Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hiệu quả từ hoạt động khuyến nông

Đào Huyền - Ngọc Minh| 13/01/2012 08:04

(HNM) - Đột phá mạnh mẽ nhất trong nông nghiệp Hà Nội là cơ giới hóa sản xuất. Theo đó là những giống lúa hàng hóa chất lượng, rau màu cho giá trị kinh tế cao.


Mô hình trồng bí xanh vụ đông ở xã An Mỹ (Mỹ Đức) đạt hiệu quả cao.Ảnh: Đỗ Minh

Việc đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng năng suất, chất lượng đang là tiền đề quan trọng để các địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM. Theo ông Nguyễn Văn Chí, Giám đốc TTKN Hà Nội, thành công lớn nhất của việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất lúa là việc nhân rộng mô hình gieo sạ và thâm canh các giống lúa chất lượng. Năm 2011, các huyện ngoại thành đã gieo sạ trên 13 nghìn héc ta lúa. Tuy nhiên, để nhân rộng mô hình này các địa phương cần đẩy nhanh dồn điền đổi thửa, hình thành những cánh đồng lớn. "Với một héc ta Bắc bộ, cần 30 người cấy trong một ngày mới xong, nếu thực hiện gieo sạ chỉ cần hai người/ngày/héc ta. Đây là yếu tố quan trọng để các địa phương giảm công lao động, giảm chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập" - ông Chí nhấn mạnh. Hà Nội hiện có khoảng 200.000ha đất sản xuất lúa hằng năm. Mô hình cơ giới hóa giúp khâu làm đất, gieo thẳng, chăm sóc và thu hoạch nhanh hơn, đúng khung thời vụ giảm chi phí sản xuất, đặc biệt phát huy ưu điểm của mô hình kinh tế hợp tác xã. Theo các hộ nông dân tham gia mô hình gieo sạ tại xã Đa Tốn (Gia Lâm), tiền thuê cấy lúa dao động từ 150.000-250.000 đồng/sào, nếu gieo sạ hết khoảng 40.000 đồng/sào. Các khâu dịch vụ như ủ giống, gieo sạ, phun thuốc trừ cỏ, thu hoạch… được hợp tác xã đảm nhiệm. Chi phí mỗi héc ta lúa giảm từ 5-6 triệu đồng, ngược lại năng suất lúa tăng 15-20%. Bên cạnh mô hình gieo sạ, TTKN Hà Nội triển khai nhiều mô hình luân canh trên đất 2 lúa đem lại hiệu quả cao như trồng khoai tây bằng phương pháp không làm đất; mô hình trồng bí xanh, bí đỏ vụ đông...

Đến xã An Mỹ, huyện Mỹ Đức vào những ngày cuối đông, hàng trăm nông dân đang thu hoạch bí xanh. Vụ đông năm 2011, TTKN triển khai mô hình trồng bí xanh, bí đỏ tại 2 thôn Tảo Khê và Kênh Đào (xã An Mỹ) với diện tích 10ha. Ông Nguyễn Văn Tài, Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp An Mỹ cho hay, trồng bí xanh vụ đông thời gian sinh trưởng ngắn (từ 70-90 ngày), năng suất đạt khoảng 30 tấn quả/ha, giá bán tại ruộng hiện nay 13-14 nghìn đồng/kg, nông dân thu được khoảng 150 triệu đồng/ha; cao gấp 6 lần so với trồng đậu tương truyền thống. Mô hình này cũng đang được triển khai tại các xã của huyện Thạch Thất với diện tích 50ha.

Bên cạnh đó, mô hình trồng khoai tây bằng biện pháp làm đất tối thiểu và che phủ rơm rạ trong vụ đông có năng suất ổn định và có giá trị kinh tế cao. Đây là biện pháp kỹ thuật mới, cho năng suất, chất lượng cao gấp 2-3 lần so với cách làm cũ, đồng thời giảm chi phí nên ai cũng hồ hởi. Với phương pháp sản xuất này, năng suất ước đạt khoảng 6-8 tạ/sào, với giá 10 nghìn đồng/kg thì hiệu quả kinh tế khoảng 150 triệu đồng/ha. Đặc biệt vấn đề rơm rạ sau thu hoạch cũng được xử lý hiệu quả.

Hướng tới sản xuất VietGap


Năm 2012, TTKN sẽ đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp, hỗ trợ máy làm đất, máy gặt đập liên hoàn, gieo sạ… Đó là sẽ thực hiện gieo sạ 100% diện tích đất trồng lúa xã An Mỹ, huyện Mỹ Đức. Đồng thời, nhân rộng mô hình này tại nhiều địa phương, tiến hành luân canh với các cây trồng giá trị cao trên đất hai lúa. Sản xuất lúa, rau màu Hà Nội sẽ tiến đến những giống chất lượng, bảo đảm an toàn theo hướng VietGap. Tuy nhiên, để nhân rộng mô hình các địa phương phải đẩy mạnh dồn điền đổi thửa, quy hoạch vùng sản xuất tập trung, giao thông nội đồng, hệ thống tưới tiêu. Khuyến khích nông dân làm theo mô hình phải giải quyết được vấn đề liên kết 4 nhà, nhà khoa học chuyển giao kỹ thuật, nông dân học tập, doanh nghiệp và cơ quan quản lý đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, liên kết bảo đảm đầu ra cho nông dân.

Thực tế, cơ cấu lao động nông thôn đang chuyển dịch theo hướng công nghiệp và dịch vụ. Việc tăng cường đầu tư cho công tác khuyến nông là biện pháp nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động nông thôn theo hướng tích cực. Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM, các địa phương cần có chính sách đầu tư thỏa đáng cho nông nghiệp, nông thôn; cần quan tâm đầu tư đồng bộ máy móc cho sản xuất, chế biên nông sản nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến nông; hỗ trợ vốn cho hoạt động khuyến nông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả từ hoạt động khuyến nông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.