Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hình thành kho dữ liệu số quốc gia từ “tài nguyên” số liệu thống kê

Tiến Thành| 25/10/2021 17:33

(HNMO) - Chiều 25-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ hai, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận.

Đề xuất bổ sung một số chỉ tiêu thống kê

Thảo luận về dự án luật, đa số các đại biểu bày tỏ sự tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê nhằm phản ánh khách quan, chính xác, kịp thời, đầy đủ, thống nhất, phục vụ Đảng, Nhà nước trong hoạch định đường lối, chính sách và điều hành phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy (Đoàn Bình Định) thảo luận trực tuyến.

Theo các đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy (Đoàn Bình Định), Lý Thị Lan (Đoàn Hà Giang), hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu thống kê bao quát các lĩnh vực, xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê đối với vùng. Bên cạnh ủng hộ bổ sung quy định định kỳ 5 năm rà soát về việc đánh giá lại quy mô tổng sản phẩm trong nước (GDP) báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội, các đại biểu cho rằng cần định kỳ 5 năm rà soát quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (GRDP).

“Tôi đề nghị quy định thống nhất quy định thời điểm công bố số liệu thống kê hằng năm nhằm bảo đảm xác thực và chính xác nhất, phục vụ công tác phát triển kinh tế - xã hội”, đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy nói.

Đại biểu Dương Văn Phước (Đoàn Quảng Nam) thảo luận trực tuyến.

Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội đã đề nghị bổ sung một số chỉ tiêu trong Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia. Đại biểu Dương Văn Phước (Đoàn Quảng Nam) cho rằng, công tác thống kê trong thời gian qua đã bộc lộ bất cập, dữ liệu vênh nhau không chính xác giữa các lần báo cáo, chưa bao quát được hết ngành, lĩnh vực mới, ứng dụng công nghệ thông tin vào thống kê chưa phát triển, ảnh hưởng đến chất lượng thống kê.

Trong Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia, đại biểu đề nghị trong nhóm chỉ tiêu về đất đai cần bổ sung chỉ tiêu quốc gia về đất ở và đất sản xuất; bổ sung thống kê tỷ lệ nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp bình quân đáp ứng ra sao yêu cầu của người dân...

Một số đại biểu khác quan tâm đến chỉ tiêu thống kê thuộc nhóm lao động, việc làm và bình đẳng giới trong Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia. Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Đoàn Lâm Đồng) đề nghị bổ sung chỉ tiêu tỷ lệ nữ tham gia việc làm bền vững bên cạnh các chỉ tiêu tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy Đảng, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, HĐND...

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Đoàn Thừa Thiên - Huế) đề nghị bổ sung chỉ tiêu nữ lãnh đạo các cơ quan doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, các tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp...

Còn đại biểu Ma Thị Thúy (Đoàn Tuyên Quang) cho rằng xem xét bổ sung chỉ tiêu tỷ lệ lao động trong ngành nông nghiệp để thống nhất với quan điểm của được nêu trong nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới....

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) phát biểu thảo luận tại hội trường Diên Hồng (Nhà Quốc hội).

Thống kê phải “đi trước” trong chuyển đổi số

Thảo luận về dự án luật, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) nhấn mạnh số liệu thống kê rất quan trọng, không chỉ là những con số mà còn là nguồn tài nguyên quý, một “mỏ vàng lộ thiên”. Đại biểu kỳ vọng lần sửa đổi bổ sung Luật Thống kê này sẽ luật hóa việc kê khai, cung cấp thông tin thống kê bằng công nghệ số để hình thành kho dữ liệu quốc gia về tất cả thông tin kinh tế - xã hội.

“Đây là tiền đề để chuyển đổi số quốc gia, là điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế số”, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng dự thảo luật vẫn thực hiện các phương thức thu thập thống kê như trước đây, chỉ tập trung vào thay đổi các chỉ tiêu thống kê từ 186 chỉ tiêu lên 222 chỉ tiêu. Nếu duy trì phương thức thống kê như cũ, cơ quan thống kê khó thực hiện được trước yêu cầu dữ liệu của các bộ, ngành.

“Thay đổi Luật Thống kê thì phải sửa đổi một cách căn bản, không chỉ dừng lại ở việc sửa đổi các chỉ tiêu thống kê mà phải thay đổi từ phương thức thu thập thông tin, sử dụng công nghệ số hóa, từ đó hình thành nên kho dữ liệu thống kê. Ngành Thống kê không đi đầu trong chuyển đổi số thì không thể nào các lĩnh vực khác có thể chuyển đổi số được”, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Giải trình về một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, đối với việc bổ sung, tách nhập các chỉ tiêu trong Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong quá trình xây dựng luật, cơ quan soạn thảo đã rà soát kỹ về các chỉ tiêu.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định cần tiếp tục nghiên cứu để bảo đảm các chỉ tiêu ban hành được thực hiện một cách tốt nhất trên cơ sở 5 nguyên tắc, gồm: Chỉ tiêu có tính chất quốc gia; sự cần thiết và tính cấp bách; khả năng thực hiện; nguồn lực thực hiện và tình hình thực tế cũng như thông lệ quốc tế.

“Về tăng cường công nghệ thông tin trong hoạt động thống kê, chúng tôi sẽ cố gắng mức độ cao nhất, sử dụng triệt để ứng dụng công nghệ, bảo đảm rút ngắn thời gian, chính xác với chi phí thấp nhất”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tiếp thu ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải thông tin, có 25 đại biểu phát biểu thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê. Qua thảo luận, đa số ý kiến thống nhất phạm vi sửa đổi, tên gọi của luật, nhưng một số ý kiến đề nghị sửa đổi toàn diện luật trên cơ sở nền tảng kinh tế số, quản lý dữ liệu số và công nghệ thông tin...

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra nghiên cứu tiếp thu đầy đủ các ý kiến của đại biểu để hoàn chỉnh dự án luật trình Quốc hội xem xét, thông qua”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hình thành kho dữ liệu số quốc gia từ “tài nguyên” số liệu thống kê

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.