(HNM) - Những cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp du lịch hay công bố hỗ trợ công ty khởi nghiệp du lịch thời gian gần đây cho thấy, ngành "Công nghiệp không khói" vẫn là "mảnh đất màu mỡ". Tuy nhiên, để ý tưởng khởi nghiệp trở thành hiện thực, mang lại hiệu quả, rất cần sự khác biệt, đam mê, kỹ năng quản lý của người điều hành chứ không hẳn chỉ nguồn vốn đầu tư.
Đầy ắp ý tưởng
Vòng chung kết cuộc thi “Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ứng dụng công nghệ thông tin phát triển du lịch” năm 2019, do Tổng cục Du lịch Việt Nam phối hợp với Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn tổ chức tháng 6 vừa qua, cho thấy lĩnh vực du lịch đã nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nhân. Từ hàng trăm dự án tại vòng sơ loại, Ban Tổ chức cuộc thi đã chọn được 9 dự án vào vòng chung kết. Đáng chú ý, các dự án đều mang tính ứng dụng cao.
Điển hình là Dự án Tubudd tạo nên nền tảng công nghệ kết nối du khách và cư dân địa phương, qua đó du khách có thể thuê người dân bản địa ở bất cứ nơi nào họ đến, với một mức giá phù hợp. Hay Dự án Vufood mang đến ý tưởng máy pha chế cà phê và trà sữa tích hợp bán hàng tự động, đồng thời cũng là một cây tra cứu dữ liệu di động với việc tích hợp thông tin và ứng dụng phục vụ khách du lịch tìm kiếm thông tin. Còn Dự án GoEat Me lại tạo nên nền tảng thông tin về du lịch và văn hóa ẩm thực thông qua sử dụng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) để cá nhân hóa trải nghiệm của du khách.
Ông Lý Đình Quân, Giám đốc điều hành Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn cho biết, đã có khoảng 300 dự án ở cả 3 miền (Bắc, Trung, Nam) gửi tới Trung tâm đề nghị được hỗ trợ đào tạo, nâng cao kỹ năng quản lý cũng như kêu gọi vốn. Ban Tổ chức đã chọn được 4 dự án tại khu vực phía Bắc để ươm tạo, hỗ trợ. Trong số này, có Dự án Bánh bèo Chợ Đổ với người sáng lập Đào Thu Trang.
Chị Đào Thu Trang chia sẻ: “Ở Việt Nam, hiện đã có các chuỗi ẩm thực nổi tiếng của Huế, Hà Nội..., nhưng chưa có chuỗi ẩm thực về món ăn của Hải Phòng. Chính vì vậy, chúng tôi đã nảy ra ý tưởng xây dựng dự án này".
“Hà Nội cũng như nhiều tỉnh, thành phố khác trên cả nước cần có thêm nhiều sản phẩm du lịch mới, độc đáo, sáng tạo, khai thác các giá trị tiềm năng hiện có và lan tỏa dịch vụ du lịch ra các vùng, lĩnh vực khác. Khởi nghiệp du lịch sáng tạo là lựa chọn đúng đắn và là đòn bẩy để thực hiện các mục tiêu này” - ông Lý Đình Quân khẳng định.
Theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, hầu hết các dự án khởi nghiệp du lịch thường gắn với ứng dụng công nghệ. Điều này phù hợp với xu hướng phát triển của ngành Du lịch, qua đó có thể tạo ra nhiều giá trị gia tăng và sự kết nối thông minh cho sản phẩm du lịch.
Từ những bước đi chắc chắn đến sản phẩm
Cả 9 dự án vào vòng chung kết cuộc thi “Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin phát triển du lịch” năm 2019 được đánh giá có nhiều cơ hội thành công. Tuy nhiên, hành trình không đơn giản. Khó khăn không chỉ bởi nguồn vốn đầu tư.
Chị Đào Thu Trang cho biết: "Những người sáng lập dự án (Dự án Bánh bèo Chợ Đổ - PV) đang đối mặt vấn đề nguồn vốn triển khai, cũng như cần được tư vấn để tiếp cận hiệu quả với thị trường”.
Không chỉ vậy, bà Nguyễn Hồng Trang, Tổng Giám đốc, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Đào tạo kỹ năng tài chính Edubelife - đơn vị tham gia hỗ trợ đào tạo kỹ năng tài chính cho những dự án khởi nghiệp du lịch của Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn đánh giá: Các dự án khởi nghiệp du lịch đều rất cần nguồn vốn đầu tư. Thế nhưng có những mô hình kinh doanh hiệu quả, có nguồn thu nhất định và đối tác lớn lại không có kỹ năng quản trị tài chính, lập kế hoạch ngân sách ngắn hạn và dài hạn, kỹ năng giải trình tường minh về các khoản, mục tài chính thì cũng chưa đủ điều kiện để tiếp cận được nguồn vốn đầu tư. Để không làm chậm tiến độ huy động vốn, các dự án cần xây dựng chiến lược quản trị tài chính, quản trị rủi ro, nâng cao tính hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ, tuân thủ pháp luật… ngay từ những bước đi đầu tiên của dự án.
Theo ông Phạm Duy Hưng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty APEC, doanh nghiệp sẵn sàng dành 100 tỷ đồng để đầu tư cho các dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch. Vấn đề không nằm ở nguồn vốn, mà quan trọng là tính độc đáo, sát thực tiễn của dự án. “Hiện tại, môi trường tại các khu du lịch đang là vấn đề đáng báo động. Nếu có những dự án có thể giúp doanh nghiệp ở những khu du lịch hạn chế được tác hại của rác thải, chúng tôi sẵn sàng đầu tư”, ông Phạm Duy Hưng khẳng định.
Còn theo ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, điểm chung của các dự án khởi nghiệp du lịch là biết khai thác các yếu tố từ nhu cầu của khách du lịch, kết nối tương tác giữa nhu cầu của khách và khả năng cung ứng của các nhà cung cấp dịch vụ du lịch. Vấn đề là cần những bước đi chắc chắn để phát triển những ý tưởng này trở thành hiện thực và tạo ra những sản phẩm du lịch mới cho ngành Du lịch.
Rõ ràng, nguồn vốn không hẳn là vấn đề lớn nhất với các dự án khởi nghiệp du lịch. Những điểm cốt yếu khác nằm ở sự độc đáo, tính ứng dụng cao của dự án và kỹ năng quản lý, sự đam mê của người điều hành.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.