Kinh tế

Gói tín dụng 405 nghìn tỷ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất

Đình Hiệp 11/11/2024 - 11:50

Đến nay, có 35 tổ chức tín dụng công bố tổng giá trị gói tín dụng 405 nghìn tỷ đồng để cho vay mới đối với các doanh nghiệp và người dân chịu tác động do bão số 3.

dai-bieu.jpg
Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 11-11. Ảnh: Đình Hiệp

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, sáng 11-11, Quốc hội chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng về công tác hỗ trợ vay vốn và miễn, giảm lãi suất cho người dân, doanh nghiệp để phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch Covid-19 và thiên tai.

Bão số 3 gây thiệt hại cho Hải Phòng, Quảng Ninh 12 nghìn tỷ đồng

Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Ma Thị Thúy (Đoàn Tuyên Quang) cho biết, cơn bão số 3 vừa qua ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi mặt của đời sống xã hội, gây thiệt hại lớn về người, tài sản, nhiều cây trồng, vật nuôi bị thiệt hại nặng nề.

ma-thi-thuy.jpg
Đại biểu Ma Thị Thúy (Đoàn Tuyên Quang) chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn

Theo báo cáo của Chính phủ, tổng thiệt hại về kinh tế do cơn bão số 3 gây ra ước tính trên 81.000 tỷ đồng, trong đó, thiệt hại trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp gần 31.000 tỷ đồng, bằng 38% thiệt hại về kinh tế.

“Thống đốc NHNN cho biết, ngành Ngân hàng có các chính sách hỗ trợ gì đối với các khách hàng vay vốn trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3?”, đại biểu nêu câu hỏi.

Trả lời nội dung này, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, sau khi bão số 3 xảy ra và có tác động nghiêm trọng với doanh nghiệp và người dân ở 26 tỉnh, thành phố, NHNN đã cử lãnh đạo trực tiếp khảo sát ở Hải Phòng, Quảng Ninh - hai tỉnh chịu sự tác động mạnh của cơn bão số 3 và xác định dư nợ của 2 tỉnh này chịu tác động của cơn bão số 3 là khoảng 12 nghìn tỷ đồng.

Từ đó, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung quan tâm, rà soát các khách hàng vay vốn tại tổ chức mình để xác định mức độ thiệt hại các khoản dư nợ mà khách hàng và người dân đã vay tại ngân hàng. Theo đó, số dư nợ tín dụng của các khách hàng cá nhân bị thiệt hại khoảng 190 nghìn tỷ đồng.

Trên cơ sở đó, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung thực hiện các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân như cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo các quy định hiện hành. NHNN cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng xem xét giảm lãi cho doanh nghiệp và người dân chịu tác động của cơn bão số 3.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng, mỗi tổ chức tín dụng cũng cân nhắc, xem xét cân đối nguồn vốn của mình để đưa ra các gói tín dụng. Đến nay, đã có 35 tổ chức tín dụng công bố với tổng giá trị gói tín dụng là 405 nghìn tỷ đồng để tiếp tục cho vay mới đối với các doanh nghiệp và người dân chịu tác động cũng như các khoản lãi suất cho vay ưu đãi hơn.

viet-nga.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn

Chất vấn tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cho biết, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong nước vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2024, số doanh nghiệp mới thành lập tăng 9,7% nhưng số doanh nghiệp rút khỏi thị trường tăng tới 21%. Mặc dù, Chính phủ đã thực hiện rất nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có các giải pháp về tín dụng.

Đại biểu đề nghị Thống đốc NHNN cho biết thời gian tới, sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ những giải pháp thiết thực gì về tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, đặc biệt, trong bối cảnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 đề ra khá cao so với giai đoạn 2021-2024.

dai-bieu-1.jpg
Các đại biểu tham dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 11-11. Ảnh: Quochoi.vn

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, Việt Nam có đặc thù nhu cầu đầu tư cho sản xuất, kinh doanh phụ thuộc rất lớn vào nhu cầu vốn, tín dụng của ngân hàng. Chỉ số dư nợ tín dụng trên GDP hiện nay đã hơn 120%, nên NHNN phải cân nhắc khi điều hành về tín dụng. Để giải quyết vốn, NHNN đã tham mưu Chính phủ tăng cường vốn cho doanh nghiệp và người dân.

