Theo dõi Báo Hànộimới trên

Họ đã khởi nguồn - Họ vẫn dẫn đầu

Tống Ngọc Thanh| 19/12/2010 07:05

LTS: 50 năm, một nửa thế kỷ. 50 năm dài ngắn, tùy vào những gì xảy ra trong thời gian đó. Có những thời trăm năm trôi qua chẳng để lại gì. Có những thời

Loạt bài về những điển hình khởi đầu cho phong trào thi đua với HTX Nông nghiệp Đại Phong, Trường cấp 3 Bắc Lý, Nhà máy Cơ khí Duyên Hải và đơn vị quân đội đi đầu trong phong trào Ba Nhất sẽ cho thấy một chân lý đơn giản: Ai đứng lên từ chính đôi chân mình, sẽ không dễ dàng gục ngã.

Và vì thế, Hànộimới đăng loạt bài ghi chép hướng tới Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII "Họ đã khởi nguồn - Họ vẫn dẫn đầu".

Tinh thần yêu nước của người Việt chúng ta từ hàng nghìn năm trước, tới nay (và mai sau) vẫn mãi rực sáng trong tâm hồn người Việt.

Phong trào “Gió Đại Phong” được nông dân cả nước hưởng ứng. Ảnh Tư Liệu

Bài 1: Đại Phong - Gió lớn bắt đầu
Theo lời bài hát có từ hồi tôi ra đời "Quảng Bình quê ta ơi", chúng tôi tìm về HTX Nông nghiệp Đại Phong - một trong 4 đơn vị tạo nên cả phong trào thi đua rộng lớn, xuyên suốt thế kỷ: Gió Đại Phong, Sóng Duyên Hải, Cờ Ba Nhất, Trống Bắc Lý...

Trời không phụ người có tâm, nhóm phóng viên Hànộimới về xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình vào đúng ngày HTX Đại Phong tổ chức Đại hội xã viên, nhiệm kỳ 2010-2015. Vốn là những người suốt ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho giời”, ấy vậy mà tới dự đại hội, các xã viên “đóng củ” chỉnh tề, nét mặt người nào, người nấy rạng rỡ, tự tin. Ông Nguyễn Cao Khôi, Chủ tịch UBND xã Phong Thủy nắm tay tôi thân mật: Bà con xã viên của Đại Phong mấy chục năm qua vẫn thế, họ coi HTX là ngôi nhà chung. Lát nữa đến phần lấy biểu quyết của xã viên, các anh thấy cả hội trường sẽ rộn vang hai từ “ nhất trí”. Nói rồi, ông Khôi dẫn tôi đến gặp ông Đặng Ngọc Đính, nguyên Chủ nhiệm HTX Đại Phong (thời kỳ 1964-1969). Ông Đính là người duy nhất rất rành lịch sử, những bước đi thăng trầm của HTX Đại Phong từ buổi sơ khai đến tận bây giờ. Gần 85 tuổi, 60 năm tuổi Đảng, cụ Đính vẫn minh mẫn dù bước chân đã chậm, giọng nói đã run. Tôi nắm bàn tay nhăn nheo, chai sạn của cụ Đính và rồi câu chuyện về phong trào thi đua “Gió Đại Phong, Sóng Duyên Hải, Cờ Ba Nhất, Trống Bắc Lý” hiện về trong ký ức.

Ông Đặng Ngọc Đính giới thiệu lá cờ thi đua do Chính phủ trao tặng.

