Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do dịch Covid-19: Bảo đảm thụ hưởng kịp thời

Việt Tuấn| 07/09/2021 06:12

(HNM) - Sau một thời gian thực hiện hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội đã tiến hành giám sát tại các địa phương về việc triển khai chính sách này. Mục đích là bảo đảm người dân được thụ hưởng kịp thời và ghi nhận những bất cập để sớm đề xuất sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn.

Chi trả tiền hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 tại xã Trung Tú (huyện Ứng Hòa). Ảnh: Vũ Thủy

Chính sách nhân văn

Tính đến ngày 5-9, thành phố đã thực hiện chính sách của Trung ương, đặc thù của Hà Nội và huy động nguồn xã hội hóa để hỗ trợ các đối tượng khó khăn do Covid-19 với tổng kinh phí hơn 864 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Nghị quyết số 15/NQ-HĐND ngày 13-8-2021 của Thường trực HĐND thành phố Hà Nội quy định một số chính sách đặc thù của thành phố hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 là hơn 678 tỷ đồng. 

Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Ngô Tiến Hoàng thông tin, huyện đã chi trả hơn 2,1 tỷ đồng cho khoảng 1.400 lao động tự do theo Nghị quyết số 68/NQ-CP; hoàn thành chi trả hơn 14 tỷ đồng theo Nghị quyết số 15/NQ-HĐND. Theo Chủ tịch UBND xã Trung Tú (huyện Ứng Hòa) Vương Đăng Tân, xã thành lập hội đồng xét duyệt, thông báo công khai trên hệ thống loa truyền thanh và tiếp nhận được hơn 1.000 hồ sơ. Đến nay, có 284 trường hợp được huyện phê duyệt và xã Trung Tú đã chi trả xong. Nhận được hỗ trợ 1,5 triệu đồng, bà Phạm Thị Tươi (xã Trung Tú) xúc động nói: “Sự hỗ trợ này là rất kịp thời, giúp gia đình tôi vơi bớt khó khăn”.

Còn ở huyện Thạch Thất, đã có 2.377 hồ sơ của doanh nghiệp và người lao động được phê duyệt hỗ trợ với số tiền hơn 3,9 tỷ đồng theo Nghị quyết số 68/NQ-CP; hơn 12.000 người được hỗ trợ với kinh phí hơn 12,6 tỷ đồng theo Nghị quyết số 15/NQ-HĐND. Trong khi đó, tại quận Bắc Từ Liêm, Phó Chủ tịch UBND quận Lê Thị Thu Hương cho biết, tính đến ngày 30-8, quận đã hỗ trợ giảm mức đóng Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho hơn 33.000 lao động với số tiền hơn 1,8 tỷ đồng... Quận cũng chi trả hơn 2 tỷ đồng hỗ trợ người lao động ngừng việc, người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế tập trung, hộ kinh doanh, lao động tự do.

Anh Nguyễn Đức Hiệp (phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm) chia sẻ: “Khi đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát, tôi phải nghỉ việc. Số tiền hỗ trợ 1,5 triệu đồng đã giúp gia đình tôi trang trải trong giai đoạn hiện nay”.

Qua giám sát tại các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Ứng Hòa, Thạch Thất, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên nhận định, các địa phương đã nhanh chóng ban hành kế hoạch, thành lập các tổ thẩm định để triển khai, hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19; thường xuyên tổ chức đánh giá tiến độ thực hiện cũng như tháo gỡ khó khăn vướng mắc ở cơ sở. Nhờ vậy, đến nay, người dân đã nắm bắt được các chính sách nhân văn của Nhà nước và nhiều người nhận được hỗ trợ kịp thời.

Thường trực HĐND thành phố giám sát thực hiện chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 tại quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Vũ Thủy

Còn khó khăn cần tháo gỡ

Dù đạt nhiều kết quả, song qua giám sát của HĐND thành phố cho thấy, một số nơi vẫn còn lúng túng trong việc xử lý hồ sơ, dẫn đến chưa hoàn thành tiến độ chi trả cho đối tượng thụ hưởng. Trong đó có tình trạng một số cán bộ chưa hiểu kỹ các văn bản hướng dẫn nên áp dụng triển khai còn máy móc, thậm chí có “giấy phép con” của địa phương, khiến người dân bức xúc.

Cụ thể, để thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 3642/QĐ-UBND ngày 21-7-2021 để triển khai việc chi trả, trong đó quy định rõ việc hỗ trợ các đối tượng lao động tự do. Nhưng huyện Ứng Hòa vẫn đề nghị thành phố hướng dẫn cụ thể hơn là ngành, nghề nào trong đối tượng lao động tự do được hưởng chính sách. Đây là một trong những nguyên nhân khiến trên địa bàn huyện dù có hơn 32.000 lao động tự do nhưng đến nay mới hỗ trợ được gần 2.000 người.

Ngoài ra, theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Hồng Dân, thực tế triển khai cho thấy bất cập bởi hiện số lao động làm việc ở các công ty, cơ sở kinh doanh mà không ký hợp đồng lao động rất lớn và không nằm trong diện được hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP. Tháo gỡ vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu sửa đổi Nghị quyết số 68/NQ-CP và có bổ sung thêm đối tượng trên trong thời gian tới.

“Đối với Hà Nội, để tránh rườm rà thủ tục khi hỗ trợ diện lao động tự do, Sở đã có hướng dẫn sau khi chi trả xong thì có phiếu báo đến nơi cư trú của người dân để địa phương đó biết, tránh trùng lặp. Sở cũng phối hợp với Công an thành phố triển khai phần mềm dữ liệu kết nối thông tin về các đối tượng được chi trả trong toàn quốc để không bị trục lợi chính sách”, ông Nguyễn Hồng Dân cho biết.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà nhận định, qua giám sát, Thường trực HĐND thành phố đã nắm bắt một số bất cập, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tại các địa phương. Thường trực HĐND thành phố sẽ nghiên cứu, kiến nghị một số giải pháp đối với các cấp, ngành, tổ chức liên quan, nhằm bảo đảm người dân thụ hưởng chính sách kịp thời, đúng đối tượng, “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do dịch Covid-19: Bảo đảm thụ hưởng kịp thời

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.