(HNMO) – Sáng 30/11, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Hội nghị Lấy ý kiến về Kế hoạch triển khai Đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hội nhập và phát triển giai đoạn 2011-2015” (gọi tắt là Đề án 191 giai đoạn 2011-2015).
(HNMO) – Sáng 30/11, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Hội nghị Lấy ý kiến về Kế hoạch triển khai Đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hội nhập và phát triển giai đoạn 2011-2015” (gọi tắt là Đề án 191 giai đoạn 2011-2015).
Tham dự hội nghị có ông Phạm Gia Túc – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; ông Nguyễn Minh Hồng – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; đại diện của các Bộ ban ngành, các hiệp hội, các thành viên Ban chỉ đạo Đề án 191 giai đoạn 2005-2010 và các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT).
Đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng CNTT phục vụ hội nhập và phát triển giai đoạn 2005-2010” là Đề án Quốc gia do Thủ tướng Chính phủ giao cho VCCI chủ trì thực hiện theo Quyết định số 191/2005/QĐ-TTg ngày 29/7/2005. Sau 5 năm thực hiện, Đề án đã đạt được những kết quả khả quan, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp Việt
Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Gia Túc - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VCCI nhấn mạnh đến những nỗ lực của VCCI trong suốt 5 năm vừa qua nhằm triển khai hiệu quả các hoạt động của Đề án 191, từ hoạt động nâng cao nhận thức về hiệu quả của việc ứng dụng CNTT cho đến các hoạt động chuyên sâu như khảo sát, tư vấn, đào tạo cho doanh nghiệp và xúc tiến thương mại điện tử hỗ trợ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Đề án đã phối hợp các chương trình ứng dụng CNTT của doanh nghiệp với các chương trình đề án lớn của Chính phủ như đề án tin học hóa quản lý hành chính, tin học hóa tài chính, hải quan, thuế…
Theo đó, việc tiếp tục triển khai Đề án 191 giai đoạn 2011-2015 không những nhằm phát huy những kết quả đã đạt được trong giai đoạn 2005-2010, mà còn là nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang phát triển không ngừng cả về số lượng và chất lượng, và rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước và Chính phủ về công nghệ, trong đó đặc biệt là CNTT.
Tại hội nghị, ông Lê Văn Lợi – Viện trưởng Viện Tin học Doanh nghiệp, VCCI đã giới thiệu khái quát Dự thảo Đề án 191 giai đoạn 2011-2015. Đề án 191 giai đoạn 2011-2015 sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động đã thực hiện của Đề án trong giai đoạn 2005-2010, khắc phục những hạn chế còn tồn tại, và bổ sung những nội dung mới phù hợp với sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp và của xu hướng phát triển CNTT tại Việt Nam và trên thế giới. Đề án 191 giai đoạn 2011-2015 dự kiến gồm những nội dung chính sau: Tiếp tục công tác tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức về vai trò và tác dụng của CNTT đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; Tiếp tục công tác điều tra, khảo sát, nghiên cứu hiện trạng và nhu cầu của doanh nghiệp; Tư vấn cho cộng đồng doanh nghiệp theo quy mô, địa phương ứng dụng một cách tối ưu CNTT vào sản xuất, kinh doanh; d) Hỗ trợ đào tạo một cách hệ thống cho doanh nghiệp theo chuyên đề sát với nhu cầu thực tế và theo đúng chuyên ngành sản xuất kinh doanh; Xúc tiến phát triển thương mại điện tử trong cộng đồng doanh nghiệp nhằm thúc đẩy giao thương hàng hóa trong nước và tăng cường xuất khẩu ra nước ngoài; Cung cấp các dịch vụ CNTT cho doanh nghiệp; Nghiên cứu, xây dựng và đề xuất ban hành cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ứng dụng CNTT trong hoạt động sản xuất kinh doanh một cách hiệu quả.
Dự thảo Đề án 191 giai đoạn 2011-2015 gồm 8 hợp phần, đã nhận được sự đồng tình, đánh giá cao của các đại biểu tham dự. Trên tinh thần đồng thuận của các đại biểu tham dự hội nghị và ý kiến đóng góp gửi về từ các địa phương, các ý kiến đều nhất trí với đề xuất của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về việc tiếp tục thực hiện Đề án 191 giai đoạn 2011-2015 và các nội dung trong Dự thảo Đề án. Tuy nhiên cần có sự đồng bộ giữa các mục tiêu và nội dung của Đề án với các chương trình, dự án lớn của Chính phủ về CNTT-TT và Thương mại điện tử trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Thành Phúc – Cục trưởng Cục ứng dụng CNTT, Bộ Thông tin và Truyền thông góp ý, mục tiêu của dự thảo Đề án là đến năm 2015, 80% các tỉnh, thành phố có sàn giao dịch thương mại điện tử, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào thương mại điện tử là con số quá lớn, không khả thi; trong khi đó mục tiêu 30% các doanh nghiệp sử dụng các ứng dụng CNTT cơ bản lại là con số quá thấp… cần được Ban soạn thảo Đề án điều chỉnh lại.
Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho rằng, trong giai đoạn tới, về công tác tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức, Đề án cần xem xét giảm bớt số lượng hội nghị, hội thảo, tọa đàm và nên tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin điện tử và trên truyền hình để đông đảo các doanh nghiệp có thể nắm bắt, tiếp thu được thông tin. Về công tác điều tra, khảo sát hiện trạng và nhu cầu ứng dụng CNTT trong doanh nghiệp, Đề án cần tăng số lượng doanh nghiệp tham gia khảo sát (đề nghị ít nhất khoảng 5.000 doanh nghiệp) để tăng độ tin cậy của việc đánh giá.
Đại diện Bộ Công thương cho rằng, việc triển khai nhiệm vụ “Điều tra, khảo sát, nghiên cứu hiện trạng ứng dụng CNTT của doanh nghiệp” cần được tổ chức trên cơ sở phối hợp với các cuộc điều tra, khảo sát hiện có của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công thương và Hội Tin học Việt Nam nhằm tiết kiệm nguồn lực xã hội đồng thời đảm bảo sự nhất quán trong hệ thống chỉ tiêu, số liệu về CNTT và thương mại điện tử trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, theo đại diện của Bộ Công thương, mục tiêu “100% doanh nghiệp có trang thông tin điện tử” mà Đề án 191 giai đoạn 2011-2015 đặt ra là quá cao so với thực trạng ứng dụng CNTT của doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, đồng thời chênh lệch khá lớn với các mục tiêu của Kế hoạch tổng thể phát triển Thương mại điện tử giai đoạn 2011-2015 (Quyết định số 1073/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 12/7/2010).
Ý kiến từ đại diện Văn phòng Chính phủ cũng góp ý nên đưa ra chuẩn các gói phần mềm ứng dụng cho doanh nghiệp, phân chia ra từng nhóm ngành khác nhau.
Phát biểu tổng kết hội nghị, ông Phạm Gia Túc đánh giá cao những ý kiến đóng góp tâm huyết và thiết thực của các đại biểu. Trên cơ sở ý kiến góp ý của các đại biểu, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam sẽ nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện các nội dung của Đề án 191 giai đoạn 2011-2015, sau đó sẽ báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ đề nghị phê duyệt Đề án 191 giai đoạn 2011-2015.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.