(HNM) - Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Thầy thuốc ưu tú, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu điều trị cai nghiện ma túy bằng châm cứu (Bệnh viện Châm cứu trung ương) Nguyễn Văn Thủy cho biết, điều trị cai nghiện ma túy bằng châm cứu mang lại kết quả tích cực. Tiếc rằng, vì nhiều lý do, phương pháp này hiện chưa được nhiều người lựa chọn để điều trị cai nghiện.
- Ông có thể cho biết phương pháp hỗ trợ điều trị cai nghiện ma túy bằng châm cứu được triển khai ở nước ta từ bao giờ, ưu điểm nổi bật là gì?
- Hỗ trợ điều trị cai nghiện ma túy bằng châm cứu do Anh hùng Lao động, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Tài Thu nghiên cứu, chính thức áp dụng từ năm 2001 tại Bệnh viện Châm cứu trung ương, gắn liền với quá trình hình thành, phát triển của Trung tâm Nghiên cứu điều trị cai nghiện ma túy bằng châm cứu.
Khi được châm cứu, cơ thể người nghiện ma túy tự sản xuất ra lượng morphin nội sinh, làm giảm cơn nghiện cũng như các triệu chứng của người nghiện (ngáp, đau nhức, ảo giác, hoang tưởng…). Sau quá trình điều trị khoảng 10 ngày, bệnh nhân cơ bản không còn lên cơn thèm ma túy, lấy lại được cảm giác cân bằng, bắt đầu ăn ngon, ngủ ngon và tăng cân. Với những ưu điểm vượt trội, từ năm 2003, mô hình điều trị cai nghiện ma túy bằng châm cứu được Bộ Y tế ban hành hướng dẫn áp dụng thống nhất trên phạm vi cả nước tại Quyết định số 5467/2003/QĐ-BYT ngày 21-10-2003. Sau đó, nhiều tỉnh, thành phố đã áp dụng thí điểm mô hình hỗ trợ điều trị cai nghiện bằng châm cứu vào quá trình điều trị cai nghiện.
Theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu điều trị cai nghiện ma túy bằng châm cứu, số người điều trị bằng phương pháp đặc biệt này đã ngừng sử dụng ma túy từ 1 năm trở lên đạt tỷ lệ hơn 70%, trong đó không ít người đã tránh xa con đường lầm lỡ, làm lại cuộc đời.
- Hiệu quả của phương pháp hỗ trợ điều trị cai nghiện ma túy bằng châm cứu đã được khẳng định, vậy tại sao thời gian qua chưa được nhiều người lựa chọn để cai nghiện, thưa ông?
- Việc điều trị cai nghiện ma túy bằng châm cứu đòi hỏi người nghiện phải có bản lĩnh, quyết tâm để tự nguyện cai nghiện. Trong thời gian nhập viện, họ cần có người thân ở bên chăm sóc, động viên như bệnh nhân thông thường; phải chi trả 100% kinh phí điều trị. Trong khi đó, đa số gia đình có thành viên nghiện ma túy đều khó khăn, nên có những gia đình không đủ khả năng đưa người thân đi điều trị.
Về phía người nghiện ma túy, tâm lý phổ biến là họ muốn che giấu tình trạng nghiện, rất ít người tự nguyện đi cai, càng hiếm người sẵn sàng đến bệnh viện cùng người thân để điều trị, nhất là những người sử dụng ma túy tổng hợp. Điều này lý giải vì sao số bệnh nhân đến Trung tâm Nghiên cứu điều trị cai nghiện ma túy bằng châm cứu giảm dần, từ khoảng 300-400 lượt người/năm trong giai đoạn 2001-2015, xuống còn 100-200 lượt người/năm trong những năm gần đây.
- Theo ông, nhằm nâng cao hiệu quả hỗ trợ điều trị cai nghiện ma túy nói riêng, điều trị các bệnh bằng châm cứu nói chung, các bên liên quan nên làm gì?
- Chúng tôi luôn mong muốn các cơ quan chức năng và mỗi người dân trong cộng đồng quan tâm nhiều hơn đến người sử dụng ma túy, coi họ là bệnh nhân để có phương pháp hỗ trợ phù hợp. Với phương pháp điều trị bằng châm cứu, nhiều lần chúng tôi kiến nghị với các cơ quan chức năng xem xét hỗ trợ một phần kinh phí điều trị cai nghiện cho họ, tương tự như các mô hình điều trị cai nghiện khác, giúp người nghiện và gia đình người nghiện có thêm động lực, quyết tâm từ bỏ ma túy.
Ngoài ra, các gia đình nên dành sự quan tâm nhiều hơn đến người thân, động viên, khuyên nhủ người nghiện ma túy quyết tâm đi cai nghiện. Dù chọn cai nghiện tự nguyện theo hình thức nào, danh tính người nghiện cũng được giữ kín, nên bệnh nhân và gia đình có thể yên tâm.
Với người nghiện ma túy, mọi phương pháp điều trị chỉ mang tính hỗ trợ, nên không có cách nào cai nghiện tốt hơn là bản thân mỗi người có đủ bản lĩnh, ý chí quyết tâm từ bỏ ma túy.
Đội ngũ y, bác sĩ chúng tôi luôn tận tâm, tận tình chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân cai nghiện, đồng thời không ngừng nghiên cứu khoa học nhằm tìm ra các phương pháp điều trị mới, phù hợp với bệnh nhân sử dụng các loại ma túy tổng hợp trong giai đoạn hiện nay. Chúng tôi cũng sẵn sàng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm điều trị cai nghiện ma túy bằng châm cứu cho các cơ sở y tế.
- Từ kinh nghiệm hỗ trợ điều trị cai nghiện ma túy, ông có lời khuyên nào dành cho giới trẻ?
- Hiện nay, đa số người nghiện ma túy có tuổi đời còn khá trẻ, lại sử dụng ma túy tổng hợp, thậm chí sử dụng cùng lúc nhiều loại ma túy, nên hậu quả để lại rất nặng nề. Nguy cơ khiến giới trẻ vướng vào ma túy luôn tiềm ẩn, nên mỗi người hãy biết tự bảo vệ bản thân bằng cách chọn bạn tốt để chơi, chăm chỉ học tập, làm việc; tránh xa các tệ nạn xã hội...
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.