kỹ thuật trong tranh dân gian.
Những năm học cấp 3, Nam Chi đã thử sức với bức “Quan Âm” và bức “Hương chủ” (bàn thờ gia tiên) của dòng tranh Hàng Trống bằng chất liệu giấy hiện đại và màu hiện đại. Chưa học qua các lớp vẽ chuyên nghiệp nên những nét vẽ, cách đi màu của anh mang tính bản năng. Tuy nhiên, tác phẩm lại chất chứa nhiều cảm xúc.
Niềm đam mê với mỹ thuật đã thu được kết quả đầu tiên khi Nam Chi thi đỗ ngành Thiết kế đồ họa của trường Mỹ thuật Công nghiệp. Những năm học đại học đã cho anh những kiến thức cụ thể về mỹ thuật, và cả những nền tảng về mỹ thuật truyền thống. Càng tìm hiểu và nghiên cứu sâu, Nam Chi càng nhận thức một cách rõ ràng những giá trị độc đáo của nghệ thuật Việt Nam. Không chỉ học lý thuyết, anh bắt tay luôn vào thực hành để biến những kiến thức được học trở thành kiến thức của chính mình.
Chinh phục đam mê
Khó có thể kể hết những khó khăn vất vả của một sinh viên “tay ngang” theo đuổi đam mê nghệ thuật truyền thống. Nam Chi đã phải đối mặt với hàng loạt các yêu cầu khắt khe của dòng tranh này.
Không sinh ra trong một gia đình làm tranh dân gian, khó khăn đầu tiên anh phải đối mặt là nguồn tư liệu rất hiếm. “Mình phải lên Google, lên YouTube và sục sạo tại nhiều cửa hàng sách cũ để tìm mua những quyển sách về tranh dân gian để học hỏi”, Nam Chi cho biết. Anh cũng bỏ công điền dã đến nhà các nghệ nhân để tìm hiểu và học hỏi các kỹ thuật vẽ tranh truyền thống. Do đặc trưng của tranh truyền thống là nghề cha truyền con nối nên anh cũng gặp không ít khó khăn để thu thập được kiến thức và đưa vào thực tế.
Chỉ riêng với kỹ thuật “vờn màu” đặc trưng của dòng tranh Hàng Trống, lúc đầu, Nam Chi thử nghiệm rất nhiều cách khác nhau nhưng đều thất bại trong việc chuyển đổi các sắc độ một cách mềm mại, linh hoạt như bản gốc. Sau nhiều lần thất bại, anh mới biết các nghệ nhân vẽ tranh Hàng Trống đã chấm bút vào mực rồi chấm lại vào nước trước khi vờn. Nhưng kể cả khi đã biết kỹ thuật, người tự thực hành như Nam Chi vẫn phải mất đến 6 tháng mới có thể làm chủ kỹ thuật này.
Không chỉ khó khăn về nguồn tư liệu, việc tìm những nguồn chất liệu làm tranh cũng là một khó khăn lớn của Nam Chi. Thời gian đầu, do không tìm được nguồn cung cấp giấy dó nên anh đã thử vẽ trên giấy mỹ thuật. Không đạt được thành công như kỳ vọng. Về sau, khi đã có giấy dó, anh lại phải đối diện với những khó khăn khác về kinh tế...
Khi chưa có đầu ra cho tranh, để có thể có kinh phí trang trải, anh đã phải làm những nghề khác để tự nuôi lấy đam mê của mình. Sáng đi học, chiều đi làm, tối về lại cặm cụi vẽ tranh. Những thử thách này càng khiến Nam Chi kiên định hơn với lựa chọn của mình.
Thay đổi để phát triển
Đến nay, Nam Chi đã bước đầu thành công khi tranh của anh đã được khách hàng đặt mua và được nhiều bảo tàng chọn để trưng bày (Bảo tàng Hải Dương, Bảo tàng Huế, Bảo tàng Đà Nẵng...).
Việc được đào tạo chính quy và tự tìm tòi, nghiên cứu đã giúp Nam Chi có một góc nhìn bao quát hơn, sâu sắc hơn về mối tương quan giữa tranh dân gian Việt Nam và mỹ thuật đương đại, từ đó đưa ra những sáng tạo mang tính đổi mới và kế thừa.
Theo Nam Chi, những họa sĩ trẻ như anh, vẽ tranh dân gian không phải chỉ để duy trì và bảo tồn mà phải phát triển để có thể tồn tại với cuộc sống mới. Những năm qua, bằng nỗ lực của mình, anh đã cho ra mắt nhiều mẫu tranh mới kế thừa từ những dòng tranh truyền thống nhưng cũng kết hợp cả kỹ thuật đồ họa, như: Miêu ngư đồ, Miêu điệp đồ (tranh Kim Hoàng); Tiên thiên tống tử (tranh Hàng Trống), tranh thờ như Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Thượng ngàn, Công đồng Thoải phủ… dựa trên tinh thần của hoa văn truyền thống Việt Nam ứng dụng vào tranh Hàng Trống để đáp ứng nhu cầu của người dân. Những bức tranh này không chỉ đơn thuần sử dụng các hoa văn của tranh Hàng Trống như hoa văn xoáy, hoa văn chữ thọ mà còn được Nam Chi nghiên cứu tư liệu lịch sử về trang phục các thời như thời Lê, thời Nguyễn để đưa vào tác phẩm của mình để có thể đem đến những giá trị nghệ thuật cao hơn cho bức tranh.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa, Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội, chủ nhiệm của nhiều dự án khôi phục tranh dân gian khi nhắc đến họa sĩ trẻ Nam Chi đã nhận xét: “Lớp họa sĩ trẻ không thuộc diện gia truyền, được đào tạo bài bản và mang trong mình tinh thần sáng tạo xuất hiện là một điều tất yếu trong một xã hội luôn vận động. Những họa sĩ trẻ như Nam Chi sẽ là người viết tiếp câu chuyện về tranh dân gian”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.