Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hờ hững với điểm kém

Thanh Phong| 09/10/2011 08:06

(HNM) - Chấm điểm là hình thức đánh giá của thầy giáo, cô giáo cho việc học tập của học sinh (HS). Thế nhưng, không ít HS hiện nay hững hờ với những điểm kém của mình. Chúng ta hãy cùng lắng nghe ý kiến của các em và các bậc phụ huynh về vấn đề này nhé.


Em Đinh Phương Lan, lớp 9, Trường THCS Yên Viên
- Em rất sợ bị điểm kém bởi vì rất xấu hổ với bạn bè, thầy cô. Mang bài kiểm tra điểm kém về nhà, thế nào bố mẹ em cũng sẽ mắng cho một trận. Vì vậy, hôm nào làm bài kiểm tra không được, em về nhà ăn không ngon, ngủ không yên. Đầu óc lúc nào cũng nghĩ đến những chỗ làm sai và lo lắng vô cùng. Ấy vậy mà một số bạn nam lớp em lại chẳng bao giờ quan tâm đến điểm kém, kể cả có bị ăn "trứng vịt". Hỏi ra mới biết, bố mẹ các bạn ấy bận rộn chẳng bao giờ quan tâm đến việc học tập của con. Hơn nữa, nhiều bạn ăn nhiều "trứng vịt" quen rồi và đằng nào cuối năm thầy cô giáo chả cố "vớt" cho đủ điểm lên lớp nên các bạn rất vô tư.

Em Hoàng Văn Long, lớp 10, Trường THPT Tân Lập
- Với những môn chính như văn, toán, Anh nếu bị điểm kém, em rất lo lắng. Có lần bị điểm 2 môn toán, em buồn đến cả tuần, phải cố gắng xung phong phát biểu để gỡ lại điểm. Nhưng với môn phụ, hoặc các môn học không xét theo thang điểm 10 như nhạc, họa, thể dục… thì em chẳng quan tâm lắm. Vì bố mẹ em bảo chỉ cần học giỏi các môn chính là được. Ở lớp em, nhiều bạn cũng có tâm lý như vậy nên giờ kiểm tra môn phụ rất ít bạn chịu khó ôn và làm bài nghiêm túc. Cuối năm, nếu có môn nào điểm thấp không được xếp loại học sinh giỏi hay tiên tiến thì chỉ việc đi "xin điểm" là được.

Chị Nguyễn Tuyết Lan, phụ huynh học sinh, Hà Nội
- Như mọi phụ huynh khác, tôi rất quan tâm đến điểm số của con cái mình. Qua điểm số, tôi sẽ biết được tình hình học tập của con, biết con yếu môn nào, học tốt môn nào. Nếu xuất hiện quá nhiều điểm kém chứng tỏ con đang học hành sa sút và rất cần cha mẹ nhắc nhở. Chưa kể đến việc thường xuyên có những điểm xấu dễ khiến trẻ cảm thấy chán nản việc học. Khi đã quen dần, nó dễ khiến các con buông xuôi hẳn và dần cảm thấy "chai lì", bỏ mặc việc học hành.

Tuy nhiên, nên tránh việc mắng nhiếc hay đánh con vì điểm kém, bởi như thế các cháu sẽ càng lo lắng, suy sụp tinh thần, khó tập trung học. Mỗi khi trẻ bị điểm kém, chúng ta cần dạy trẻ ý thức được lỗi sai của mình, biết phấn đấu học tập để gỡ lại điểm. Việc coi thường những điểm xấu môn phụ là một thói quen rất nguy hiểm vì những điểm kém sẽ khiến kết quả học cuối năm của HS xấu đi. Tôi rất buồn khi nghe các cháu kể về chuyện "xin điểm" môn phụ hay thầy giáo, cô giáo cố tình "vớt vát" điểm số để cuối năm có đủ số HS lên lớp hay đạt loại giỏi, bởi lẽ việc chạy theo thành tích như vậy chính là nguyên nhân khiến cho HS ngày càng coi thường chuyện điểm số.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hờ hững với điểm kém

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.