(HNM) - Dù không đạt được bước đột phá nào khi còn nhiều bất đồng ở một số nội dung, song việc Mỹ và Trung Quốc tìm được tiếng nói chung trong các vấn đề kinh tế và thương mại tại cuộc tham vấn song phương đầu tiên vừa kết thúc tại Bắc Kinh (Trung Quốc) được đánh giá là khá tích cực.
Ngành Nông nghiệp Mỹ sẽ tổn thất nặng nề nếu chiến tranh thương mại Trung - Mỹ xảy ra. |
Trong cuộc tham vấn thương mại kéo dài 2 ngày giữa phái đoàn thương mại Mỹ do Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và phái đoàn Trung Quốc do Phó Thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu, hai bên cam kết giải quyết các tranh chấp thương mại thông qua đối thoại; nhất trí thành lập một cơ chế làm việc chung nhằm duy trì liên lạc chặt chẽ. Điều này cho thấy cả Washington và Bắc Kinh đều không muốn đẩy sự việc đi quá xa.
Thời gian qua, việc Mỹ và Trung Quốc liên tục đưa ra chính sách thuế đối đầu nhau đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Washington công bố danh sách các mặt hàng nhập từ Trung Quốc với tổng trị giá khoảng 50 tỷ USD sẽ chịu mức thuế nhập khẩu cao hơn. Bắc Kinh cũng đáp trả với danh mục các mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của Mỹ như đậu nành, ô tô và máy bay hạng nhẹ tổng trị giá khoảng 50 tỷ USD sẽ chịu mức thuế nhập khẩu cao hơn khi vào Trung Quốc.
Không dừng lại, Tổng thống Donald Trump còn cảnh báo sẽ nâng gấp đôi (lên 100 tỷ USD) tổng giá trị các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc phải chịu các mức thuế bổ sung. Ngay sau đó, Bắc Kinh quyết định áp đặt các biện pháp chống bán phá giá tạm thời với cao lương nhập khẩu từ Mỹ. Trước đàm phán thương mại với Mỹ, Trung Quốc đã có một hành động mang tính cảnh báo Washington khi hạ mạnh tỷ giá tham chiếu đồng nhân dân tệ về mức 6,367 nhân dân tệ/USD.
Các nhà phân tích cho rằng, ngay cả khi Trung Quốc không có hành động đáp trả, việc Mỹ tăng thuế lên tới 50 tỷ USD sẽ khiến Washington mất 76.000 việc làm và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tổn thất 1,6 tỷ USD. Một tờ báo nông nghiệp tại Washington đưa ra số liệu tiêu cực hơn khi dự báo, nếu chiến tranh thương mại Trung - Mỹ xảy ra, nước Mỹ sẽ mất gần 455.000 việc làm và GDP hằng năm giảm nhiều tỷ USD trong một vài năm tới.
Do đó, Mỹ đồng ý tham vấn với Trung Quốc ngay trước thời điểm tuyên bố lùi việc áp đặt mức thuế lần lượt là 25% và 10% với sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu từ Liên minh Châu Âu (EU) thêm 30 ngày (tới ngày 1-6); đồng thời đề xuất với các đồng minh chủ chốt khả năng hoãn thực thi quyết định trong các cuộc đàm phán sắp tới. Qua đây, Tổng thống D.Trump muốn gửi tới Trung Quốc tín hiệu, mọi vấn đề đều có thể thương lượng và linh hoạt.
Một thỏa thuận mang tính đột phá nhằm thay đổi căn bản các chính sách kinh tế của Trung Quốc không thể đạt được trong cuộc tham vấn 2 ngày. Hiện bất đồng lớn nhất vẫn tập trung vào yêu cầu của Mỹ muốn Trung Quốc cắt giảm thặng dư thương mại dự kiến sẽ đạt 200 tỷ USD vào năm 2020, đồng thời giảm thuế tất cả sản phẩm xuống mức không cao hơn Mỹ áp đặt với các mặt hàng của Trung Quốc. Chính quyền Bắc Kinh cho rằng, đề xuất này không công bằng. Tuy nhiên, qua cuộc đàm phán song phương, Trung Quốc đưa ra một gói các biện pháp ngắn hạn như: Chấm dứt yêu cầu liên doanh với một số ngành, giảm thuế mặt hàng ô tô và tăng mua các mặt hàng của Mỹ, sẽ khiến Washington hoãn lại quyết định áp các mức thuế.
Có thể thấy, kết quả cuộc tham vấn đầu tiên này là khá tích cực. Đây là sự khởi đầu để hóa giải những tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc trong suốt thời gian qua.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.