(HNM) - Sau 4 năm triển khai đề án đào tạo theo chương trình tiên tiến (CTTT), Bộ GD-ĐT cho biết, gần như 100% số SV tốt nghiệp từ chương trình có việc làm, được các cơ quan sử dụng đánh giá tốt.
Bên cạnh đó, các CTTT đã đem lại nhiều nhận thức mới trong công tác quản lý, trong đổi mới phương pháp dạy - học... ở nhiều trường, góp phần thực hiện mục tiêu đổi mới về chất công tác quản lý giáo dục đại học như Bộ GD-ĐT đã đặt ra.
Một mô hình khả thi
Đến nay cả nước đã có 35 CTTT của 23 trường ĐH Việt Nam hợp tác với 22 trường ĐH trên thế giới. Số SV theo học 2 khóa đầu của CTTT là hơn 2.100 em. Đánh giá về hiệu quả bước đầu của các chương trình, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định: Các trường ĐH tham gia đề án và các cơ quan quản lý của Bộ GD-ĐT đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong đổi mới quản lý, tạo lập cơ chế, áp dụng chương trình và phương pháp giảng dạy mới, công nghệ đánh giá hiện đại, nhằm nhanh chóng nâng cao chất lượng đào tạo trong điều kiện nguồn nhân lực còn hạn chế. Một số trường ĐH Việt Nam đã thu hút được SV nước ngoài đến học tập, nghiên cứu như ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Cần Thơ, ĐH Đà Nẵng, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Nông nghiệp Hà Nội, ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội).
Một giờ học tại Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Quốc gia HN. Ảnh: Bùi Tuấn |
Cùng với việc tiếp cận với các chương trình đào tạo tốt nhất từ 200 trường ĐH có uy tín, các trường đã dành sự quan tâm thích đáng tới lực lượng giảng viên. ĐH Đà Nẵng đã mời được 39 lượt giảng viên nước ngoài/chương trình, phân bố đều ở cả 4 khóa. Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) mời được 28 lượt giảng viên/chương trình trong 2 khóa. Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) mời được 29 lượt giảng viên/chương trình sau 4 khóa. Dẫu chưa đạt được mục tiêu là những khóa đầu bảo đảm 100% các môn học do giảng viên nước ngoài đảm nhiệm song các trường đã nỗ lực khắc phục nhiều khó khăn như kinh phí quá cao, giảng viên nước ngoài không sắp xếp được thời gian... để sinh viên của mình được học tập với giảng viên có trình độ của các trường đối tác. Sự tham gia của các giảng viên nước ngoài còn tạo cơ hội cho giảng viên Việt Nam làm quen với công nghệ giảng dạy tiên tiến, nâng cao đáng kể năng lực chuyên môn và trình độ tiếng Anh. Ngoài ra, một lực lượng đông đảo giảng viên đã được các trường gửi đi bồi dưỡng ở trường đối tác hay được giảng viên trường đối tác tập huấn. Đội ngũ này đang dần thay thế giảng viên nước ngoài để trở thành lực lượng giảng dạy chính.
Làm thế nào để nhân rộng?
Những hiệu quả thiết thực từ CTTT đã cho thấy tính khả thi của mô hình đào tạo này. Song câu hỏi đặt ra là về lâu dài, liệu chương trình có đủ sức thoát khỏi quy mô thí điểm để nhân rộng ra nhiều trường cũng như nhiều ngành đào tạo khác hay không?
Để lan tỏa theo hướng thu hút nhiều SV, theo ông Nguyễn Hội Nghĩa (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh), điều quan trọng hàng đầu chính là chất lượng, từ đó tạo ra uy tín. Bằng nhiều cách, các trường thành viên của trường đã và đang cố gắng huy động nguồn tài trợ từ các doanh nghiệp để tạo sự bền vững cho chương trình. Còn thành quả lớn nhất của CTTT tại Trường ĐH Nông lâm TP Hồ Chí Minh, theo một lãnh đạo nhà trường, là thay đổi phương pháp học tập và giảng dạy theo một CTTT. Các giáo viên được đi tập huấn về phương pháp giáo dục tiên tiến, buộc SV phải chủ động hơn, có ý thức nhiều hơn trong học tập. Sự lan tỏa của chương trình trong trường là rất lớn. Ngoài Khoa Công nghệ thực phẩm, các khoa khác cũng đã chú trọng cử giáo viên đi tập huấn tại các trường tiên tiến trên thế giới. Năm nay trường có thêm ngành thú y của Khoa Chăn nuôi - Thú y bắt đầu tuyển sinh theo CTTT.
Đề cập tới việc nhân rộng CTTT tới nhiều trường, bà Nguyễn Thị Anh Đào, ĐH Đà Nẵng cho rằng: Không phải ĐH nào muốn cũng triển khai được CTTT vì còn phụ thuộc vào các nguồn lực. Nhưng học tập ít nhiều từ kinh nghiệm, cách làm ở một ngành đào tạo nào đó thì nhiều trường chắc chắn làm được. Muốn vậy, các trường phải được chia sẻ những kết quả thu được từ chương trình. Đến nay, dù Bộ GD-ĐT đã quy định các trường phải giới thiệu CTTT lên website cho nhiều người tiếp cận, nhưng trên thực tế tìm nội dung này rất khó và thông tin cũng không nhiều. Suy cho cùng, kinh phí các chương trình này được lấy từ ngân sách quốc gia nên phải phục vụ cho lợi ích chung, phục vụ cộng đồng SV. Chính vì vậy, các chương trình, giáo trình tiên tiến không thể là "tài sản" riêng của mỗi nhà trường, ít ra là cho đến khi các trường đã áp dụng được mô hình này và mọi SV đều hiểu, có điều kiện tiếp cận, chọn lựa. Mặt khác, việc có nhiều trường học tập, vận dụng được nội dung, cách thức đào tạo của chương trình sẽ tạo thêm sức hút cho CTTT.
Bốn năm trước, khi quyết định triển khai 9 CTTT đầu tiên, Bộ GD-ĐT mong muốn dùng kinh nghiệm đào tạo của các trường ĐH tiên tiến của quốc tế đã được thừa nhận để đáp ứng những mục tiêu trước mắt của giáo dục đại học Việt Nam như đẩy nhanh việc đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, chuẩn hóa cơ sở vật chất và phương pháp giảng dạy, thi cử, đánh giá, quản lý đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn và trình độ tiếng Anh của cả thầy lẫn trò, thu hút sinh viên nước ngoài theo học, tạo sức hút để cán bộ trẻ, trình độ cao đến làm việc... Những kết quả đạt được sau lứa sinh viên đầu ra trường cho thấy các trường đã dần tiệm cận mục tiêu đề ra. Nhưng "đầu tàu" này có đủ sức kéo "con tàu" giáo dục ĐH hay không thì còn phải chờ khả năng lan tỏa của mô hình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.