(HNM) - Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nằm trong chuỗi cung ứng sản phẩm thanh long xuất khẩu, Trung tâm Mã số, mã vạch quốc gia (Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng - Bộ Khoa học và Công nghệ) đang thực hiện triển khai mô hình thí điểm áp dụng truy xuất nguồn gốc hỗ trợ thương mại xuyên biên giới.
Thí điểm nhằm mục đích áp dụng truy xuất nguồn gốc, minh bạch chuỗi cung ứng nông sản, từ đó giảm thiểu rủi ro trong hệ thống cung ứng thực phẩm, đồng thời giải quyết những thách thức của các quy định mới, chặt chẽ hơn về thương mại xuyên biên giới.
Đại diện Trung tâm Mã số, mã vạch quốc gia cho biết, yêu cầu đối với doanh nghiệp tham gia dự án là đơn vị tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm thanh long; có kinh nghiệm tham gia hoặc có các chứng chỉ về GAP, GMP, nông nghiệp hữu cơ, sản xuất an toàn; quan tâm tới việc tuân thủ tiêu chuẩn, quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, nông nghiệp bền vững và có sự tham gia của các nhân sự trẻ (dưới 35 tuổi). Đơn vị triển khai dự án sẽ tiến hành khảo sát, đánh giá chuỗi cung ứng nông sản, từ đó lựa chọn từ 3 đến 5 doanh nghiệp để triển khai mô hình thí điểm. Doanh nghiệp tham gia dự án thí điểm được hỗ trợ toàn bộ kinh phí.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.