Fillippo Brunelleschi (1377 - 1446), một kiến trúc sư người Italia nổi tiếng vì đã thiết kế mái vòm của nhà thờ Florence, được coi là người đã đạt được những tiến bộ vượt bậc về phối cảnh. Ông là người đầu tiên đưa ra ý tưởng về cách vẽ các đường thẳng song song trong các bức tranh.
Theo ông, để các bức tranh có độ sâu, các đường thẳng song song (trên thực tế) cần được vẽ sao cho nó đều gặp nhau tại một điểm (đồng quy), tùy thuộc vào vị trí quan sát của người họa sĩ. Ý tưởng này của ông là một trong những lý thuyết quan trọng trong hội họa. Ông cũng tính toán chính xác tỷ lệ của các chiều dài trên thực tế với chiều dài trong các bức tranh, tùy thuộc góc độ quan sát. Ông áp dụng nguyên tắc của mình trong việc vẽ lại kiến trúc của nhiều tòa nhà cổ La Mã, cũng như tham gia vào thiết kế toàn bộ hay một phần những nhà thờ ở Florence. Nhà thờ do ông thiết kế được áp dụng những nguyên tắc hình học như những cột thẳng, các mặt phẳng, tỷ lệ các đoạn thẳng, sao cho hài hòa, cân đối. Ông cũng thiết kế mái vòm hình bát giác cho nhà thờ hay việc phân chia tỷ lệ để thiết kế những hình bán nguyệt, hình vuông, hình chữ nhật… nhằm tạo ra những kiến trúc đẹp tồn tại cho đến ngày nay.
Những ý tưởng của Brunelleschi không được ông viết thành sách hoặc giải thích. Tuy vậy, những ý tưởng đó đều được nhà toán học người Italia Leone Alberti (1404 - 1472) tập hợp lại, trở thành một phần trong tác phẩm “Bàn về nghệ thuật hội họa” của ông. Trong sách này, Alberti còn tiếp tục phát triển nghệ thuật phối cảnh bằng cách ông kết hợp quang học với hình học. Ông cũng phát triển các kiến thức về hình học không gian, cách vẽ các vị trí trong không gian với khoảng cách được tính toán chính xác, một ý tưởng ban đầu để tạo tiền đề sau này cho việc ra đời hệ tọa độ mang tên nhà toán học người Pháp René Decartes (1596 - 1650). Alberti cũng tìm hiểu về các phép chiếu trong hình học, nghệ thuật, đồng thời phát triển ý tưởng các đường điểm đồng quy trong không gian. Ông quan sát từ mắt đến hai điểm để tạo ra một tam giác, từ mắt đến một hình vuông để tạo ra một hình kim tự tháp. Trong tranh, ông đặt điểm quan sát ở một vị trí xác định và vẽ các đường thẳng sao cho nó có xu hướng đồng quy về điểm đó, tạo cái nhìn sâu hơn cho bức tranh. Ông cũng chia mặt phẳng thành những lưới hình vuông rồi xác định giao điểm của vật cần vẽ với lưới, giống như trong hệ tọa độ Decartes trong mặt phẳng. Chúng ta có thể hình dung phương pháp này giống như một học sinh tập viết chữ cái trong các vở ô ly, cần xác định trước vị trí các điểm trong lưới. Cùng với cuốn sách “Bàn về nghệ thuật điêu khắc” hay “Mười cuốn sách về nghệ thuật xây dựng”, Alberti được coi như cha đẻ của nghệ thuật phối cảnh trong kiến trúc và hội họa và là người đặt nền móng cho kiến trúc thời Phục hưng. Ông cũng dùng các kiến thức hình học, cùng với Paolo Toscanelli, vẽ tấm bản đồ cho chuyến đi biển đầu tiên của nhà hàng hải Christophe Colomb.
Kết quả kỳ trước: Bức tranh nổi tiếng thời Phục hưng: “Mona Lisa” của Leonardo da Vinci.
Kỳ này: Em biết phát minh nào của Alberti trong toán học? Câu trả lời gửi về chuyên mục “Toán học, học mà chơi”, Tòa soạn Báo Hànộimới, 44 Lê Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.