(HNM) - Lần đầu tiên, Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tổ chức thống nhất trên toàn quốc vào 9-11 tới. Theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp, trong dịp này, cả nước sẽ cùng tôn vinh Hiến pháp, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho các tầng lớp nhân dân trong xã hội.
Cán bộ Trung tâm Trợ giúp pháp lý Đắc Lắc tư vấn về pháp luật cho người dân. |
Năm 2013 diễn ra một sự kiện đặc biệt quan trọng đối với đất nước. Đó là việc toàn dân tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Hiến pháp 1992 (sửa đổi) của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế. Bởi vậy, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật TƯ, Bộ Tư pháp thống nhất: Ngày Pháp luật năm 2013 cần trở thành sự kiện tiếp nối đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý sâu rộng nêu trên. Nhiều phương án, chủ đề tuyên truyền đã được hai cơ quan này phổ biến đến các tỉnh, thành phố, nhằm phát huy ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) và nhân dân trong thực hành "Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật". Tuy nhiên, đây là đạo luật gốc, quy định các nội dung từ kinh tế, chính trị, văn hóa, bộ máy nhà nước, quyền công dân, làm thế nào để chọn đúng vấn đề người dân quan tâm, tránh tình trạng triển khai hình thức, hô hào khẩu hiệu là điều các đơn vị, địa phương trăn trở.
Kinh nghiệm tổ chức những đợt trợ giúp pháp lý lưu động của TP Hồ Chí Minh, Hà Nội cho thấy, với người dân các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ cần lựa chọn phương pháp, nội dung phù hợp với tình hình thực tế. Chẳng hạn tuyên truyền tác hại của nạn tảo hôn sẽ không thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của người dân bằng vấn đề: Cùng chia sẻ công việc trong gia đình và nuôi dạy con cái. Vì vậy, cần nghiên cứu, lựa chọn được những vấn đề trúng, được người dân quan tâm. Có thể mở đợt cao điểm về phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) về quyền, lợi ích, nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân trong đời sống dân sự, kinh tế hoặc dành thời gian tuyên truyền về các đạo luật sẽ được Quốc hội xem xét, thảo luận trong kỳ họp thứ 6 sắp tới, như Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, Luật Thực hành tiết kiệm, phòng chống lãng phí sửa đổi để thu thập được nhiều hơn nữa ý kiến của lực lượng CBCC. Đặc biệt, tại những điểm "nóng" xảy ra khiếu kiện về đất đai, người dân có nhu cầu tìm hiểu về những bộ luật liên quan tới việc thu hồi đất, đền bù, tái định cư. Không ít gia đình phải bỏ hàng chục triệu đồng thuê luật sư tư vấn, bảo vệ quyền lợi của mình, cho nên đây là cơ hội "vàng" để phổ biến Luật Khiếu nại, tố cáo, Luật Xây dựng, Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Trong các hoạt động PBGDPL, tới đây, Sở Tư pháp Hà Nội sẽ triển khai "Ngày pháp luật phòng chống tham nhũng" giúp nhân dân và CBCCVC nắm được nguyên nhân, điều kiện phát sinh tham nhũng và những giải pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý. Chủ trương này được cho là "đi tắt đón đầu", vì hiện nay Thủ đô đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, nhiều dự án hạ tầng kỹ thuật, khu đô thị mới đang được triển khai, việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng được tiến hành song song và đã từng có một số hành vi tham nhũng vặt được phát hiện trong việc lập, điều chỉnh quy hoạch, định giá đất khi thu hồi, đền bù. Ở lĩnh vực đầu tư, xây dựng cơ bản, các sai phạm chủ yếu là tham ô, cố ý làm trái xảy ra trong các khâu lập dự án, phê duyệt kế hoạch cấp vốn, đấu thầu, tư vấn, giám sát, thi công, nghiệm thu, quyết toán công trình. Trong khi đó, nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về công tác phòng, chống tham nhũng còn hạn chế, phó mặc cho các cơ quan chuyên trách, khiến hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng chưa cao.
Căn cứ tình hình địa phương, mỗi tỉnh, thành phố sẽ lựa chọn chủ đề phù hợp. Vấn đề cần lưu ý là cần tổ chức sinh động, tránh bệnh hình thức thì pháp luật mới "ngấm" tới mỗi người dân. Để công tác tuyên truyền, thiết thực, hiệu quả, các tỉnh, thành phố cần tăng cường điều tra xã hội học để nắm vấn đề dân cần phổ biến, xây dựng kế hoạch tổ chức, từ việc lựa chọn chủ đề, nội dung, hình thức… Có như thế, Hiến pháp và pháp luật mới trở thành một phần thiết yếu của đời sống xã hội, góp phần chi phối tư duy, điều chỉnh hành vi, định hướng hành động của mỗi con người.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.