Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hình thành các vùng sản xuất hàng hóa

Đào Huyền| 28/10/2011 07:12

(HNM) - Việc mở rộng địa giới hành chính tạo cho Hà Nội rất nhiều lợi thế để phát triển toàn diện ngành nông nghiệp (NN). Tuy nhiên, cơ cấu kinh tế trong NN Thủ đô chuyển dịch còn chậm, chưa đồng đều, kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất chưa theo kịp tốc độ tăng trưởng kinh tế...


Mới đây UBND TP Hà Nội đã làm việc với các cơ quan chức năng thống nhất quy hoạch tổng thể phát triển NN Thủ đô đến năm 2020 theo hướng hiện đại, gắn với đô thị sinh thái, sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao.


Chăm sóc hoa hồng tại xã Tây Tựu (huyện Từ Liêm).  Ảnh: Phương An

Coi trọng chất lượng tăng trưởng

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt, quy hoạch phát triển NN Thủ đô phải được xây dựng trên cơ sở phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội TP đến năm 2020. Hướng phát triển NN Hà Nội là gắn kết chặt chẽ với công nghiệp chế biến, thị trường tiêu thụ và các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, du lịch nông thôn, du lịch sinh thái, du lịch làng nghề… Đặc biệt, việc hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung chuyên canh với quy mô phù hợp và xây dựng các cơ sở chăn nuôi, giết mổ gia súc tập trung. Phấn đấu là địa phương đi đầu trong cả nước về xây dựng nông thôn mới, Hà Nội sẽ đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu lao động trong NN và nông thôn, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa với trình độ kỹ thuật và công nghệ ngày càng tiên tiến. Giám đốc Sở NN&PTNT Hoàng Thanh Vân cho biết, định hướng phát triển NN Hà Nội sẽ lấy tiêu chí phát triển bền vững làm trọng tâm, sẽ không chạy theo tốc độ tăng trưởng mà coi trọng chất lượng của sự tăng trưởng.

Dựa theo những tiêu chí trên, ngành NN sẽ bố trí các vùng sản xuất nông sản hàng hóa theo thế mạnh riêng. Vùng sản xuất rau đậu thực phẩm, rau an toàn, rau cao cấp sẽ được tập trung phát triển ở Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn và các khu vực ven sông Đáy, bãi sông Hồng thuộc các huyện Phúc Phọ, Đan Phượng, Hoài Đức, Chương Mỹ... Vùng hoa, cây cảnh sẽ tập trung phát triển ở các huyện Mê Linh, Từ Liêm, Gia Lâm, Đan Phượng, Thường Tín với diện tích trồng hoa cây cảnh đến năm 2020 đạt khoảng 10-12 nghìn hécta. Bố trí vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao tập trung với quy mô khoảng 40 nghìn hécta đất canh tác, tập trung chủ yếu ở Ứng Hòa, Phú Xuyên, Thanh Oai, Ba Vì, Mỹ Đức… Đặc biệt các vùng cây ăn quả, tập trung đầu tư phát triển loại quả đặc sản để củng cố và nâng cao thương hiệu sản phẩm trên thị trường như cam Canh, bưởi Diễn, nhãn chín muộn ở những vùng đồi gò. Tập trung chăn nuôi bò thịt thương phẩm tại các huyện vùng đồi gò, bò sữa tại Ba Vì. Các vùng đất trũng sẽ được bố trí phát triển thủy sản.

Tổ chức lại quy hoạch và sản xuất

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Hoàng Thanh Vân cho biết, giải pháp cấp bách hiện nay là phải tổ chức lại sản xuất, quy hoạch để hình thành các vùng sản xuất tập trung loại sản phẩm có giá trị. Cần tạo sự tập trung chuyên canh những nông sản mũi nhọn, đồng thời tạo điều kiện đa canh trong nhóm nông sản nhằm khai thác tận dụng mọi lợi thế, hỗ trợ lẫn nhau, bảo đảm cho sự ổn định bền vững ngành NN. Các địa phương cần chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng, từ lúa sang rau, hoa, cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản. Giai đoạn 2010-2020 dự kiến chuyển đổi khoảng 4.000-5.000ha đất lúa vùng thấp trũng sang nuôi trồng thủy sản tập trung; chuyển 650ha trồng lúa khó khăn về nước tưới sang trồng cây lâu năm; chuyển 1.010ha đất lúa sang đất trồng cây hằng năm như rau màu, cỏ chăn nuôi; chuyển đổi khoảng 1.000ha hiện đang trồng sắn và đất trồng màu khu vực vùng bãi sang trồng cây ăn quả... Tránh tình trạng sản xuất tràn lan, không hiệu quả, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng, vật nuôi, các tiến bộ trong canh tác, bảo quản nông sản, tiến bộ trong công tác tổ chức điều hành sẽ được chú ý đặc biệt. Để nông dân không phải "tự bơi" khi tiêu thụ sản phẩm. TP Hà Nội sẽ đầu tư nâng cao năng lực dự báo thị trường, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, khuyến khích, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, thực hiện tốt chương trình "Liên kết 4 nhà" tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng, ổn định đầu ra cho nông dân. Dự kiến tổng số vốn đầu tư phát triển NN Hà Nội giai đoạn 2010-2020 là 41.451 tỷ đồng.

Theo dự thảo Quy hoạch tổng thể NN Hà Nội, đến năm 2015, tỷ trọng giá trị tăng thêm ngành NN chiếm khoảng 3-4% trong cơ cấu GDP toàn TP. Về giá trị sản xuất, giai đoạn 2011-2020 đạt tốc độ tăng trưởng trên 2%/năm. Cơ cấu giá trị sản xuất NN năm 2015 sẽ là 40% trồng trọt, 50% chăn nuôi, 10% thủy sản; đến năm 2020 là 34,5% trồng trọt, 54% chăn nuôi và 11,5% thủy sản. Diện tích đất trồng lúa theo quy hoạch sử dụng đất TP đến năm 2015 là 104 nghìn hécta, đến năm 2020 giữ ổn định ở mức 92,1 nghìn hécta.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hình thành các vùng sản xuất hàng hóa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.