(HNNN) - Bức họa vẽ một viên quan che mặt khóc có thể vì hối hận hoặc sung sướng trước tình thế bất ngờ do tờ giấy trắng mất chữ (không rõ ràng) đem lại. Quả bóng nằm ở giữa đường sẵn sàng lăn đến chân người muốn được việc. Con gà trống ngậm cân có ý nhắc nhở suy nghĩ cần cân nhắc kỹ lưỡng.
Cây khô nở hoa và con hươu mang thư đến đều là tin tốt và có lộc. Tấn nghĩa là tiến lên, nhưng không vì thế mà bất chấp hoàn cảnh. Bất luận công việc nhiều ít hãy nên nhận lấy và thực hiện sẽ có thuận lợi. Sau khi gắng sức phấn đấu sẽ được mọi người thừa nhận rồi, có thể ngẩng cao đầu bước tiếp một cách chắc chắn, tự tin. Tấn theo giáp cốt phần trên có tượng hai mũi tên, phần dưới là chỗ cắm mũi tên. Theo Thuyết văn Tấn là tiến, ở trên mặt trời mọc, ở dưới vạn vật phát triển. Muốn phát triển lên thì phải học hỏi, lắng nghe lời nói thật và biết quý trọng công lao của người khác. Thời Chiến quốc, vua Tề Cảnh Công sai người làm một cây cung mất 3 năm mới xong, nhưng khi bắn thử thì mũi tên không xuyên qua được áo giáp 3 lớp. Tề Công nổi giận định chém người làm cung, nhưng vợ người ấy ngăn lại mà rằng: Cây cung này được làm bằng chất liệu tốt nhất thiên hạ. Không nên dùng nó để bắn thử áo giáp mỏng như vậy. Bắn tên cần phải đúng cách: Cánh tay phải cứng như cành cây, bàn tay phải giống như cầm quả trứng gà, bốn ngón tay giống như đoản côn, tay phải bắn tên tay trái không có cảm giác gì. Vua Tề nghe theo cách chỉ dẫn ấy mà bắn tên xuyên áo giáp 7 lớp. Tấn có triệu sử địa đắc kim (đào đất được vàng). Màu sắc của Tấn là đỏ - trắng mang đến cảm giác hào hứng, tích cực và thân thuộc. Tấn trình bày nguyên tắc và phương pháp tiến thủ của mỗi người trong cuộc đời. Mong muốn thăng tiến về sự nghiệp thì như nhau nhưng phẩm chất và tư duy của mỗi người lại khác nhau: Người quân tử thăng tiến quang minh lỗi lạc, kẻ tiểu nhân thấp hèn tạm bợ. Vì vậy, Tấn cần một số nguyên tắc như:
1. Sự tiến thủ trên đời phải có động cơ chân chính. Ham muốn cá nhân vừa phải thì khi thất bại cũng thanh thản, không bị suy sụp, hụt hẫng. Khổng Tử nói: Quân tử thường thanh thản, tiểu nhân luôn toan tính. Thời Nam Tống, Lục Du làm quan trong triều bị bọn nịnh thần chèn ép nên ông bị bãi quan về quê nhà ở Sơn Đông. Ông liền củng cố quan hệ với nhân dân địa phương, cùng chia sẻ nỗi lo lắng, buồn phiền với nông dân. Lục Du còn đọc rất nhiều sách y học, giỏi chữa bệnh và trồng nhiều cây thuốc trong vườn nhà. Cứ đến mùa đông ông lại cưỡi lừa đi phát thuốc cho người nghèo ở các vùng núi hẻo lánh. Nhân dân trong vùng nhớ ơn ông nên nhiều nhà sinh con ra đã đặt tên là Lục. Sự thanh thản của Lục Du khi bị ép về vườn không phải ai cũng học theo được.
2. Nếu có lòng tin và cố gắng làm việc sẽ thành công. Khi được đề bạt lên chức vụ cao hơn cần lấy sự nghiệp chung làm gốc và thành tựu đáng kể nhất chính là tài năng xuất sắc và tri thức cá nhân chứ không phải chức vị. Thời Tam Quốc, Đại tướng Đông Ngô Lã Mông đánh trận rất hay nhưng lại không có học thức. Ngô Vương Tôn Quyền khuyên ông nên học tập để lấy kiến thức. Lã Mông lao vào miệt mài học và đọc sách đến nỗi về sau mưu sĩ Lỗ Túc cũng phải than rằng: Lã Mông chẳng kém gì ta! Sử nước ta cũng có chuyện Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi người tuy thấp bé, dung mạo xấu xí nhưng vô cùng thông minh, học rộng biết nhiều. Trong lần đi sứ nhà Nguyên, đến chơi phủ Tể tướng thấy một bức trướng thêu rất đẹp có hình con chim sẻ đậu trên cành trúc trình độ thêu như thật khiến Mạc tới gần giơ tay bắt chim mới biết nhầm. Quan lại có mặt cười ầm lên, chế nhạo sứ thần nước Việt. Mạc Đĩnh Chi bèn cầm bức trướng xé toạc ra. Tất cả đều sững sờ và tức giận trước hành động ấy nên xúm lại căn vặn hạch tội ông. Mạc ung dung trả lời rằng: Trong các sách kim cổ đều nói đến tranh mai tước họa chứ không hề có bức trúc tước họa, vì cây trúc là biểu tượng cho quân tử, chim sẻ là biểu tượng của tiểu nhân, không thể có chuyện để tiểu nhân ngồi lên trên quân tử được. Nên tôi xé bỏ bức tranh này là để trừ cho thiên triều mầm họa ấy. Tất cả quan khách đều khâm phục tài trí của Mạc Đĩnh Chi.
