(HNM) - Vở nhạc kịch “Huyền diệu biển” - một trong những tác phẩm tâm huyết nhất cuộc đời hoạt động âm nhạc của nhạc sĩ Ngô Quốc Tính, vừa được Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam dàn dựng và ra mắt khán giả. Với sự hòa nhịp của âm nhạc giao hưởng, thính phòng phương Tây và chất liệu dân gian nhuần nhị, tác phẩm đã lay động người xem, truyền tình yêu quê hương, đất nước.
Gần đây, sân khấu âm nhạc nước nhà xuất hiện nhiều vở ca nhạc kịch, nhưng một tác phẩm nhạc kịch - opera đúng nghĩa, kết tụ ca từ, nghệ thuật thanh nhạc, nhạc giao hưởng, kịch, múa mang tính hàn lâm, bác học vẫn hiếm hoi. Chỉ có một vài tác phẩm opera Việt Nam được sáng tác, dàn dựng và công diễn thành công như “Cô Sao” (Đỗ Nhuận), “Lá đỏ” (Đỗ Hồng Quân)… Vì vậy, sự ra đời của vở nhạc kịch “Huyền diệu biển”, góp mặt nhiều nghệ sĩ hàn lâm hàng đầu Việt Nam, được giới nghề và công chúng đón chờ.
Vở nhạc kịch “Huyền diệu biển” được nhạc sĩ Ngô Quốc Tính ấp ủ và sáng tác trong 10 năm, lấy cảm hứng từ nhân vật Lang Liêu - Hùng Vương thứ VII, gắn với truyền thuyết về bánh chưng, bánh giầy và tình yêu đẹp với tiên nữ Bạch Hạc. Nhạc sĩ Ngô Quốc Tính cho biết, từ khi bắt đầu sáng tác âm nhạc (16 tuổi), đến nay đã tròn 80 tuổi, ông viết nhiều thể loại nhưng luôn theo đuổi và tâm huyết, đam mê viết nhạc kịch - opera. Vở “Huyền diệu biển” được nhạc sĩ đầu tư, trăn trở nhiều nhất; bởi đối với ông, biển mẹ là sự linh thiêng, cao đẹp, hùng vĩ, gợi nhiều cảm hứng sáng tác. Kịch bản vở opera này đã được trao Giải thưởng Văn học nghệ thuật Thủ đô năm 2016.
“Huyền diệu biển” có sự tham gia của Nghệ sĩ nhân dân Lê Tiến Thọ - người bạn lâu năm của nhạc sĩ Ngô Quốc Tính, trong vai trò tổng đạo diễn; nhạc trưởng Kim Xuân Hiếu phụ trách âm nhạc và dàn nhạc, cùng sự tham gia của các nghệ sĩ Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, trong đó có những giọng ca opera hàng đầu Việt Nam như Đào Tố Loan, Trịnh Thanh Bình, Trần Trang, Bùi Trang và các nghệ sĩ ballet Thu Hằng, Đức Hiếu, Lệ Thanh…
Được kết cấu thành 4 màn: “Thi tài”, “Cùng Bạch Hạc đánh giặc ngoại xâm”, “Mưu thuồng luồng” và “Bình yên trở lại”, vở nhạc kịch đưa khán giả trở về với đất nước Văn Lang xưa; biết câu chuyện về Lang Liêu dâng bánh chưng, bánh giầy, được vua cha truyền ngôi báu; những trận chiến hiểm nguy của Lang Liêu và Bạch Hạc chống lại giặc ngoại xâm và sự chấp nhận hy sinh tình yêu đôi lứa để dâng tặng cho đất nước Văn Lang sự bình yên và hưng thịnh...
Nhờ sự nghiên cứu kỹ và kinh nghiệm đi sâu khai thác âm nhạc dân tộc trong sáng tác của nhạc sĩ Ngô Quốc Tính, “Huyền diệu biển” vừa mang tính hàn lâm vừa giàu âm hưởng dân gian. Ngôn từ trong vở diễn cũng đậm chất thi ca. Các màn diễn được dàn dựng hùng tráng, tầm vóc. Đặc biệt là phần thi tài giữa các hoàng tử, phần biểu diễn múa Bạch Hạc, cuộc đối đầu giữa Lang Liêu và thuồng luồng thủy quái… được thể hiện mãn nhãn, mãn nhĩ.
Nghệ sĩ nhân dân Lê Tiến Thọ chia sẻ, dàn dựng vở nhạc kịch “Huyền diệu biển” đem lại nhiều bài học kinh nghiệm cho người làm nghề. Bởi đây là một tác phẩm tổng hòa giữa âm nhạc, múa, hành động, đòi hỏi đạo diễn, các nghệ sĩ và dàn nhạc đều phải am hiểu, tập luyện kỹ và biểu diễn tập trung.
Theo PGS.TS Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, chủ đề của vở nhạc kịch “Huyền diệu biểu” rất sâu sắc. Qua việc nhìn lại lịch sử dân tộc, tác phẩm nổi bật truyền thống yêu nước và ý thức bảo vệ Tổ quốc từ thời Vua Hùng dựng nước cho đến hôm nay. Đây cũng là tác phẩm đánh dấu bước tiến của nhạc kịch Việt Nam nói riêng và nghệ thuật hàn lâm nước nhà nói chung.
Ngoài vở nhạc kịch “Huyền diệu biển”, các sáng tác của nhạc sĩ Ngô Quốc Tính đa dạng, từ ca khúc đến nhạc giao hưởng, thính phòng, nhạc kịch, hợp xướng… và đều thấm đượm âm hưởng dân gian. Năm 2012, ông vinh dự được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật cho 7 tác phẩm, trong đó có 5 ca khúc: “Trên công trường rộn tiếng ca”, “Mai em mười bảy”, “Hương hồi xứ Lạng”, “Biên giới tình ta”, “Dòng trăng lúng liếng” và 2 tác phẩm giao hưởng: “Ba Đình mùa thu ấy”, “Huyền tích Trường Sơn”. Nhạc sĩ Ngô Quốc Tính còn có tác phẩm thanh xướng kịch “Lũy hoa” được trao giải Đặc biệt trong cuộc vận động sáng tác âm nhạc về Hà Nội nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2019).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.