Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hình thức cai nghiện tự nguyện: Tạo những chuyển biến tích cực

Hiền Phương| 30/07/2016 07:01

(HNM) - Từ 1-1-2015, TP Hà Nội áp dụng hình thức cai nghiện tự nguyện tại trung tâm bằng việc chuyển đổi mục đích hoạt động của các trung tâm chữa bệnh, giáo dục, lao động xã hội thành cơ sở điều trị ma túy tự nguyện. Sau hơn 18 tháng triển khai, hình thức này đã tạo những chuyển biến tích cực.

Một bệnh nhân được hỗ trợ cai nghiện tại Trung tâm Tư vấn và Cai nghiện ma túy.


Từ ngày Trung tâm Quản lý sau cai nghiện số I của thành phố chuyển đổi thành Cơ sở đa chức năng Tiếp nhận đối tượng nam giới vào điều trị tự nguyện, bắt buộc, sau cai, lưu trú tạm thời đến nay được hơn 18 tháng, cơ sở này đã đón hơn 700 học viên vào cai nghiện tự nguyện. Bà Vũ An Khanh, Phó Giám đốc cơ sở cho biết: “Để phục vụ tốt nhất cho công tác cai nghiện, chúng tôi đã chuẩn bị đồng bộ về cơ sở vật chất, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả tiếp nhận và cai nghiện cho bệnh nhân. Cùng với những chính sách ưu tiên, thủ tục đơn giản trong quá trình tiếp nhận học viên đến cai nghiện tự nguyện luôn có sự thống nhất giữa gia đình và trung tâm bằng những hợp đồng chữa bệnh”.

Học viên điều trị cai nghiện ma túy tự nguyện Nguyễn Phúc Tân cho biết: “Qua sự tư vấn, hỗ trợ, động viên của địa phương và gia đình, tôi đã biết đến mô hình điều trị ma túy tại đây và tự nguyện đăng ký tham gia cai nghiện 6 tháng. Sau hơn 3 tháng điều trị, tôi thấy sức khỏe ổn định và tinh thần thoải mái hơn. Cách quản lý của cán bộ cũng rất linh hoạt, không còn gò bó như ngày trước nên tạo cho học viên cảm giác thoải mái”. Còn học viên Nguyễn Văn Khôi cho biết: “Đầu tiên vào cai nghiện chúng tôi được thăm khám sức khỏe, được lao động phù hợp với khả năng nên tâm trạng ai cũng rất thoải mái. Riêng việc được thành phố hỗ trợ kinh phí nên mọi người hăng hái đăng ký đi cai, bởi đa số gia đình chúng tôi đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn”.

Hơn một năm nay, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội đã chuyển đổi Trung tâm Chữa bệnh, giáo dục, lao động xã hội số V thành Cơ sở điều trị tự nguyện; Trung tâm Chữa bệnh, giáo dục, lao động xã hội số II thành Cơ sở đa chức năng Tiếp nhận đối tượng nữ giới vào điều trị tự nguyện, bắt buộc, lưu trú, sau cai nghiện; Trung tâm Chữa bệnh, giáo dục, lao động xã hội số I, số IV, Trung tâm Quản lý sau cai nghiện ma túy số I thành Cơ sở đa chức năng Tiếp nhận đối tượng nam giới vào điều trị tự nguyện, bắt buộc sau cai, lưu trú tạm thời… Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội Hoàng Thành Thái cho biết: Cùng với việc chuyển đổi chức năng, nhiệm vụ của các trung tâm, thủ tục hành chính tiếp nhận đối tượng vào điều trị cũng được đơn giản, các liệu trình điều trị chuẩn hóa, áp dụng cơ chế thời gian điều trị nội trú linh hoạt. Cở sở điều trị tự nguyện xây dựng môi trường thân thiện, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người vào điều trị.

Thành phố hỗ trợ tiền ăn, tiền thuốc, tư trang cá nhân cho người vào điều trị tự nguyện, mức hỗ trợ này tương đương như hỗ trợ cho cai nghiện bắt buộc để bảo đảm những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn vẫn có thể được điều trị. Sau 18 tháng triển khai cai nghiện theo mô hình tự nguyện, các cơ sở điều trị tự nguyện đã tiếp nhận và điều trị cho hơn 3.000 người vào cai nghiện ma túy tự nguyện và 135 người điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone.

Bên cạnh những kết quả đạt được, mô hình chuyển đổi cai nghiện tự nguyện cũng gặp một số khó khăn như còn thiếu cơ sở pháp lý khi triển khai thực hiện, đặc biệt là cơ chế, chính sách bảo đảm cho hoạt động này. Đa số người nghiện ma túy vào cơ sở điều trị tự nguyện sức khỏe yếu, cần điều trị dài ngày trong khi sự phối hợp về kinh phí và tham gia chăm sóc tại bệnh viện của gia đình rất hạn chế...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hình thức cai nghiện tự nguyện: Tạo những chuyển biến tích cực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.