Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hiệu quả từ hai vượt, bốn rèn...

Hà Hiền| 06/04/2023 06:37

(HNM) - Cuộc vận động “Hai vượt, bốn rèn, năm phấn đấu” do Hội Người mù thành phố Hà Nội phát động từ năm 2003. Với cách thức triển khai sáng tạo, linh hoạt, sau 20 năm cuộc vận động đã đi vào đời sống, góp phần làm thay đổi nhận thức, cuộc sống của cộng đồng người khiếm thị...

Các học viên tham gia lớp học về công nghệ thông tin cho người khiếm thị do Hội Người mù quận Thanh Xuân tổ chức. Ảnh: Lan Hương

Triển khai linh hoạt, sáng tạo

Theo Hội Người mù thành phố Hà Nội, cuộc vận động “Hai vượt, bốn rèn, năm phấn đấu” có ý nghĩa khuyến khích, tạo điều kiện để người khiếm thị vượt khó; rèn kỹ năng, thể lực, trí lực, phong cách; phấn đấu có tri thức ngày càng cao, bản lĩnh chính trị vững vàng, đời sống vật chất nâng cao, đời sống tinh thần phong phú và bình đẳng, hòa nhập với cộng đồng.

Đưa cuộc vận động vào đời sống, tinh thần “vượt”, “rèn”, “phấn đấu” được các cấp Hội Người mù thành phố và hội viên triển khai linh hoạt, phù hợp với từng người, từng cơ sở. Tại những địa phương vùng ngoại thành, xa trung tâm, cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn như Ba Vì, Mỹ Đức, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Phúc Thọ,… nội dung cuộc vận động được lồng ghép với chương trình “Hành động việc làm giảm nghèo bền vững”. Nhiều hội viên khiếm thị được học chữ, học nghề, tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để giải quyết việc làm. Chị Nguyễn Thị Oanh, trú tại xã Hương Sơn (huyện Mỹ Đức) bày tỏ: “Từ nghề tẩm quất được trang bị, tôi đã nỗ lực làm nghề, tích lũy kinh nghiệm để mở được một cơ sở tẩm quất tại quận Hà Đông. Nguồn thu nhập đều đặn từ công việc đang làm giúp cuộc sống của tôi bước sang trang mới”.

Vẫn tập trung, ưu tiên cho công tác dạy chữ, dạy nghề, hỗ trợ giải quyết việc làm, song tại những địa phương điều kiện kinh tế - xã hội phát triển hơn, người khiếm thị có cơ hội “vượt”, “rèn”, “phấn đấu” thông qua nhiều chương trình, hoạt động phong phú. Chẳng hạn tại quận Thanh Xuân, Chủ tịch Hội Người khiếm thị quận Thanh Xuân Nguyễn Tiến Thành cho biết, hội liên tục tổ chức các sân chơi để người khiếm thị tỏa sáng như: “Tìm kiếm tài năng người khiếm thị”, “Bước nhảy xóa mọi khoảng cách”, “Tài sắc Thanh Xuân”. Cùng với đó là những buổi nói chuyện chuyên đề về “xây dựng gia đình hạnh phúc”, “chăm sóc sức khỏe”…

Ở cấp thành phố, Hội Người mù thành phố Hà Nội phối hợp với các đơn vị chức năng, tổ chức trong nước, quốc tế triển khai một số chương trình lớn như: “Festival niềm tin và ánh sáng”, “Tiếng hát từ trái tim”, “Chạy với tôi”, “Ươm hạt giống tâm hồn”… Nhờ đó, sau hành trình 20 năm bền bỉ triển khai cuộc vận động “Hai vượt, bốn rèn, năm phấn đấu”, cộng đồng người khiếm thị ở Thủ đô có đời sống vật chất ổn định, đời sống tinh thần ngày càng phong phú, kỹ năng hòa nhập xã hội ngày một tốt lên. Hiện nay, Hà Nội cơ bản không còn gia đình có thành viên là người khiếm thị thuộc diện hộ nghèo; đa số người khiếm thị trong độ tuổi và có khả năng lao động đang tham gia lao động. Trẻ em khiếm thị trong độ tuổi được đến trường…

Tạo điểm tựa vững vàng

Sinh hoạt trong các tổ chức hội và được trang bị kiến thức, kỹ năng vượt khó khăn, vượt rào cản, rèn thể lực, trí lực, không ít người khiếm thị ở Thủ đô đã làm được những công việc phi thường trên nhiều lĩnh vực.

Nổi lên là hội viên Nghiêm Thu Loan, hội viên Hội Người mù huyện Ứng Hòa xuất sắc giành học bổng trị giá 1,5 tỷ đồng của Đại học RMIT năm 2019; Vũ Thị Hải Anh, hội viên Hội Người mù quận Hoàn Kiếm trở thành “Đại sứ văn hóa đọc” Thủ đô, giành giải Đặc biệt trong “Cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 48 năm 2019” cùng nhiều thành tích nổi bật khác. Ở lĩnh vực thể thao, cộng đồng không còn xa lạ với vận động viên cờ vua Nguyễn Thị Hồng (hội viên Hội Người mù huyện Phúc Thọ), giành 2 Huy chương vàng cá nhân tại Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á (ASEAN Para Games) năm 2022.

Tuy nhiên, trong bối cảnh xã hội có nhiều thay đổi, nhiều ý kiến cho rằng, nội dung cuộc vận động “Hai vượt, bốn rèn, năm phấn đấu” cần có sự điều chỉnh cho phù hợp. Theo Chủ tịch Hội Người mù quận Hoàn Kiếm Hoàng Văn Lý, việc biết đọc, viết thành thạo là kỹ năng đầu tiên, quan trọng nhất để người khiếm thị tiếp cận với kho tàng tri thức, hòa nhập xã hội. Tuy nhiên, cách dạy chữ nổi truyền thống không còn phù hợp trong thời đại công nghệ số. Do đó, các cơ quan chức năng nên nghiên cứu phương pháp dạy chữ, dạy nghề mới dành cho người khiếm thị.

Còn Phó Chủ tịch Hội Người mù huyện Phú Xuyên Nguyễn Văn Hùng cho rằng: “Với trình độ và khả năng nhận thức ngày càng cao, hiện nay, không ít người khiếm thị đang làm nhân viên kinh doanh, tư vấn chính sách cho doanh nghiệp,…Thế nên, danh mục đào tạo nghề cần bổ sung những ngành, nghề hiện đại, phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của thị trường việc làm”.

Trao đổi về cuộc vận động “Hai vượt, bốn rèn, năm phấn đấu”, Chủ tịch Hội Người mù thành phố Hà Nội Lê Trung Quyết cho biết, các cấp hội tiếp tục đưa cuộc vận động này lan tỏa, thấm sâu đến từng hội viên, gia đình người khiếm thị, góp phần tạo điểm tựa vững vàng cho hội viên hòa nhập xã hội. Những nội dung không còn phù hợp sẽ được quan tâm sửa đổi, bổ sung để người khiếm thị có cơ hội phát triển tốt nhất.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả từ hai vượt, bốn rèn...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.