(HNMO) - Ngày 3-12, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Lễ công bố Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025. Sự kiện có sự tham gia của đại diện các cơ quan, doanh nghiệp.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, các xu hướng phát triển về công nghệ ngày càng mang tính đột phá, đang thay đổi cuộc sống con người. Những mô hình kinh doanh truyền thống sẽ dần bị thay thế bởi các công nghệ mới, đem lại hiệu quả cao hơn. Các yếu tố tạo nên lợi thế, sức cạnh tranh của doanh nghiệp cũng đang dịch chuyển, dựa trên công nghệ và hoạt động đổi mới sáng tạo. Bởi thế, chuyển đổi số trở thành xu hướng tất yếu để doanh nghiệp phục hồi nhanh sau dịch Covid-19, nâng cao năng lực cạnh tranh và bứt phá trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư...
Những năm tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục hợp tác với USAID để thực hiện chương trình nói trên, tập trung vào các nội dung chủ yếu gồm: Tuyên truyền để 100% doanh nghiệp được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; có tối thiểu 100.000 doanh nghiệp được hỗ trợ kỹ thuật và chuyển đổi số; 100 doanh nghiệp được hỗ trợ là mô hình chuyển đổi số điển hình thành công để lan tỏa và nhân rộng; thiết lập mạng lưới chuyên gia gồm 100 tổ chức, cá nhân tư vấn, cung cấp giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số cho doanh nghiệp cũng như hỗ trợ phát triển nền tảng số.
Bà Ann Marie Yastishock, Giám đốc USAID tại Việt Nam cho rằng, thông qua việc số hóa, tự động hóa, các doanh nghiệp sẽ có “chìa khóa” để thực hiện tăng trưởng nhanh, bền vững trong bối cảnh bất lợi do đại dịch Covid-19 gây ra. Từ đó, doanh nghiệp có thể tối ưu hóa mô hình sản xuất và quản trị nhằm tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu...
Ông Nguyễn Việt Long, chuyên gia tư vấn chuyển đổi số thuộc dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa do USAID tài trợ nhấn mạnh, các cơ quan hữu quan cần đặt câu hỏi làm gì để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số thành công. Trong đó, cần đánh giá thực trạng, năng lực, sự hạn chế cũng như sự sẵn sàng thực hiện ở từng đơn vị để nắm bắt cũng như tư vấn hiệu quả. Mỗi cá nhân lãnh đạo doanh nghiệp cũng cần tự giác thu nạp thông tin, tìm hiểu các vấn đề liên quan để hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi số.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.