Theo dõi Báo Hànộimới trên

Họ không đơn độc

Triệu Dương| 12/03/2011 04:15

(HNM) - Nụ cười lạc quan, tự tin của những người lao động Việt Nam từ Libya trở về khiến chúng tôi tin họ sẽ vượt qua những khó khăn về vật chất, tinh thần trong những ngày sắp tới bằng nỗ lực tự thân và sức mạnh cộng đồng. Và họ không hề đơn độc.

Nụ cười tự tin vào tương lai của những người vừa trở về từ Libya.


Nỗi lo ngày về

Chuyên cơ cuối cùng của Vietnam Airlines chở những người lao động từ vùng chiến sự Libya hồi hương đã để lại nhiều cảm xúc. Bên những giây phút mừng vui khi gặp lại người thân vẫn còn đó những giọt nước mắt của cả người vừa trở về lẫn gia đình của họ. Những người có mặt trên sân bay Nội Bài trong ngày 9-3 vừa qua không thể quên hình ảnh cảm động của gia đình anh công nhân Lâm Văn Tâm (36 tuổi) ở Thiệu Hóa, Thanh Hóa. Khi những hành khách cuối cùng của chuyên cơ VN 8675 làm thủ tục rời sân bay không có bóng dáng anh Tâm. Chờ mỏi mắt trong dòng người hồi hương, gia đình anh mới tìm được một người bạn cùng quê để hỏi thăm. Qua những thông tin rời rạc từ người bạn này, họ mới biết anh Tâm sẽ bay vào chuyến bay trong ngày của một hãng hàng không nước ngoài. Biết tin, nhiều người thân của anh Tâm đã không cầm được nước mắt.

Chị Lê Thị Hà, vợ anh Tâm cho biết, qua các phương tiện thông tin, gia đình chị mới biết có chuyến bay cuối cùng đón những lao động từ Libya về. Từ 22h hôm trước cả nhà đã góp nhặt một số tiền thuê xe taxi 7 chỗ chở vợ con và người chị gái từ Thanh Hóa ra Hà Nội, thay mặt họ tộc đón anh Tâm về. Xe chạy suốt đêm để kịp có mặt tại sân bay Nội Bài đúng giờ. Trao đổi với PV Báo Hànộimới, chị Hà và gia đình khẳng định sẽ chờ ở sân bay Nội Bài đến bao giờ đón được anh Tâm. Số tiền trang trải đi lại từ Thiệu Hóa đến Nội Bài đối với một gia đình thuần nông như chị Hà là quá lớn, nên họ đành ăn chực, nằm chờ ở sân bay.

Cũng như gia đình chị Hà, chị Nghiêm Thị Thủy ở Xuân Mai, Chương Mỹ, Hà Nội đến đợi từ sớm nhưng không đón được chồng là anh Cao Xuân Thủy trong những người trở về theo chuyên cơ VN 8675. Bên nỗi bồn chồn đón đợi là nỗi lo về khoản nợ để những người thân của họ được sang Libya làm công nhân. Gặng hỏi mãi, chị Thủy cho biết, số tiền nợ đó tuy là một gánh nặng với gia đình, nhưng trong những ngày qua, khi liên lạc được với anh Thủy, chị vẫn động viên anh vượt qua khó khăn trở về nhà đoàn tụ cùng vợ con. Còn chuyện nợ nần, cả hai vợ chồng sẽ cùng cố gắng lao động, tích góp trang trải dần.

Nỗ lực tự vươn lên
Cũng như gia đình anh Lâm Văn Tâm, anh Cao Xuân Thủy… hầu hết lao động Việt Nam sang Libya đều xuất thân từ những miền quê còn khó khăn và trong số đó có nhiều người sống ở vùng ngoại thành Hà Nội. Anh Phí Xuân Cường (SN 1960) quê ở Thạch Thất, Hà Nội vừa trở về từ Libya cho biết thời gian tới anh sẽ tập trung làm kinh tế vườn để trang trải nợ nần. Với anh, 4 tháng 3 ngày vừa qua trên đất nước Libya là những bài học lớn trong đời. Ngẫm lại, anh tâm sự không đâu bằng được quê hương mình, số tiền kiếm ra hằng tháng nuôi vợ nuôi con có kém chút ít nhưng hạnh phúc là mình được lao động trên chính mảnh đất bình yên ông cha để lại. Cùng tâm sự như anh Cường, người bạn cùng quê là anh Cấn Xuân Huề (SN 1960) cũng khẳng định, ở xứ người mới thấy được hết giá trị của hòa bình và hạnh phúc. Đồng tiền kiếm ra ở xứ người phải trả giá bằng những gian khổ, hiểm nguy, càng thấy giá trị mà những gì quê hương đã cho mình.

