(HNM) - Đông Anh là một trong những huyện chịu tác động lớn của quá trình đô thị hóa, nhiều diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi phục vụ các dự án phát triển đô thị, công nghiệp… phần nào ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, đời sống nông dân.
Dù vậy, Đông Anh xác định, nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành những vùng sản xuất nông sản hàng hóa chất lượng cao là định hướng trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) tại huyện.
Mô hình lúa nếp cái hoa vàng chất lượng cao tại xã Liên Hà, huyện Đông Anh. |
Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao đời sống người dân, Kim Nỗ là một trong những xã có nhiều chuyển biến tích cực nhất của huyện Đông Anh. Theo ông Nguyễn Duy Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Nỗ, trước kia nông dân ở đây sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do ruộng đất manh mún, thói quen sản xuất lạc hậu, thu nhập thấp và bấp bênh. Kim Nỗ hiện có 4 thôn Thọ Đa, Đoài, Bắc và thôn Đông với 2.633 hộ dân, đời sống chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp. Từ khi có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xã đã tích cực vận động bà con dồn điền đổi thửa, quy hoạch vùng sản xuất, phát triển cây con phù hợp với điều kiện đồng đất. Đến nay, trên địa bàn xã có gần 60ha diện tích chuyển đổi, trong đó có 31,5ha trồng rau màu, 15ha cây cảnh, cây ăn quả và 10,8ha thủy sản… đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp 3-10 lần so với trồng lúa. Anh Nguyễn Đức Lập, thôn Đoài, chủ trang trại chăn nuôi gà tại Kim Nỗ cho biết: Thực hiện chủ trương của xã, gia đình đã mạnh dạn đầu tư phát triển trang trại nuôi gà. Năm 2012, anh vay ngân hàng gần một tỷ đồng đầu tư 6 máy ấp trứng với công suất 19.000-20.000 quả/ngày, nuôi hơn 8.000 con gà siêu trứng trên diện tích hơn 1.000m2. Hiện, bình quân mỗi lứa, anh xuất bán 5.000 cặp gà giống với giá bán trung bình từ 14.000-15.000 đồng/con, trừ chi phí anh thu lãi 500-600 triệu đồng/năm.
Để tạo tiền đề cho các xã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong những năm qua, huyện Đông Anh đã đẩy mạnh dồn điền đổi thửa để đưa cơ giới hóa, giống cây, con chất lượng cao vào sản xuất. Ông Hà Văn Khanh, Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh cho biết: Đến nay, các xã đã dồn được trên 558,12ha, trong đó có 2 xã đã cơ bản hoàn thành với 428,48ha; 3 xã dồn được 129ha. Đông Anh quyết tâm trong năm 2013 sẽ hoàn thành dồn điền đổi thửa tại các xã còn lại. Sau khi dồn điền đổi thửa, qua thực tế sản xuất, nông dân rất phấn khởi và tin tưởng theo chủ trương của thành phố và huyện. Từ đây, nhiều vùng sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả đã chuyển sang các mô hình phù hợp. Từ năm 2009 đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi 1.230,9ha. Trong đó chuyển từ diện tích lúa sang cây rau là 551,4ha; sang cây trồng ăn quả 288,7ha; chuyển sang hoa cây cảnh 268,9ha; thủy sản 121,9ha. Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, đến nay Đông Anh đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa lớn tập trung như vùng rau an toàn tại các xã Nam Hồng, Vân Nội, Tiên Dương, Nguyên Khê… với 787ha; vùng hoa, cây cảnh tại các xã Uy Nỗ, Nam Hồng, Tiên Dương… với diện tích 527ha; vùng cây ăn quả tập trung tại các xã Bắc Hồng, Đại Mạch, Hải Bối… với diện tích 361,2ha; vùng sản xuất lúa nếp cái hoa vàng tại các xã Thụy Lâm, Liên Hà, Xuân Nộn, Việt Hùng với diện tích trên 628ha. Đây cũng là một trong những huyện có số lượng gia súc, gia cầm đứng thứ ba toàn thành phố. Hiện tổng đàn lợn toàn huyện là 67.000 con với 11.250 hộ chăn nuôi; đàn trâu bò 5.345 con với 3.773 hộ; đàn gia cầm, thủy cầm trên 2,2 triệu con với 15.521 hộ chăn nuôi. Nhiều hộ đã chuyển sang mô hình chăn nuôi tập trung xa khu dân cư theo hướng công nghiệp. Toàn huyện hiện có 179 trang trại đã được phê duyệt và 347 mô hình sản xuất dưới hình thức trang trại chưa được phê duyệt. Đặc biệt, để giúp nông dân nâng cao hiệu quả từ các mô hình sản xuất, UBND huyện đã tích cực đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Đến nay, toàn huyện có 381 máy làm đất, 25 máy gặt đập liên hợp, 107 máy tuốt lúa. Ngoài ra, huyện còn đầu tư, hỗ trợ kinh phí để tiếp thu các giống cây trồng mới vào sản xuất đại trà như giống ngô lai cho năng suất cao, giống khoai tây sạch bệnh. Các loại rau cao cấp, chất lượng như súp lơ, cà chua, dưa chuột bao tử; các giống cây ăn quả như chuối tiêu hồng nuôi cấy mô, thanh long, bưởi Diễn…
Ông Phạm Văn Châm, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh cho biết, trong giai đoạn 2010-2015, huyện Đông Anh chọn 12 xã hoàn thành xây dựng NTM, trong đó các xã Nam Hồng, Xuân Nộn, Mai Lâm đang được huyện dồn sức đầu tư và kỳ vọng sẽ về đích vào cuối năm 2013. Nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các giống mới vào sản xuất, đến nay, hầu hết các xã đã đạt từ 12 tiêu chí trở lên, nhiều xã đạt 16 tiêu chí.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.