(HNM) - Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 103/NQ-CP (ngày 11-8-2022) thực hiện chính sách hỗ trợ cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đón nhận thông tin này, các đối tượng thụ hưởng của Nghị quyết số 103/NQ-CP tỏ rõ sự phấn khởi và tin tưởng chính sách sẽ giúp họ thêm động lực để tiếp tục làm việc, có nguồn lực vượt qua khó khăn do hậu quả của đại dịch Covid-19 để lại...
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương:
Chính sách rất thiết thực
Thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã chủ động triển khai nhiều giải pháp, các hình thức đặc thù hỗ trợ cán bộ, giáo viên mầm non, tiểu học ngoài công lập. Ngoài chính sách của thành phố Hà Nội, Công đoàn ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô, các quận, huyện, thị xã đều có hỗ trợ cho giáo viên. Đồng thời, sẽ tiếp tục đề xuất giảm thủ tục để cán bộ, giáo viên nhận hỗ trợ sớm nhất. Tiếp theo, Hà Nội tiếp tục rà soát, nghiên cứu các chính sách đặc thù đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Chính phủ có mức hỗ trợ giáo viên mầm non, tiểu học ngoài công lập gặp khó khăn.
Việc Chính phủ ban hành Nghị quyết số 103/NQ-CP là rất thiết thực, góp phần ổn định đội ngũ giáo viên, tránh đứt gãy nguồn cung ứng nhân lực có kinh nghiệm cho các trường mầm non, tiểu học ngoài công lập; đồng thời giúp phụ huynh yên tâm lao động, góp phần để các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế, bảo đảm đời sống và an sinh xã hội.
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông Phạm Thị Lệ Hằng:
Động lực giúp giáo viên và các cơ sở giáo dục vượt qua khó khăn
Cùng với chính sách về nguồn vốn vay ưu đãi hỗ trợ các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập, nay Nhà nước tiếp tục có chính sách hỗ trợ cho cán bộ, giáo viên, nhân viên trường mầm non, tiểu học ngoài công lập là điều rất có ý nghĩa. Tuy mức hỗ trợ còn khiêm tốn nhưng lại có tác dụng động viên lớn, là động lực giúp giáo viên và các cơ sở giáo dục vượt qua giai đoạn khó khăn của dịch Covid-19.
Thời điểm này, dù dịch Covid-19 đã được kiểm soát, nhưng vẫn có nguy cơ diễn biến phức tạp, vì thế, Nghị quyết số 103/NQ-CP giúp cán bộ, giáo viên, nhân viên cơ sở mầm non, tiểu học ngoài công lập tin tưởng, trong khó khăn, luôn có Đảng, Nhà nước đồng hành.
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đông Anh Dương Thị Sáu:
Chính sách được ban hành kịp thời, hết sức nhân văn
Đối tượng được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết số 103/NQ-CP của Chính phủ phải là những người chưa được hưởng chính sách hỗ trợ với người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương theo Nghị định số 68/NĐ-CP do không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là quy định rất cụ thể, tránh hỗ trợ không đúng đối tượng. Đây là chính sách rất kịp thời và hết sức nhân văn, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với lĩnh vực giáo dục.
Để chính sách hỗ trợ đến sớm với đối tượng thụ hưởng, Phòng sẽ đề nghị UBND huyện Đông Anh tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng trong quá trình xác nhận điều kiện được hỗ trợ theo quy định. Bảo đảm thủ tục đơn giản, rõ ràng để thực hiện công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện.
Bà Phạm Thu Thủy, chủ cơ sở giáo dục mầm non Thế giới nhỏ, quận Bắc Từ Liêm:
Giúp các giáo viên sớm ổn định cuộc sống
Thời gian qua, Chính phủ, các cấp chính quyền đã có rất nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn, giúp các cơ sở giáo dục mầm non gượng dậy sau đại dịch. Theo quy định tại Nghị quyết số 103/NQ-CP, nếu đáp ứng đủ các điều kiện, như: Đang làm việc tại trường trước khi trường phải tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch Covid-19 và nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng trở lên từ ngày 1-5-2021 đến hết ngày 31-12-2021… thì cả cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học ngoài công lập có thể được hỗ trợ từ 2,2 triệu đồng đến 3,7 triệu đồng/người. Đây là khoản tiền giúp mỗi người ổn định cuộc sống, động viên họ tiếp tục làm việc, cống hiến.
Giáo viên Nguyễn Thị Thùy Linh, Trường Mầm non tư thục Thành Công, quận Ba Đình:
Góp phần bảo đảm chất lượng giáo dục
Trong hơn 2 năm qua, rất nhiều cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập đã buộc phải đóng cửa do dịch Covid-19; nhiều giáo viên phải bỏ nghề, chuyển công việc khác để duy trì cuộc sống. Trong bối cảnh đó, chúng tôi rất cần sự quan tâm, giúp đỡ của Chính phủ, các cấp, các ngành, chính quyền địa phương và toàn xã hội để sớm ổn định cuộc sống và tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp trồng người.
Nghị quyết số 103/NQ-CP của Chính phủ được ban hành rất kịp thời và nhân văn, giúp các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập khôi phục hoạt động, thích ứng với tình hình dịch Covid-19 trong giai đoạn mới, từ đó góp phần bảo đảm chất lượng giáo dục mầm non ngoài công lập nói riêng và chất lượng giáo dục toàn diện nói chung.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.