Theo dõi Báo Hànộimới trên

Họ mất đi nhưng tinh thần còn sống mãi

Miên Hạo| 06/04/2017 06:48

LTS: Hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, các cấp, ngành sẽ có nhiều hoạt động thiết thực, phát huy đạo lý


Từ số báo hôm nay (6-4-2017), Báo Hànộimới khởi đăng các bài viết mang chủ đề “Trọn nghĩa, vẹn tình”, viết về những tấm gương anh hùng, thương binh, liệt sĩ, những đổi thay ở các miền quê cách mạng, các hoạt động "đền ơn đáp nghĩa",... nhằm góp phần giáo dục truyền thống dân tộc, tri ân đối với người có công. Trân trọng kính mời độc giả đón đọc.

Họ mất đi nhưng tinh thần còn sống mãi

Nhắc đến những người hy sinh xương máu vì Tổ quốc, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Nước Việt Nam là gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột... Họ chết cho Tổ quốc sống mãi; vật chất họ mất nhưng tinh thần họ vẫn luôn sống với non sông Việt Nam”. Tinh thần ấy của Người vẫn đang được các thế hệ cháu con đời đời thấm sâu, tiếp nối.

Khám chữa bệnh cho người có công tại Trung tâm Nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công TP Hà Nội. Ảnh: Thái Hiền


“Cây có cội, nước có nguồn”

Sau Cách mạng Tháng Tám (1945), nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời chưa được bao lâu, thực dân Pháp lại bắt đầu nuôi ý định thôn tính Đông Dương bằng việc gây hấn ở nhiều địa phương trên khắp ba miền Bắc, Trung, Nam. Để hỗ trợ những gia đình có người hy sinh, Đảng và Nhà nước ta đã thành lập “Hội giúp binh sĩ tử nạn”, Chủ tịch Hồ Chí Minh là hội trưởng danh dự, nhằm kịp thời hành động, khắc phục những đau thương mất mát. Tháng 12-1946, chiến tranh lan rộng ra nhiều vùng. Số người bị thương và tử vong tiếp tục tăng nhanh, chưa kể đời sống của chiến sĩ, nhất là những người bị thương gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Trước tình cảnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 20/SL (16-2-1947), khẳng định vai trò, vị trí của công tác thương binh đối với công cuộc kháng chiến của dân tộc. Tháng 6-1947, đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Hội Phụ nữ cứu quốc, Cục Chính trị quân đội quốc gia Việt Nam, Nha Thông tin tuyên truyền đã họp tại Đại Từ (Thái Nguyên), triển khai Chỉ thị của Hồ Chủ tịch về việc chọn ngày kỷ niệm Thương binh - Liệt sĩ và bảo vệ công tác thương binh, liệt sĩ. 

Sau khi xem xét, Hội nghị đã nhất trí chọn ngày 27-7 hằng năm làm ngày Thương binh toàn quốc.

Ngày 27-7-1947, một cuộc mít tinh quan trọng đã được diễn ra tại Thái Nguyên (có 2.000 người tham gia). Tại đây Ban tổ chức đã trịnh trọng đọc thư của Hồ Chủ tịch. Trong thư Người viết: “... Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào, vì lợi ích của Tổ quốc, lợi ích của đồng bào mà các đồng chí đó bị ốm yếu...”. “... Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”. “... Thương binh và tử sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc, đã hy sinh cho đồng bào". “... Để báo đáp công ơn đó, Chính phủ phải tìm mọi cách để giúp đỡ anh em thương binh và gia đình tử sĩ". “... Tôi cũng rất mong muốn đồng bào sẵn sàng giúp đỡ họ về mặt vật chất và tinh thần...”.

Người đã gửi tặng một chiếc áo lụa, một tháng lương và một bữa ăn của nhân viên trong Phủ Chủ tịch. Từ năm 1947, ngày Thương binh toàn quốc được tổ chức thường kỳ hằng năm. Năm nào vào dịp này, Hồ Chủ tịch cũng có thư và quà gửi anh chị em thương binh và các gia đình liệt sĩ.

Năm 1955 Ngày Thương binh toàn quốc được đổi tên thành ngày Thương binh - Liệt sĩ, nhằm nhấn mạnh vai trò, ý nghĩa của nhiệm vụ giải quyết vấn đề chiến sĩ, gia đình liệt sĩ và công tác thương binh, khơi dậy đạo lý uống nước nhớ nguồn, tinh thần đền ơn đáp nghĩa trên cả nước. 

Và việc đền đáp một phần những cống hiến đó là nghĩa vụ, trách nhiệm, niềm vinh dự của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội, các tầng lớp nhân dân hôm nay cũng như mai sau như một cách ghi nhớ đạo lý “cây có cội, nước có nguồn”.

Tổ quốc ghi công

Mỗi năm, cứ đến ngày này, trên cả nước lại dấy lên nhiều việc làm thiết thực hướng tới các anh hùng liệt sĩ, thương bệnh binh, gia đình chính sách… như một lời khẳng định những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Cả nước hiện có 8,8 triệu người có công (NCC) với cách mạng, chiếm gần 10% tổng dân số, trong đó có hơn 100 nghìn bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng; gần 800 nghìn thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; hơn 1.300 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động thời kỳ kháng chiến; hơn 300 nghìn người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; gần 1,9 triệu NCC và hơn 4 triệu người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc; hàng chục nghìn thanh niên xung phong...

Với trách nhiệm và lòng biết ơn sâu sắc, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách đối với thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người và gia đình có công. Trung bình mỗi năm, Nhà nước dành khoảng 26 nghìn tỷ đồng để thực hiện các chế độ ưu đãi. NCC với cách mạng được hưởng các chính sách trợ cấp một lần hoặc trợ cấp hằng tháng, chế độ bảo hiểm y tế, điều dưỡng phục hồi sức khỏe, ưu đãi trong giáo dục, đào tạo, vay vốn, hỗ trợ cải thiện nhà ở… Cả nước hiện có 50 cơ sở nuôi dưỡng và điều dưỡng NCC, trung bình mỗi năm chăm sóc sức khỏe cho 300 nghìn lượt người. Ngoài ra, phong trào xây dựng Quỹ đền ơn, đáp nghĩa cũng được chú trọng, quan tâm, huy động mọi nguồn lực trong xã hội. Chỉ tính riêng trong 3 năm (2014 - 2016), cả nước đã huy động được 1,3 nghìn tỷ đồng cho nguồn quỹ nhân văn này; xây mới và sửa chữa gần 60 nghìn căn nhà, tặng gần 34 nghìn sổ tiết kiệm cho các đối tượng chính sách. Đến nay, hầu hết gia đình NCC với cách mạng đều có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình trong xã hội.

Cùng với việc chăm sóc, tri ân những người đang sống, việc xây dựng, tu bổ nghĩa trang, công trình tưởng niệm… cũng được Đảng và Nhà nước coi trọng. Công tác tìm kiếm, quy tập, xác định hài cốt liệt sĩ ngày càng thu được kết quả cao. 

Hội tụ đầy đủ ý nghĩa chính trị, đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc, Ngày Thương binh - Liệt sĩ đã đi vào lịch sử đất nước ta như thế! Tổ chức các hoạt động kỷ niệm hướng tới ngày lễ lớn này chính là dịp để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta tôn vinh và đền đáp công ơn những người ngã xuống hay hy sinh một phần xương máu của mình cho Tổ quốc trường tồn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Họ mất đi nhưng tinh thần còn sống mãi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.