(HNM) - Qua hai năm thí điểm, mô hình phòng khám đa khoa vệ tinh của bệnh viện quận, huyện tại các trạm y tế ở TP Hồ Chí Minh đã mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân thành phố.
Chị Lê Thanh Hân (quận Tân Phú) cho biết, mỗi khi có người nhà bị bệnh về huyết áp, cảm cúm, ho, sốt, đau bụng... chị chỉ cần đưa đến trạm y tế phường để khám, chữa bệnh bởi tại đây có phòng khám đa khoa vệ tinh của Bệnh viện quận Tân Phú.
Còn anh Phạm Thành Hưng (quận 2) cho hay: “5 năm nay, tôi thường phải vất vả đi đường xa để đến Bệnh viện quận 2 khám, chữa bệnh. Nhưng khi nghe tin có phòng khám của bệnh viện quận đặt tại trạm y tế gần nhà, tôi rất phấn khởi vì từ nay đỡ phải đi xa”.
Người dân đến khám, chữa bệnh tại Trung tâm Y tế quận 2. |
Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, hiện thành phố đã có 4 trạm y tế đặt phòng khám đa khoa vệ tinh, gồm 2 trạm ở quận Thủ Đức, 1 trạm ở quận Tân Phú và 1 trạm ở quận 2. Hiện các trạm y tế thu hút được hơn 3% bệnh nhân đến thăm khám trên tổng số lượt khám, chữa bệnh của toàn thành phố.
Phòng khám vệ tinh đầu tiên ở tuyến trạm y tế được Bệnh viện quận Thủ Đức triển khai tháng 7-2016 tại phường Bình Chiểu. Đến thời điểm này, phòng khám đã mang lại hiệu quả cao, mỗi ngày có khoảng 200 bệnh nhân đến khám, chữa bệnh.
Với những thành công ban đầu, mới đây, Bệnh viện quận 2 đã đầu tư phòng khám đa khoa vệ tinh tại phường Thảo Điền. Phòng khám rộng hơn 750m2, gồm một tầng trệt và hai tầng lầu với nhiều chuyên khoa như: Cấp cứu, nhi, răng hàm mặt, tai mũi họng, sản, da liễu, y học cổ truyền...
Tại đây có các trang thiết bị hiện đại như máy sinh hóa bán tự động, máy xét nghiệm huyết học tự động, máy siêu âm, chụp X-quang. Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện quận 2 cho biết, để phòng khám hoạt động hiệu quả, bệnh viện đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng và tăng cường 17 bác sĩ với đầy đủ các chuyên khoa.
Để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tuyến phường, xã, Sở Y tế thành phố đang tăng cường bác sĩ về trạm y tế, với mục tiêu từ nay đến năm 2020 mỗi trạm y tế sẽ có 2 bác sĩ. Đặc biệt, thành phố sẽ có 24 trạm y tế thí điểm hoạt động theo nguyên lý y học gia đình. Bên cạnh đó, mô hình trạm y tế xã hội hóa theo hình thức đối tác công - tư đang được triển khai, trong đó doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực khám, chữa bệnh của trạm y tế.
Nói về mô hình phòng khám tại các trạm y tế, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, Sở sẽ tiến tới phát triển mô hình trạm y tế một điểm dừng. Tại đây, y bác sĩ sẽ thực hiện nhiệm vụ tiếp cận hiện trường, thực hiện cấp cứu, chuyển bệnh viện sớm cho những trường hợp khẩn cấp. Các xét nghiệm chuyên sâu, thuốc điều trị đặc hiệu sẽ được cung ứng đầy đủ. Ca bệnh khó sẽ được hội chẩn chuyên môn liên viện, trường hợp cần can thiệp thì bác sĩ sẽ đến tận nơi thực hiện… Khi đó, người dân chỉ cần ở tại trạm y tế nhưng vẫn được chăm sóc, điều trị với chất lượng chuyên môn như tại bệnh viện.
Có thể nói, mô hình đặt phòng khám đa khoa tại các trạm y tế đã mang lại hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, để tạo được niềm tin của người dân đối với các trạm y tế, vấn đề cấp thiết hiện nay là nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, thay đổi cách làm, thái độ ứng xử của nhân viên trạm y tế với người bệnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.