(HNM) - Việc tiếp cận và đưa sản phẩm vào các trung tâm bán lẻ, siêu thị càng khó khăn hơn khi hàng ngoại vẫn chiếm ưu thế tại các kệ, quầy của siêu thị.
Khi đi siêu thị, chị Nguyễn Thị Ánh Hồng, trú tại phường Tân Thuận, quận 7, thành phố Hồ Chí Minh vẫn ưu tiên lựa chọn sản phẩm hàng Việt Nam. Tuy nhiên, chị Hồng nhận xét: “Hàng ngoại đang lấn át tại các siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ. Nhất là các hệ thống bán lẻ được nước ngoài mua lại...”.
Thực tế cho thấy “cánh cửa” đưa hàng Việt Nam vào siêu thị ngày càng khó khăn. Để nhận được hợp đồng cung cấp cho siêu thị là điều không dễ dàng với các công ty khởi nghiệp, công ty có quy mô nhỏ. Bà Nguyễn Hoàng Minh Tuyết - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất trà Cát Nghi cho biết: “Chúng tôi gửi email, điện thoại, làm hàng mẫu theo yêu cầu nhưng không nhận được trả lời”. Còn ông Nguyễn Xuân Thủy - Giám đốc Công ty TNHH Megahome cho biết: “Chúng tôi đã đưa được sản phẩm vào hệ thống siêu thị Big C tại Việt Nam của Tập đoàn Central Group Thái Lan và được công nhận là nhà cung cấp sản phẩm có năng lực. Tuy nhiên, khi muốn cung cấp sản phẩm vào hệ thống khác của tập đoàn thì bị từ chối mà chưa hiểu nguyên nhân”.
Sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam đang tìm đường vào các siêu thị, hệ thống bán lẻ trong và ngoài nước. |
Trên thực tế, việc ưu tiên hỗ trợ đưa sản phẩm Việt Nam vào hệ thống siêu thị đã được UBND thành phố Hồ Chí Minh quan tâm và giao trách nhiệm cho Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư thành phố Hồ Chí Minh là cầu nối kết nối, hỗ trợ, tiêu thụ sản phẩm cho các công ty. Nhiều năm qua, trung tâm này đã tổ chức các chương trình triển lãm sản phẩm, kết nối đưa hàng hóa của doanh nghiệp Việt vào các chuỗi siêu thị hiện đại như: Big C, Mega Market, Co.op Mart, Aeon Mall.
Ông Nguyễn Văn Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Chúng tôi tổ chức nhiều chương trình kết nối doanh nghiệp đưa hàng hóa vào chuỗi hệ thống siêu thị Big C năm 2018. Năm 2019, trung tâm tiếp tục đẩy mạnh việc đưa hàng Việt vào các kênh bán lẻ, kênh phân phối hiện đại và là cầu nối hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với tập đoàn bán lẻ Việt Nam và thế giới. Đồng thời, nhằm đáp ứng kịp xu hướng Cách mạng công nghiệp 4.0, trong năm 2019-2020, trung tâm sẽ phối hợp với các kênh thương mại điện tử có uy tín trên thế giới như Alibaba, Amazon, Ebay để mở rộng thị trường cũng như nâng cao cạnh tranh sản phẩm của Việt Nam trên trường quốc tế”.
Chị Đỗ Thị Thùy Linh, Giám đốc Công ty TNHH Cánh Nâu, chủ thương hiệu She Chocolate cho biết: “Chúng tôi đã tham gia các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp của Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư thành phố Hồ Chí Minh, qua đó hiểu hơn về vấn đề pháp lý khi làm việc với hệ thống bán lẻ nước ngoài cũng như chiến lược để đưa hàng vào hệ thống bán lẻ trong và ngoài nước. Qua cầu nối này, chúng tôi rất hy vọng sớm có thể phân phối sản phẩm làm từ chocolate của công ty lên kệ siêu thị trong và ngoài nước”.
Tuy nhiên, muốn đưa sản phẩm vào hệ thống bán lẻ nước ngoài, doanh nghiệp cần đáp ứng các yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn và chú ý điều chỉnh mùi vị, giá cả. Hiện nay, nhiều đối tác bán lẻ ở nước ngoài thông qua kết nối của Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư thành phố Hồ Chí Minh để thu mua hàng Việt Nam.
Ông Nick Reitmeier - Phó Chủ tịch điều hành, Giám đốc thu mua ngành hàng thực phẩm, ẩm thực quốc tế và thức uống có cồn của CFR- Central Group Thái Lan khẳng định: “Doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể tiếp cận đưa sản phẩm vào hệ thống bán lẻ của chúng tôi tại Việt Nam và các thị trường khác. Việc tiếp thị sản phẩm tại Thái Lan tuy có khó khăn hơn, nhưng chúng tôi luôn mở cửa cho doanh nghiệp Việt Nam để đa dạng hóa sản phẩm cho người tiêu dùng”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.