(HNM) - Trong thế giới muôn loài, hổ là con vật có uy lực, dũng mãnh, thể hiện ở cả thể chất và tinh thần. Với loài vật, hổ là “chúa tể sơn lâm”. Với con người, hổ tiềm ẩn sức mạnh huyền bí vô song. Tuy vậy, hổ vẫn xuất hiện trong đời sống con người với nét thân thuộc, gần gũi…
Trong dân gian Việt, hổ xuất hiện với rất nhiều tên gọi, như: Hùm, cọp, ông ba mươi, bà um, chúa tể sơn lâm… Hổ gắn với đời sống con người qua những câu truyện cổ tích dân gian với cốt truyện đơn giản, lý giải nhiều điều thú vị. Những câu chuyện như: “Trí không của ta đây”, “Con thỏ và con hổ”, “Sự tích con hổ”… đều nói lên sự hiện diện của hổ trong đời sống con người. Dù là con vật sống hoang dã, rất ít khi được thuần phục nhưng hổ đã vẫn gắn bó chặt chẽ với cuộc sống của người dân Việt trong đời sống thường nhật và tôn giáo.
Trong những bức tranh dân gian, hổ hiện lên với dáng dấp thanh thế, oai linh, bí hiểm… Hình tượng hổ mang quyền uy, trở thành một linh vật của tôn giáo. Hổ chiếm toàn bộ vũ trụ, ngự 5 phương, được gọi là ngũ hổ, ngũ dinh… Thực tế đó cho thấy vị trí quan trọng của nó trong đời sống văn hóa của người dân. Cùng với thời gian, sự phát triển của đời sống và tôn giáo, hổ đã trở thành một linh thú mang rất nhiều nét tính cách của xã hội Việt Nam.
Hổ là một hình tượng đặc biệt trong cuộc sống vật chất và tinh thần của người Việt Nam từ xưa đến nay. Trong tín ngưỡng của người Việt, hổ được xem là linh vật có sức mạnh, oai linh. Sự tôn thờ đối với hổ được thần thánh hóa trong những từ ngữ như “ngài” hay “ông ba mươi” đầy uy linh, quyền kính. Theo dòng chảy của văn hóa Việt, các bức tranh thờ hổ cũng được nhiều nghệ nhân sáng tạo. Trong đó, nổi tiếng có thể kể đến tranh dân gian “Ngũ hổ”. Bức tranh tái hiện hình ảnh 5 linh vật hổ với các dáng thế khác nhau. Bức tranh “Ngũ hổ” ứng dụng các quy tắc về phong thủy, văn hóa, màu sắc, tạo nên một bức tranh ý nghĩa về văn hóa, phong thủy.
Bên cạnh đó, tranh dân gian “Ngũ hổ” còn gắn liền với nét văn hóa thờ cúng của người Việt. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, tục thờ hổ được người Việt khởi phát, duy trì từ thuở xưa, khi con người vẫn đang trong tình trạng săn bắt, hái lượm. Hổ chính là sức mạnh thiên nhiên gần gũi nhưng cũng đồng thời là tai họa đối với con người. Vì thế, con người thường không nói thẳng tên mà gọi bằng “ông”: Ông Hùm, ông ba mươi, chúa sơn lâm…
Chính tâm lý này đã sản sinh ra tục thờ hổ. Ở một khía cạnh tích cực thì việc đánh hổ, xử hổ cũng thể hiện sự chinh phục thiên nhiên. Đồng thời, dân gian cũng thần thánh hóa hổ và cho rằng chúng có sức mạnh thiêng liêng, diệt trừ ma quỷ. Điều này có thể thấy qua hình tượng hổ xuất hiện từ lâu trong văn hóa của cư dân Việt. Những chiếc trống đồng Đông Sơn cách đây cả ngàn năm tuổi, nhưng trên mặt trống đã xuất hiện hình con hổ. Bằng chứng này chứng minh, hổ đã gắn bó hàng nghìn đời nay với người dân Việt Nam với sự trân trọng; nhiều nơi, hổ được nhân nhân thờ cúng trong các miếu, đền…
Ngoài ra, hình ảnh con hổ đi vào nền văn hoá dân gian Việt Nam với những biểu hiện, những hình thức phong phú và đặc sắc. Theo thống kê sơ bộ, người Việt Nam có hơn 1.200 câu ngạn ngữ, phương ngữ, thành ngữ, tục ngữ, ca dao, dân ca liên quan tới hổ. Hổ còn là đề tài trung tâm của nhiều câu chuyện cổ tích, ngụ ngôn, huyền thoại, giai thoại. Hổ còn gợi nguồn cảm hứng mạnh cho nhiều thi sĩ để họ viết nên những bài thơ độc đáo như bài thơ "Nhớ rừng" kể về lời con hổ trong vườn bách thú của nhà thơ Thế Lữ. Hổ cũng là đối tượng nghệ thuật hấp dẫn thể hiện trên các vật dụng sinh hoạt thường ngày, nơi thờ tự, nhà cửa…
Trong 12 con giáp, hổ đứng ở vị trí thứ 3, tượng trưng cho sức mạnh, sự kiêu hãnh và uy linh. Năm 2022 - năm Nhâm Dần, xin có đôi dòng lan man về hình tượng con hổ, những mong một năm mới may mắn, hanh thông với sự phát triển mạnh mẽ của Thủ đô và đất nước…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.