(HNM) - Theo Bộ Công Thương, đến nay, các nước thành viên Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã thực hiện 93 biện pháp phòng vệ thương mại với các ngành hàng như thép, sợi, gỗ… của Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng đã điều tra 23 vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của các nước RCEP, chủ yếu trong các ngành kim loại, sợi, chất tạo ngọt...
Để triển khai các quy định về phòng vệ thương mại trong hiệp định RCEP, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tận dụng các ưu đãi của RCEP cũng như chủ động bảo vệ sản xuất trong nước, Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư số 07/2022/TT-BCT hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại trong RCEP. Trong thời gian tới, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) sẽ phối hợp với các hiệp hội và địa phương phổ biến, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp hiểu rõ các quy định về phòng vệ thương mại trong RCEP và Thông tư số 07/2022/TT-BCT nhằm chủ động bảo vệ lợi ích chính đáng của mình trong quá trình tham gia hiệp định.
RCEP - được 10 quốc gia thành viên ASEAN và 5 đối tác là Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand ký kết - có hiệu lực từ ngày 1-1-2022. RCEP tạo ra một thị trường rộng lớn với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lên tới 26.200 tỷ USD - tương đương 30% GDP toàn cầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.