Trong đó, vốn cho sản xuất, kinh doanh gồm tự có, vay ngân hàng, thu hút trực tiếp, gián tiếp nước ngoài hoặc vay nợ. Nếu doanh nghiệp có khả năng tự vay, tự trả vốn nước ngoài cũng có khuôn khổ pháp lý. Bà Nguyễn Thị Hồng đề nghị, doanh nghiệp và người dân cân nhắc để tìm nguồn vốn phù hợp. Tổ chức cá nhân cũng phải đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn để được vay, và quan trọng nhất là có khả năng trả nợ.

"Để doanh nghiệp và người dân có khả năng trả nợ, họ phải có dự án kinh doanh, phương án khả thi, đòi hỏi hỗ trợ, giải pháp từ nhiều bộ, ngành liên quan như giải pháp về thị trường, tư vấn pháp lý và giải pháp về sản phẩm, bảo lãnh”, bà Nguyễn Thị Hồng thông tin. Đồng thời khẳng định, NHNN sẽ cố gắng thực hiện giải pháp hỗ trợ tín dụng nhưng vẫn kiểm soát lạm phát.

Thực hiện hiệu quả các chính sách tiền tệ, tài khóa

nguyen-thi-van-thi.jpg
Đại biểu Nguyễn Văn Thi (Đoàn Bắc Giang) chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn

Đặt vấn đề chất vấn Thống đốc NHNN, đại biểu Nguyễn Văn Thi (Đoàn Bắc Giang) đề nghị cho biết, việc đặt mục tiêu tăng trưởng GDP nước ta thời gian tới có ảnh hưởng gì đến mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ của NHNN hay không và dự kiến điều hành chính sách tiền tệ, phối hợp với chính sách tài khóa ra sao để đạt được mục tiêu này?

Trả lời nội dung này, bà Nguyễn Thị Hồng cho rằng, việc điều hành chính sách tiền tệ với mục tiêu là góp phần ổn định giá trị đồng tiền. Biểu hiện của chính sách này thể hiện qua chỉ tiêu lạm phát. Vì vậy, khi thực hiện chính sách tiền tệ, NHNN xác định mục tiêu là lạm phát. Còn mục tiêu về tăng trưởng kinh tế cũng là một trong những cơ sở để đưa ra mục tiêu về tăng trưởng tín dụng đầu năm. Chỉ tiêu này sẽ được điều hành, có điều chỉnh tùy theo thực tế.

“Khi đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế đó đương nhiên phải có sự phối hợp giữa các chính sách tiền tệ, tài khóa và chính sách kinh tế vĩ mô khác như đầu tư, thương mại", bà Nguyễn Thị Hồng giải thích.

Trong quá trình triển khai, việc điều hành về lãi suất, tín dụng và công vụ khác cũng được NHNN theo dõi. Nếu thực hiện được mục tiêu kiểm soát lạm phát như Quốc hội đề ra thì NHNN sẵn sàng có giải pháp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế như đã làm thời gian qua như gói cho vay 145.000 tỷ đồng hỗ trợ người thu nhập thấp mua nhà, hỗ trợ 60.000 tỷ đồng ngành thủy sản... “Tuy nhiên, không được chủ quan với lạm phát. Lạm phát quay trở lại thì chúng tôi sẽ điều chỉnh để kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô”, bà Nguyễn Thị Hồng cho hay.

nguyen-thi-hong.jpg
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn

Hiện nay, Việt Nam ưu tiên tăng trưởng kinh tế nên chính sách tài khóa mở rộng sẽ có trọng tâm, trọng điểm. Hiện, chỉ số nợ nước ngoài, nợ công, thâm hụt ngân sách dưới ngưỡng cho phép khá nhiều. Chính phủ đã chỉ đạo nghiên cứu mở rộng chính sách tài khóa hợp lý để tránh phụ thuộc quá nhiều vào chính sách tiền tệ. Bởi tăng trưởng kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào chính sách tiền tệ sẽ tiềm ẩn rủi ro với các ngân hàng.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng, hiện nay, quy mô dư nợ tín dụng trên GDP Việt Nam là 120% GDP, ở mức cao trong số các nước và Ngân hàng Thế giới đã cảnh báo. Vì vậy, nếu Việt Nam tiếp tục dựa vào chính sách tiền tệ thì sẽ tiềm ẩn rủi ro. Vừa qua, Chính phủ đã tổ chức nhiều cuộc họp nhằm thúc đẩy các phân khúc khác của thị trường tài chính như thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Đây là thị trường giải quyết vốn dài hạn cho doanh nghiệp và người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gói tín dụng 405 nghìn tỷ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.