(HNM) - Ngày 26-4-2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg về “Hỗ trợ người có công (NCC) với cách mạng về nhà ở”. Thực hiện quyết định này, TP Hà Nội đã tập trung triển khai với phương châm đúng đối tượng, đúng chế độ và thời gian quy định. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm, đến nay nhiều hộ gia đình NCC vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ do những vướng mắc chưa được tháo gỡ kịp thời.
Ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Thước, mẹ liệt sĩ Nguyễn Xuân Hồng (xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh) đang trong quá trình xây dựng nhưng chưa nhận được tiền hỗ trợ.Ảnh: Nguyên Hoa |
Bà Nguyễn Thị Lựu, vợ liệt sĩ Nguyễn Đăng Hiếu ở xã Kim Nỗ (Đông Anh), năm nay đã ngoài 80 tuổi nhưng vẫn đau đáu nỗi niềm bởi cả gia đình đang sống trong nợ nần. Bà Lựu cho biết, năm 2013 gia đình được cán bộ phụ trách lao động - thương binh xã hội của xã Kim Nỗ thông báo là thuộc diện được Nhà nước hỗ trợ để xây nhà, với số tiền 40 triệu đồng. Tuy chưa nhận được tiền hỗ trợ, nhưng vì ngôi nhà đã quá xuống cấp nên cả gia đình vẫn quyết định đi vay tiền để làm nhà mới, khi nào nhận được tiền hỗ trợ của Nhà nước sẽ trả sau.
Mọi việc sau đó diễn ra theo đúng kế hoạch, gia đình bà Lựu đã có ngôi nhà mới, chỉ có điều chờ mãi tiền hỗ trợ vẫn chưa thấy đâu. Cũng thuộc diện được hỗ trợ xây nhà, nhưng bà Nguyễn Thị Thước (mẹ liệt sĩ Nguyễn Xuân Hồng, xã Kim Nỗ, Đông Anh) lại qua đời khi nhà mới còn chưa hoàn thành. Anh Nguyễn Đình Quy, cháu nội của bà Nguyễn Thị Thước cho biết: “Gia đình tôi trong diện được hỗ trợ tiền xây nhà trị giá 40 triệu đồng. Chúng tôi đã làm hồ sơ hơn hai năm nay, thế nhưng tiền chẳng thấy đâu, trong khi nhà ở đã xuống cấp”.
Theo thống kê, toàn xã Kim Nỗ có 40 hộ được hưởng chế độ theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng đến thời điểm hiện tại mới chỉ có 5 hộ nhận được tiền hỗ trợ xây, sửa nhà, 35 hộ còn lại vẫn đang… chờ. Trưởng phòng Phòng LĐ-TB&XH huyện Đông Anh Hoàng Văn Hoàn cho biết: Thực hiện rà soát nhà ở NCC theo Quyết định 22 của Thủ tướng, toàn huyện Đông Anh có 254 hộ cần xây mới, 303 hộ cần sửa chữa với tổng số tiền Nhà nước hỗ trợ là hơn 16 tỷ đồng. Trong năm 2014, có 30 hộ đã sửa chữa xong và nhận được 600 triệu đồng tiền hỗ trợ của Nhà nước. Hiện 518 hộ còn lại đã hoàn thiện hồ sơ nhưng vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ. Trong khi đó, có một số hộ gia đình vì nhà đã xuống cấp, hư hỏng nặng nên phải tự vay mượn để sửa chữa.
Không riêng huyện Đông Anh, không ít gia đình NCC tại các địa phương khác của thành phố cũng phải đi vay mượn để xây, sửa nhà và lâm vào cảnh nợ nần. Mẹ liệt sĩ Phạm Thị Chương, xã Chuyên Mỹ (Phú Xuyên) năm nay đã 98 tuổi, ở một mình trong căn nhà dột nát được Hội Cựu chiến binh huyện xây dựng từ năm 1994. Năm 2013, UBND huyện Phú Xuyên đã xét duyệt hồ sơ để sửa chữa nhà cho mẹ theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ (20 triệu đồng). Hồ sơ, thủ tục đã hoàn tất nhưng tiền hỗ trợ thì chưa nhận được. Trong khi đó, ngôi nhà ngày càng xuống cấp nên mẹ phải vay tiền của họ hàng để sửa chữa. “Nhà sửa xong đã 3 năm nay. Tuổi đã cao, không biết tôi sẽ ra đi lúc nào. Mong muốn cuối cùng của tôi là Nhà nước sớm hỗ trợ tiền để tôi trả cho bà con, họ hàng” - mẹ liệt sĩ Phạm Thị Chương nói.
Thực hiện Quyết định của Chính phủ, ngày 30-9-2013, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 153 nhằm triển khai thực hiện. Qua rà soát, toàn thành phố có 9.916 hộ gia đình NCC với cách mạng thuộc đối tượng được hỗ trợ về nhà ở theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó 4.423 hộ cần xây mới, 5.493 hộ sửa chữa. Tổng kinh phí hỗ trợ là 286,8 tỷ đồng, ngân sách trung ương bảo đảm 80% (khoảng 229,2 tỷ đồng). Tuy nhiên, đến nay, Trung ương mới bố trí kinh phí cho TP Hà Nội được khoảng 15 tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ cho NCC với cách mạng. Lý do được đưa ra là do nguồn vốn từ ngân sách trung ương còn thiếu và chưa cấp về địa phương nên chưa thể bố trí kinh phí thực hiện theo đúng tiến độ.
Việc hỗ trợ nhà ở cho NCC với cách mạng là một việc làm có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với những gia đình NCC, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Thiết nghĩ, để nhân lên niềm vui cho các gia đình có công với nước như ý nghĩa của Quyết định 22 của Thủ tướng, các cấp, các ngành cần tiếp tục quan tâm hơn nữa trong việc tháo gỡ vướng mắc phát sinh, thực hiện tốt chính sách hỗ trợ nhà ở cho NCC với cách mạng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.