Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hiệu quả chưa như mong đợi

Thanh Mai| 14/08/2012 06:41

(HNM) - Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án

Việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước cần có lộ trình, giải pháp cụ thể tránh xảy ra tình trạng thiếu hiệu quả, làm ảnh hưởng tới nền kinh tế. Ảnh: Minh Hải


Còn lưu luyến với… thoái vốn

Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) khẳng định, việc thoái vốn đầu tư ra ngoài lĩnh vực kinh doanh chính của các tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT) nhà nước là một nội dung quan trọng của quá trình tái cơ cấu DNNN. Trên thực tế, việc thực hiện vấn đề tái cơ cấu DNNN dường như đang gặp thách thức, khi có TĐ, TCT tìm cách trì hoãn, thậm chí né tránh việc thoái vốn đã đầu tư vào các lĩnh vực ngoài ngành nghề chính. Đề án tái cấu trúc TĐ Công nghiệp Cao su Việt Nam vừa trình Chính phủ, DN này xin được bổ sung ngành đầu tư khu công nghiệp là lĩnh vực kinh doanh chính, trong khi đây là lĩnh vực đầu tư ngoài ngành mà TĐ phải hoàn tất thoái vốn trước năm 2015 theo chỉ đạo của Chính phủ; TĐ Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), TĐ Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vẫn đề xuất xin được giữ lại phần vốn tại lĩnh vực bảo hiểm và tài chính… Việc thoái vốn là tất yếu, bởi các DNNN nên tập trung vào ngành kinh doanh nòng cốt, tuy nhiên lộ trình thực hiện phải chặt chẽ để tránh nảy sinh xung đột lợi ích. Chẳng hạn, các TĐ, TCT đầu tư ngoài ngành dưới dạng góp vốn, liên kết, liên doanh… nay rút vốn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động SXKD, do vậy DNNN có thể viện cớ này mà không rút vốn ngay. Ngoài vấn đề thoái vốn, cần tiếp tục cổ phần hóa (CPH) các DNNN. Đây được xác định là nhiệm vụ khó khăn và quyết định sự thành công của tái cơ cấu. Thời gian qua, quá trình CPH còn chậm, mà nguyên nhân chính là do sự đổ vỡ của "bong bóng chứng khoán" năm 2008, làm thị trường này rơi vào tình trạng ảm đạm những năm sau đó. Hơn nữa, những DNNN còn lại trong danh sách CPH đa phần có quy mô vừa và lớn, thậm chí rất lớn, nên chương trình CPH ngày càng trở nên phức tạp, nhất là việc định giá tài sản DN và giải quyết xung đột về lợi ích giữa các đối tượng có liên quan. Nhiều chuyên gia cho rằng, quá trình tái cấu trúc DNNN, nhất là CPH, có thể dẫn tới việc một phần tài sản của DNNN được chuyển sang các cổ đông tư nhân với mức giá thấp hơn giá thị trường (do khâu định giá DN chưa chuẩn xác) và gây thất thoát tài sản của DN cũng như ngân sách nhà nước.

Không để hao hụt vốn

Bên cạnh những giải pháp nêu trong đề án, nếu không có cơ chế giám sát chặt, rất có thể quá trình tái cơ cấu chỉ nặng về hình thức. Thực tế, hệ thống kiểm soát hiệu quả kinh doanh không đủ mạnh đã dẫn tới những khoản vay và đầu tư quá mức của các TĐ. Cũng từ hệ thống kiểm soát chưa đủ mạnh đã làm thất thoát vốn, lãng phí tài sản rất lớn. Vì vậy, cần phải xây dựng hệ thống kiểm soát DN chặt chẽ thông qua hệ thống kiểm toán nhà nước.

Các doanh nghiệp nhà nước cần tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính. Ảnh: Như Ý

Thực tế cho thấy, việc kiểm soát quá trình kinh doanh trước hết thuộc về các tổ chức quản lý kinh tế, sẽ sát thực hơn, hiệu quả hơn. Trong quá trình giám sát, cần đặc biệt lưu ý vấn đề giám sát tài chính. Gần đây, Chính phủ giao Bộ Tài chính cử kiểm soát viên tại TĐ-TCT nhà nước để theo dõi, giám sát tình hình quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại các DN trong quá trình tái cơ cấu. Trước đó, Bộ Tài chính đã đề xuất Chính phủ đề án thành lập Tổng cục Giám sát phần vốn nhà nước với nhiệm vụ giám sát, kịp thời phát hiện những bất cập, sai sót của các DNNN để phòng chống. Nhiều chuyên gia cho rằng đây là mô hình tốt nên thực hiện. Tuy nhiên, bộ chủ quản chỉ quản lý vấn đề nhân sự còn tổng cục giám sát hoạt động tài chính; tổng cục này phải nắm được DN đang vay nợ bao nhiêu và cần kết hợp với bộ phận thuế để tăng cường giám sát. Một vấn đề khác cũng được nhiều chuyên gia kinh tế chỉ ra là lợi ích nhóm. Lợi ích nhóm chi phối và làm hao hụt vốn nhà nước cũng là mặt trái của quá trình tái cơ cấu. Lợi ích nhóm chính là lực cản khó giải quyết nhất của quá trình tái cơ cấu, nếu không giải quyết được thì nhiều TĐ sẽ khó thành công trong tái cấu trúc.

Ngoài các vấn đề trên, chi phí để thực hiện tái cơ cấu cũng cần được quan tâm. Thực tế cho thấy, chưa cơ quan nào dự trù kinh phí cụ thể cho quá trình tái cơ cấu DNNN, do phạm vi rộng, dàn trải, cũng như mối liên hệ khá chặt chẽ với quá trình tái cấu trúc ngành ngân hàng. Nhưng chắc chắn đó sẽ là một khoản không nhỏ. Xét về mặt kinh tế, chi phí cho tái cơ cấu DNNN gồm các khoản nợ phải thu khó đòi, khoản lỗ, chi giải quyết việc làm người lao động, cấp vốn cho các định chế tài chính trung gian có thể phát sinh lớn, ước hàng chục tỷ đồng. Đây sẽ là gánh nặng với nền kinh tế, nhiều khả năng làm tăng thêm nợ công nếu không có phương án xử lý tốt. Trong bối cảnh kinh tế đang khó khăn như hiện nay, việc dành một khoản chi phí lớn cho quá trình tái cơ cấu DNNN cũng là điều không dễ.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả chưa như mong đợi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.