(HNM) - Trong bối cảnh cuộc xung đột tại Syria đã bước sang năm thứ 7, vòng đàm phán thứ 5 về Syria diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ) là nỗ lực quốc tế mới nhất nhằm chấm dứt chiến tranh.
Theo đặc phái viên Liên hợp quốc về vấn đề Syria Staffan de Mistura, người đóng vai trò trung gian trong cuộc hòa giải kéo dài 8 ngày (từ 24-3), các bên đã nhất trí về 4 vấn đề quan trọng, bao gồm quản lý đất nước, hiến pháp, bầu cử và cuộc chiến chống khủng bố. Tuy nhiên, vẫn còn quá nhiều thách thức và những vấn đề vừa được nhất trí cũng chưa thể phát triển thành một thỏa thuận ngừng bắn. Điều này không nằm ngoài dự đoán của các nhà phân tích khi họ cho rằng không kỳ vọng nhiều vào vòng đàm phán lần này, nhất là trong bối cảnh tình trạng bạo lực không có dấu hiệu hạ nhiệt tại Syria. Trước khi diễn ra cuộc gặp, ông Mistura đã có chuyến thăm tới một loạt nước có ảnh hưởng trong vấn đề Syria như Nga, Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ để tiến hành tham vấn.
Vòng đàm phán thứ 5 về hòa bình Syria đã kết thúc mà không đạt được kết quả. |
Thế nhưng, triển vọng về một thỏa thuận hòa bình đến nay vẫn rất mong manh dẫu rằng một loạt cuộc gặp gỡ trước đó đều kết thúc bằng những thông báo tích cực, nhất là việc các bên thông qua được một lộ trình rõ ràng về những bước thảo luận tiếp theo. Nguyên nhân một phần là do tình hình trên thực địa không mấy khả quan. Lệnh ngừng bắn mà các bên khó khăn lắm mới đạt được sau trận chiến tại Aleppo đang bị vi phạm nghiêm trọng. Các vụ đụng độ mới thường xuyên xảy ra với cường độ và quy mô ngày càng lớn, nhất là tại thủ đô Damascus.
Theo đánh giá của ông Mistura, các vòng hòa đàm nhằm củng cố lệnh ngừng bắn ở Syria diễn ra tại thủ đô Astana của Kazakhstan từ tháng 1-2017 đến nay vẫn chưa thể ngăn chặn hoàn toàn các cuộc xung đột ở quốc gia bất ổn này. Những hoạt động khủng bố tại Syria vẫn gia tăng nhằm ngăn chặn sự tham gia của các bên trong đàm phán. Trọng trách đặt trên vai những nước bảo trợ thêm khó khăn hơn khi lập trường của những bên tham chiến ngày càng khó lay chuyển, nhất là khi trận chiến tại Aleppo đã xác định rõ tương quan lực lượng trên chiến trường, với ưu thế đang nghiêng về Chính phủ Syria.
Về phía phe đối lập, tới nay họ vẫn đang băn khoăn về lập trường của Mỹ, đồng minh chính của lực lượng này trên các bàn đàm phán quốc tế, kể từ khi ông Donald Trump chính thức trở thành Tổng thống thứ 45. Bên cạnh đó, số phận của Tổng thống Syria Bashar al-Assad từ trước tới nay vẫn luôn là trở ngại trong các cuộc đàm phán nhằm tìm kiếm hòa bình cho Syria. Chính quyền Mỹ và các đồng minh nhấn mạnh rằng ông B.Assad phải từ chức trong khi Nga vẫn luôn cho rằng người dân Syria mới có quyền quyết định tương lai của nhà lãnh đạo này.
Hiện đặc phái viên Mistura đang nỗ lực tìm kiếm một thỏa thuận chính trị giữa các bên xung đột ở Syria nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng đã cướp đi sinh mạng của hơn 310.000 người và khiến hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Đây cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng gây ra cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ tại Châu Âu. Theo Liên hợp quốc, tại Syria, 13,5 triệu người đang phải sống phụ thuộc vào cứu trợ nhân đạo, 6,3 triệu người di cư trong nội bộ đất nước, hàng trăm nghìn người đã thực hiện những hành trình nguy hiểm để tìm kiếm nơi trú ẩn và 4,9 triệu người, phần lớn là phụ nữ và trẻ em, đang tị nạn tại các quốc gia láng giềng. Thực trạng này buộc các nước chủ nhà phải chịu những hệ quả về kinh tế, xã hội.
Các cuộc đàm phán hòa bình về Syria đã diễn ra nhiều lần song đều lâm vào bế tắc do bất đồng sâu sắc giữa các bên liên quan. Dù dư luận Syria và thế giới đều kỳ vọng vòng đàm phán hòa bình do Liên hợp quốc bảo trợ lần này sẽ mang lại một giải pháp nhằm chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài nhưng với những gì đạt được, hy vọng về một nền hòa bình cho quốc gia Trung Đông vẫn còn rất xa vời.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.