Ngày ấy, làng Đại Phong (nay là làng Đại Phúc Lộc) nghèo lắm, tới mức người dân không có nổi bát cơm để ăn trong ngày. Đói không phải do bà con lười lao động mà do vị trí địa lý và kết cấu thổ nhưỡng ở đây quá khắc nghiệt. Đồng ruộng của Đại Phong thấp hơn so với mặt biển 0,8 mét nên chưa mưa đã úng, chưa nắng đã hạn. Tiếng là vựa lúa của huyện Lệ Thủy nhưng Đại Phong mất mùa quanh năm. Muốn xóa cái đói, giảm cái nghèo, chỉ còn cách phải tập trung sức dân đắp đê, ngăn đập. Với vài ba chục người chẳng làm nên cơm cháo gì, nghĩ vậy, Đảng bộ xã Phong Thủy thống nhất sáp nhập 3 HTX đang hoạt động đơn lẻ (Trần Phú, Lệ Phong và HTX 6) thành HTX mới với tên gọi Đại Phong. Sau ngày hợp nhất, Ban Quản trị bắt tay ngay vào việc dồn điền, đổi thửa, khoanh vùng thủy lợi “nghiêng đồng đổ nước ra sông”. Chỉ sau một năm cải tạo đồng áng, sản lượng lương thực của Đại Phong tăng từ 650 kg/khẩu lên 880 kg/khẩu. Từ chỗ đất canh tác của xã viên Đại Phong chỉ đạt 2 sào/người (năm 1960) thì đến năm 1961, con số này đã lên tới 7 sào/người. Bình quân mỗi hộ nuôi 2 con lợn thịt, trang trại của HTX có 5.000 con vịt đẻ trứng.

So với thời buổi kỹ thuật hiện đại như ngày nay, thành tích trên chẳng thấp tháp gì nhưng với ngày đó, Đại Phong nổi như cồn, vang danh khắp ba miền. Đầu năm 1961, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương về thăm mô hình Đại Phong. Trong cái lạnh tê tái, Đại tướng đến từng nương mạ, từng khu chăn nuôi để động viên bà con. Sau chuyến thực tế này, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh có Báo cáo gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 11-1-1961, Bác Hồ có bài viết “Một HTX gương mẫu” với bút danh Trần Lực, đăng trên Báo Nhân Dân. Trong bài viết có đoạn: “Trong khoảng 3 năm, từ một HTX nhỏ có 23 hộ nghèo khó phát triển đến 445 hộ, sinh hoạt ngang với mức trung nông và đang có đà tiến lên nữa. Có kết quả đó
là vì: Họ tin tưởng vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng. Họ không sợ khó, sợ khổ, họ khéo tổ chức, họ đoàn kết chặt chẽ, họ quyết tâm phấn đấu để đi lên”.

Sau khi có bài báo này, cả nước dấy lên phong trào thi đua, tất thảy hơn 4 vạn HTX nông nghiệp của cả nước học tập gương sáng Đại Phong. Ngày 20-3-1961, Bác Hồ gửi tặng bà con xã viên Đại Phong một chiếc máy kéo, nhãn hiệu DT 54. Chiếc xe này do Đoàn Thanh niên cộng sản Cômxômôn Lênin tặng Bác. Chiếc máy kéo vừa là phương tiện sản xuất vừa là nguồn động viên lớn lao giúp bà con xã viên Đại Phong phấn đấu nhanh hơn, nhiều hơn. Quả nhiên, nhờ chiếc máy kéo này, chỉ sau một năm, Đại Phong đã vỡ hoang thêm 200ha trồng màu và cây công nghiệp ngắn ngày. Với những thành tích đáng tự hào, tại Đại hội Chiến sỹ thi đua toàn quốc năm 1962, HTX Nông nghiệp Đại Phong được Hội đồng Chính phủ tặng thưởng Cờ thi đua và Huân chương Lao động hạng Nhất. Kỳ tích của HTX Đại Phong ngày càng vang xa, lan rộng. Trong năm 1962, HTX đón 32 đoàn khách quốc tế, 480 chủ nhiệm HTX trên địa bàn cả nước về Đại Phong học tập kinh nghiệm...

Nâng niu lá cờ thi đua đã bạc màu thời gian, cụ Đính nhắc lại lời bài hát “Quảng Bình quê ta ơi” của nhạc sỹ Hoàng Vân, vẻ tự hào: Có ai về Đại Phong, xin vô ghé thăm vùng Bến Tiến, tay cuốc khai hoang đã đẩy lùi quá khứ nghèo nàn...

Ông Đính dứt lời, ông Chủ tịch xã Phong Thủy nói một cách hào hứng: Gió Đại Phong thuở ban đầu là thế. Lát tôi sẽ kể nhà báo nghe chuyện HTX Đại Phong trong chiến tranh và thời kỳ đổi mới. 

Kỳ sau: Gió Đại Phong không ngừng thổi
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Họ đã khởi nguồn - Họ vẫn dẫn đầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.