Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu: Chờ những bước tiến dài

Hồng Sơn| 25/02/2013 06:24

(HNM) - Theo dự báo, tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn Hà Nội năm 2013 đạt 11,3 tỷ USD. Kết quả tháng 1-2013 đã cho thấy những tín hiệu khả quan...



Để hoàn thành tốt mục tiêu, thành phố đã có nhiều giải pháp quan trọng hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong vay vốn ngân hàng, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu, định hướng khai thác thị trường… Tuy nhiên, đây mới là điều kiện cần…

Ngành hàng dệt may có tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội. Ảnh: Ngọc Linh


Kim ngạch xuất khẩu tháng 1-2013: Tăng cao (21,1%)

Kết quả từ hoạt động xuất khẩu trong tháng 1-2013 cho thấy sự suôn sẻ bước đầu, cho phép kỳ vọng về một kết quả chung cuộc khả quan khi kết thúc năm 2013. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn Hà Nội tháng 1 đạt 801 triệu USD, tăng 21,1% so với cùng kỳ năm 2012; trong đó phần xuất khẩu của khối DN địa phương tăng 25,8%; 10/11 ngành hàng xuất khẩu tăng so với cùng kỳ, điển hình như nhóm hàng nông sản (tăng 49,7%), linh kiện máy tính và thiết bị ngoại vi (tăng 44,4%), thủy tinh và sản phẩm từ thủy tinh (tăng 31,4%)… Đây là mức tăng rất cao, thể hiện đà tăng trưởng liên tục từ những tháng cuối năm 2012 trong bối cảnh hoạt động sản xuất và xuất khẩu của nền kinh tế đang tiếp tục được cải thiện.

Lãnh đạo TP Hà Nội nhận định, năm 2013 sẽ có một số thuận lợi, khi hoạt động sản xuất và xuất khẩu của DN được Chính phủ xác định là mục ưu tiên hỗ trợ; cải thiện năng lực cạnh tranh của DN trong khi sức mua của thị trường và nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng nông sản chủ lực của Thủ đô từ các đối tác nhập khẩu vẫn ổn định; thành phố tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất tiền vay sau đầu tư cho DN. Mặt khác, các nhà nhập khẩu hàng dệt may quốc tế đang có xu hướng chuyển từ việc đặt hàng ở các nước khác sang đặt hàng đối với DN Việt Nam (hiện một số DN đã nhận được đơn hàng đến hết quý I hoặc sang quý II năm 2013). Các chuyên gia cho rằng, những yếu tố nói trên thể hiện một thực tế là DN Hà Nội đang có nhiều thuận lợi trong hoạt động xuất khẩu.

Sản xuất dây, cáp điện - một trong những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn - tại Công ty CP cơ điện Trần Phú. Ảnh: Viết Thành


Cảnh giác trước nguy cơ khiếu kiện

Ngay từ đầu năm, TP Hà Nội đã chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị triển khai một số đầu việc quan trọng, phù hợp với năng lực của Thủ đô cũng như hoàn cảnh DN. Trước hết, Hà Nội hỗ trợ DN, nhất là DN nhỏ và vừa, trong việc vay vốn ngân hàng với lãi suất hợp lý, từ đó tạo ra cơ hội cho DN tự bổ sung nguồn lực tài chính. Tiếp theo là việc thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng khuyến khích những mặt hàng có giá trị gia tăng cao, như sản phẩm cơ kim khí, đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ, vật liệu xây dựng bên cạnh những loại hàng có sản lượng lớn và khả năng tăng trưởng cao, gồm dây và cáp điện, linh kiện máy tính, thiết bị ngoại vi. Thành phố cũng ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ để tạo ra nguồn cung cấp linh kiện, phụ tùng theo hướng chủ động về số lượng và chất lượng theo đơn đặt hàng của cộng đồng DN trên địa bàn. Đặc biệt, lãnh đạo TP Hà Nội xác định sẽ kiên trì định hướng hỗ trợ cho DN thuộc ngành công nghiệp phụ trợ kết hợp hài hòa với mục tiêu nghiên cứu, thiết kế và chế tạo những sản phẩm mới với mục tiêu tận dụng tối đa những công nghệ mới.

DN Hà Nội cũng được định hướng khai thác tốt các thị trường truyền thống, thị trường đã ký hiệp định mậu dịch tự do như Hoa Kỳ, EU, ASEAN bên cạnh việc phát hiện, thâm nhập thị trường mới. Thành phố sẽ phối hợp đồng bộ với các hiệp hội, ngành hàng trong công tác xúc tiến thương mại để tăng cường xuất khẩu, tập trung vào một số hoạt động liên quan như tham gia hội chợ triển lãm, chú trọng việc cung cấp và phân tích thông tin thị trường, dự báo thị hiếu tiêu dùng và quy định pháp lý ở những thị trường mới…

Tuy nhiên, DN Hà Nội vẫn phải đối diện với một số khó khăn, vướng mắc hoặc hạn chế không thể chủ quan. Đó là việc thiếu bài bản trong việc xây dựng hình ảnh và quảng bá thương hiệu sản phẩm. Ngoài ra, đa số DN chưa có kinh nghiệm trong việc xử lý các vụ khiếu kiện chống bán phá giá đang có xu hướng ngày càng gia tăng trong quá trình hội nhập. Vì vậy, DN cần có phương án hữu hiệu để sẵn sàng đối phó, đấu tranh với DN nước ngoài nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Trong khi đó, thời gian gần đây, tình hình lao động, nhất là nguồn thợ giỏi nghề tại các DN làm hàng xuất khẩu vẫn ẩn chứa nguy cơ mất ổn định do vấn đề "nhảy việc". Tình trạng này thường xảy ra đối với các DN thuộc lĩnh vực dệt may và lại thường rơi vào thời điểm "chạy đua" với thời hạn giao hàng cho đối tác nên DN rất bất lợi nếu xảy ra tình trạng nhân công đột ngột tự ý bỏ việc. Đại diện cơ quan quản lý cũng như DN đã nhất trí cho rằng, cần có biện pháp kết nối cung - cầu nguồn lao động để giải quyết nhanh, hiệu quả tình trạng thiếu lao động cục bộ tại DN vào những thời điểm nhạy cảm là việc làm cần thiết.

Như vậy, nếu DN biết tận dụng hiệu quả những hỗ trợ này thì sẽ có những bước tiến dài trong xuất khẩu. Dự báo, tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn Hà Nội năm 2013 là 11,3 tỷ USD. Sự năng động của DN chính là điều kiện đủ để thực hiện mục tiêu này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu: Chờ những bước tiến dài

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.