(HNM) - 100 tập phim phóng sự truyền hình
Câu lạc bộ Cung Văn tỉnh Hà Nam biểu diễn hát chầu văn tại Họp báo Ảnh: VOV |
Năm 2012, Bộ VH,TT&DL đã tôn vinh “Nghi lễ chầu văn” là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đầu năm nay, Việt Nam đã hoàn thành hồ sơ “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ của người Việt” để UNESCO xem xét, tôn vinh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Những động thái nói trên thể hiện sự chuyển biến về nhận thức đối với giá trị văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu. Tuy thế, đối với những người đã nhiều năm theo đuổi nghiên cứu, bảo vệ và phát huy di sản, vẫn cần có thêm biện pháp quảng bá nhằm thúc đẩy sự hiểu biết chính xác về nguồn gốc, bản chất và giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu trong dân gian.
Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam (Hội Di sản văn hóa Việt Nam) muốn thực hiện dự án phim tài liệu đầy đặn về văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu. Ý định đó trùng hợp với “nỗi thao thức” của đạo diễn Nguyễn Minh Tuân và Hãng phim Hòa Bình. 12 năm bôn ba khắp chốn, từ biên giới, vùng núi đến đồng bằng, hải đảo để nghiên cứu đạo Mẫu, Nguyễn Minh Tuân nắm bắt được giá trị của một loại di sản “độc nhất vô nhị”, mà theo ông, “đã giúp tôi hiểu được thêm về nguồn cội của chính mình, hiểu về đạo lý làm người”. Song, ông cũng chứng kiến sự biến dạng của di sản ở đâu đó, phát hiện ra những hành vi lợi dụng yếu tố tín ngưỡng để trục lợi. Với tâm thế của một người làm nghệ thuật, Nguyễn Minh Tuân nghĩ ngay đến cách duy trì một di sản văn hóa bản địa mang âm hưởng của chính người Việt và “dọn dẹp ngôi nhà Mẫu khang trang, sạch đẹp, mang đúng ý nghĩa”.
Bộ phim “Việt Nam văn hóa thờ Thánh Mẫu” bắt đầu khởi quay từ tháng 6, do Nguyễn Minh Tuân đạo diễn dưới sự chỉ đạo nội dung của GS.TS Ngô Đức Thịnh và cố vấn lịch sử - nhà sử học Dương Trung Quốc. Dự kiến, phim có 100 tập, mỗi tập dài 15 phút, với tiêu chí xuyên suốt là “tạo bức tranh toàn diện về văn hóa tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu của người Việt, giúp người xem hiểu đúng, hiểu được sự sâu xa, nét tinh hoa của di sản văn hóa này để có những chuyển biến trong nhận thức và hành động”.
Để thực hiện được điều đó, đoàn làm phim đã chia nhiều nội dung để triển khai. Thứ nhất, chứng minh tín ngưỡng thờ Mẫu là tín ngưỡng bản địa từ lâu đời, có nguồn gốc từ khi hình thành dân tộc, trải qua thời lập quốc và tồn tại đến ngày nay. Thứ hai, là tái tạo nên bức tranh tín ngưỡng thờ Mẫu đa dạng của người Việt từ Bắc chí Nam và trong khi phát triển, tín ngưỡng thờ Mẫu đã hòa nhập với các tôn giáo, tín ngưỡng khác để làm phong phú thêm sắc thái. Thứ ba, bộ phim sẽ đi sâu thể hiện khía cạnh tín ngưỡng và văn hóa tín ngưỡng (hệ thống điện thần, các vị thánh có công với nước) cũng như các nghi lễ, trong đó, tiêu biểu là nghi lễ Chầu văn - sự tích hợp các sinh hoạt văn hóa như âm nhạc, hát, múa, lễ phục, đồ lễ, ẩm thực, kiến trúc, đền phủ, điện…
Theo đạo diễn Nguyễn Minh Tuân, việc thực hiện bộ phim này không dễ, bởi nguồn tư liệu về tín ngưỡng này trong dân gian đã bị mai một nhiều, phải rất vất vả mới có thể tìm hiểu được chuẩn mực của mỗi tục thờ Mẫu. Dù vậy, Nguyễn Minh Tuân và ê kíp thực hiện hy vọng rằng bộ phim sẽ chắt lọc được những nét tinh hoa của văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu, tạo cơ sở để người dân thực hành đúng.
Dự kiến, phim sẽ được hoàn thành vào cuối năm, có thể ra mắt công chúng vào dịp đầu năm mới 2015.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.