Ngay cả những người ít kinh nghiệm sống và tuổi đời còn non trẻ hơn hai anh Cường và Huề cũng có suy nghĩ tích cực. Hai anh Lê Văn Thành và Lê Văn Thực cùng sinh năm 1984 và cùng quê hương Nam Đàn, Nghệ An khẳng định, họ sẽ về quê xin làm công nhân ở những khu công nghiệp quanh vùng và sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, miễn là được lao động trên mảnh đất thân yêu của Tổ quốc. Nói về món nợ lên tới vài chục triệu đồng mà gia đình đang phải "gồng" lên tìm cách trả, hai chàng trai xứ Nghệ đều cười rất tươi, khẳng định: "Chúng em còn trẻ, tương lai còn tươi sáng lắm. Chỉ sợ nản chí thôi chứ còn sức lực, còn khát vọng là sẽ vượt qua tất cả!".

Khi thực hiện bài viết này, sáng 11-3 chúng tôi nhận được điện thoại của chị Hà từ quê vui mừng thông báo đã đón được anh Tâm trở về lành lặn và khỏe mạnh. Chị Hà cũng cho biết, vừa về đến nhà, chồng chị đã đôn đáo đi tìm việc làm để trang trải số tiền còn vay nợ để được xuất khẩu lao động sang Libya.

Bên họ là cả cộng đồng

Vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động về nước đã được Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Nguyễn Thị Kim Ngân thông báo ngay sau buổi họp báo tại sân bay Nội Bài. Theo đó, phía Bộ LĐ,TB&XH đã liên hệ với Tập đoàn Khang Thông, chủ đầu tư Dự án Happy Land và đã nhận được sự đồng ý tiếp nhận toàn bộ 10.000 lao động Việt Nam về từ Libya vào làm cho dự án. Với những người được nhận vào làm việc cho Happy Land, chủ dự án có thể bảo lãnh cả khoản vay nợ của người lao động để họ có thể yên tâm làm việc. Được biết, Dự án Happy Land đang đầu tư tại Long An, cách TP Hồ Chí Minh khoảng 50km, có vốn đầu tư 2 tỷ USD nên thu hút rất nhiều lao động, nhất là lao động ngành nghề xây dựng.

"Chúng tôi sẽ phổ biến cho tất cả lao động tại Libya và có trách nhiệm giới thiệu cho chủ lao động. Những ai không muốn làm việc cho dự án này thì sẽ chờ để đưa đi một thị trường khác" - Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định. Ban Chỉ đạo và Bộ LĐ,TB&XH sẽ nghiên cứu chính sách hỗ trợ lao động Libya về nước theo chính sách hiện hành, song quan điểm là không để lao động bị thiệt thòi, nhất là lao động nghèo đi XKLĐ.

Liên quan đến tình hình đồng bào ta ở Libya, Ban Chỉ đạo giải quyết tình hình công nhân Việt Nam tại Trung Đông và Bắc Phi của Chính phủ sẽ theo dõi tiếp, đồng thời cử cán bộ ở Tunisia để đề phòng có người lao động hoặc công dân Việt Nam nào còn kẹt lại thì sẽ tạo điều kiện đón về. Ngoài các phương án hỗ trợ người lao động của Chính phủ, lãnh đạo các địa phương cũng đã xây dựng kế hoạch, cử cán bộ đến từng gia đình có người thân từ Libya trở về để động viên, thăm hỏi kịp thời, đồng thời tiến hành tổng hợp, phân loại đối tượng lao động để có phương án hỗ trợ. Một số nơi đã đề nghị các ngân hàng khoanh nợ cho người lao động; đề xuất các công ty đóng trên địa bàn trực tiếp ký hợp đồng với lao động, hỗ trợ đào tạo nghề để giúp họ sớm có cuộc sống ổn định.

(Tiếp theo số báo ra ngày 11-3-2011).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Họ không đơn độc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.