Lao động - Việc làm

Hỗ trợ tuyển dụng và sử dụng các nhóm lao động đặc thù, lao động yếu thế

Hiền Thu 03/07/2024 - 17:43

Chiều 3-7, tại kỳ họp thứ mười bảy HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà cho biết, giai đoạn 2020-2023 và 6 tháng đầu năm 2024, toàn thành phố giải quyết việc làm cho 902.431 người (tăng 23% so với giai đoạn 2016-2019).

z5598141841149_5baf8dc82061f9d39cf95bdcc8721d4e.jpg
Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà báo cáo tại phiên họp. Ảnh: Viết Thành.

Chất lượng giáo dục nghề nghiệp Thủ đô được nâng cao

Thông tin về kết quả thực hiện công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn thành phố từ năm 2020 đến nay, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà, cho biết: Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm luôn được thành phố coi trọng, quan tâm chỉ đạo.

Thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan xây dựng quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 tích hợp trong xây dựng Quy hoạch Thủ đô 2021-2030, tầm nhìn 2050, hiện đang chờ cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Đề án nâng cao chất lượng hoạt động các trường trung cấp, cao đẳng công lập thành phố giai đoạn 2025-2030 dự kiến ban hành vào quý III-2024.

Việc triển khai thực hiện các chính sách đào tạo nghề trên địa bàn thành phố luôn được quan tâm. Đối với các chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng: Giai đoạn 2016-2020 được thực hiện lồng ghép trong Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với chính sách đào tạo nghề trình độ trung cấp, cao đẳng, giai đoạn 2020-2023, các quận, huyện, thị xã đã thực hiện miễn giảm học phí cho 83.477 học sinh với tổng kinh phí gần 489 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện tuyển sinh đào tạo 939.341/885.000 lượt người, đạt 106,14% so với kế hoạch đề ra. Đến năm 2023, số tuyển sinh, đào tạo nghề và tốt nghiệp của thành phố chiếm 10,7% tổng tuyển sinh, đào tạo nghề và tốt nghiệp trong cả nước.

Nhờ đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng liên tục hằng năm, đạt từ 70,25% năm 2020 lên 73,23% năm 2023 (tăng 2,98%). Trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp chứng chỉ tăng từ 48,5% năm 2020 lên 52,5% năm 2023 (tăng 4,0%). So với mức chung cả nước, đến năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo của thành phố cao hơn 5,23 điểm % và tỷ lệ lao động có bằng cấp chứng chỉ cao hơn 25 điểm %.

Chất lượng giáo dục nghề nghiệp Thủ đô ngày càng được khẳng định và nâng cao, “Chỉ số đào tạo lao động” của thành phố trong bộ Chỉ số PCI được các doanh nghiệp đánh giá cao: Giai đoạn 2020-2023, thành phố Hà Nội có 2 lần đứng thứ nhất (năm 2021 và năm 2023).

Cùng với đó, công tác đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp; công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp và đầu tư trường chất lượng cao luôn được quan tâm chú trọng.

Giải quyết việc làm cho 902.431 người

Giai đoạn 2020-2023 và 6 tháng đầu năm 2024, toàn thành phố giải quyết việc làm cho 902.431 người (tăng 23% so với giai đoạn 2016-2019). Trong đó giải quyết việc làm cho 229.489 người từ việc xét duyệt cho vay vốn từ nguồn vốn ngân sách thành phố ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội thành phố Hà Nội với số tiền 8.950 tỷ đồng.

z5598141444829_adc0ce3e305385f093363122ee60b236.jpg
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Viết Thành.

Đến năm 2023, số lao động được giải quyết việc làm của Hà Nội chiếm khoảng 31% so với cả nước; tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động của thành phố còn 2,01% (thấp hơn 0,27 điểm % so với cả nước). Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị giảm còn 2,97 %, tỷ lệ thất nghiệp khu vực nông thôn 1,01%.

Thành phố có hệ thống sàn giao dịch việc làm với 14 sàn/điểm vệ tinh tại 14 quận, huyện, thị xã, được kết nối liên thông tới Sàn giao dịch việc làm trung tâm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội.

Hằng năm, thông qua hoạt động của hệ thống Sàn giao dịch việc làm Hà Nội và website vieclamhanoi.net, đã có từ 20.000 đến 23.000 người lao động được tuyển dụng trực tiếp.

Bên cạnh những thuận lợi, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà cũng nêu một số hạn chế, khó khăn. Đó là tâm lý trọng bằng cấp vẫn còn tồn tại trong suy nghĩ của một số người dân. Đa số học sinh sau khi tốt nghiệp cấp THPT đều đặt mục tiêu vào đại học, không muốn đi học nghề; các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm chưa có sự phối hợp chặt chẽ, kết nối với Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, các sàn, điểm giao dịch vệ tinh...

Thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà cho biết, thành phố sẽ tập trung tăng cường gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các trung tâm dịch vụ việc làm, sàn giao dịch, hội chợ việc làm, trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ người học tìm việc làm sau tốt nghiệp; gắn kết đào tạo với việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Cùng với đó, thành phố nghiên cứu đề xuất các chính sách để hỗ trợ tuyển dụng và sử dụng các nhóm lao động đặc thù, lao động yếu thế, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia thị trường lao động, có việc làm bền vững; ưu tiên bố trí vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội có đủ nguồn lực triển khai các chương trình tín dụng giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho người lao động, góp phần phát triển thị trường lao động bền vững...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hỗ trợ tuyển dụng và sử dụng các nhóm lao động đặc thù, lao động yếu thế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.