3. Muốn giữ được địa vị của mình vững chắc thì phải giành được sự tín nhiệm, tin tưởng của quần chúng cũng như những người trợ giúp. Nếu không ghế ngồi sẽ chông chênh, đổ lúc nào không biết. Mà muốn tạo lòng tin, phải biết tin dùng người và giữ lời hứa. Thời Chiến Quốc, Ngụy Văn Hầu cử Nhạc Dương làm đại tướng quân đi đánh Trung Sơn mặc dù lúc ấy con trai của Nhạc Dương đang làm quan ở Trung Sơn. Sau hơn 1 năm bao vây mà không đánh được, quan quân nước Ngụy xì xầm bàn tán về tin đồn Nhạc Dương muốn bảo vệ con trai mình mà không đánh Trung Sơn nhưng Ngụy Vương vẫn dựng nhà mới cho Nhạc Dương và cử người đi úy lạo quân đội ngoài tiền tuyến. Sau khi đánh Trung Sơn, Nhạc Dương về triều được khao thưởng. Sau bữa tiệc, Ngụy Vương gọi Nhạc Dương ở lại để thưởng quà riêng là một chiếc rương to. Mở ra xem thì trong đó toàn là tấu sớ và mật thư tố cáo Nhạc Dương. Hay như chuyện Tống Thái Tổ hứa bổ nhiệm Trương Tư Quan lên chức cao hơn nhưng mãi không làm. Trương bèn cưỡi một con ngựa hom hem đến gặp. Tống Vương hỏi xem chăm nom thế nào mà ngựa gầy thế? Trương trả lời rằng tuy nói với mọi người là mỗi ngày ăn một thùng lương nhưng thực ra lại không cho ăn như thế nên ngựa gầy. Tống Vương hiểu dụng ý câu nói của Trương bèn hạ chỉ bổ nhiệm Trương ngay để giữ chữ Tín.
4. Việc thăng tiến của cá nhân không nên chỉ để phục vụ cho quyền lợi riêng và thỏa mãn lòng tham mà phải nghĩ đến quyền lợi chung. Nếu như chỉ ích kỷ vun vén cho mình và người thân, bất chấp dư luận thì chắc chắn sẽ bị diệt vong. Thời Chiến Quốc, Chu U Vương rất say mê người đẹp Bao Tự nhưng Tự lại hầu như không cười bao giờ. Sau khi làm đủ mọi trò vui mà vẫn không lấy được nụ cười người đẹp, Chu Vương bèn ra lệnh đốt các hỏa phong đài (nơi đốt lửa khói để báo tin cho các nước chư hầu có giặc xâm lăng). Thấy có báo động, các chư hầu vội điều binh đến nhưng chẳng thấy có sự cố gì ngoài việc chứng kiến Bao Tự cười thỏa thích. Ít lâu sau, giặc kéo đến thật, Chu Vương ra lệnh đốt các hỏa phong đài nhưng các chư hầu lại nghĩ chỉ là trò mua vui cho người đẹp nên chẳng nước nào đến trợ giúp. Kết quả Chu U Vương bị giết chết.
5. Lúc đang giữ trọng trách cần phải có lòng khoan dung độ lượng, ủng hộ chính nghĩa. Không nên nghĩ quá nhiều về ân oán cá nhân thì mới làm việc lớn được. Thời Tam Quốc, tướng Mã Tốc vì trái lệnh Gia Cát Lượng, làm thất thủ Nhai Đình nên bị xử tử. Con trai của Mã Tốc là Trần Thọ sau được phong chức Trung Thư Lang và được giao viết Tam quốc chí. Trần đã thẳng thắn viết sự thật là cha mình Mã Tốc trái lệnh Thừa tướng nên bị Trương Hợp đánh bại và phải chịu tội theo quân pháp chứ không hề oán trách Gia Cát Lượng. Trần Thọ còn viết thêm phần phụ lục về Thừa tướng để tỏ ý tôn trọng những phát minh và tài năng kiệt xuất của Gia Cát Khổng Minh. Vì bỏ qua được chuyện riêng nên bộ Tam quốc chí mới hay và nổi tiếng đến bây giờ.
6. Muốn sự nghiệp bền vững thì không thể tự mãn mà cần tuyển chọn người tài và dám dùng người thì mới có trợ giúp toàn diện. Thời Chiến quốc, Tề Tuyên Vương đã lên được ngôi báu thì an phận, bỏ bê triều chính, suốt ngày ăn chơi. Một hôm trong bữa tiệc, có người phụ nữ rất xấu xí, hành động thô lỗ xông vào nói rằng muốn ở lại hầu hạ Tề Vương. Tề Vương bèn hỏi xem cô ta có tài năng gì thì cô này kể một thôi một hồi những tật xấu và tài hèn của nhà vua. Mới đầu Tề Vương tức giận, sau kinh ngạc, rồi xúc động. Tề Vương ra lệnh bãi bỏ yến tiệc, đưa người phụ nữ xấu xí ấy về cung lập làm Hoàng hậu. Từ đó nàng giúp nhà vua cải cách hành chính, củng cố triều đình, tăng cường binh lực và còn đích thân cầm quân đánh Sở giành thắng lợi. Đó chính là nhân vật Chung Ly Xuân nổi tiếng trong lịch sử Xuân Thu Chiến quốc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.